1. Cơ sở hình thành thị trường thế giới
Thị trường thế giới được hình thành, phát triển dưới tác động đan xen của nhiều yếu tố. Theo trình tự thời gian xuất hiện có thể phân lập thành ba yếu tố chính: các phát kiến địa lý lớn cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI; hoạt động của giai cấp tư sản; sự phát triển của sản xuất lớn đại công nghiệp.
Các phát kiến địa lý lớn
Có ba phát kiến địa lý lớn cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI: một là, năm 1492, Cristoforo Colombo “tìm ra” châu Mĩ; hai là, năm 1497-1498, Vasco da Gama từ Lisbon (Bồ Đào Nha) vòng qua châu Phi đến Ấn Độ; ba là, từ năm 1519 đến năm 1522, Ferdinand Magellan thực hiện chuyến đi vòng quanh Trái đất. Cả ba phát kiến địa lý này đều diễn ra bằng đường biển, gắn với các chuyến thám hiểm của giới thương nhân, quý tộc phương Tây nhằm khai thông con đường buôn bán với phương Đông.
Quan điểm thị trường thế giới hình thành sau những phát kiến địa lý lớn cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI được C.Mác và Ph.Ăngghen đưa ra trong nhiều tác phẩm. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nhấn mạnh việc tìm ra châu Mỹ và con đường biển vòng châu Phi đã đem lại một địa bàn hoạt động mới cho giai cấp tư sản vừa mới ra đời, các thị trường cứ lớn lên không ngừng, thị trường mà việc tìm ra châu Mỹ đã chuẩn bị sẵn (1). Trong bộ Tư bản, C.Mác cho rằng nhờ các phát kiến địa lý lớn nên thế kỷ XVI-XVII diễn ra một cuộc cách mạng thương nghiệp, khi đó “Thị trường thế giới bành trướng một cách đột ngột, các hàng hóa lưu thông ngày càng thêm đa dạng; các nước châu Âu tranh nhau làm chủ các sản phẩm của châu Á và các tài nguyên phong phú của châu Mỹ”(2).
Hoạt động của giai cấp tư sản
Trước khi giai cấp tư sản lớn mạnh, thị trường thế giới chưa hình thành. Thị trường thế giới được hình thành, phát triển là nhờ hoạt động của giai cấp tư sản.
C.Mác và Ph.Ăngghen nhấn mạnh đến lợi ích kinh tế của giai cấp tư sản là nguồn gốc, động lực hình thành thị trường thế giới. “Vì luôn luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu về những nơi tiêu thụ sản phẩm, giai cấp tư sản xâm lấn khắp hoàn cầu. Nó phải xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi”(3). “Nhà tư bản công nghiệp bao giờ cũng nghĩ đến thị trường thế giới; hắn so sánh và thường xuyên phải so sánh chi phí sản xuất của hắn với giá cả thị trường không những của nước hắn mà còn so với giá cả thế giới nữa”(4). Giai cấp tư sản là những người “đại biểu cho nền thương mại thế giới, cho việc trao đổi sản phẩm trực tiếp giữa mọi miền trên trái đất”(5).
Thực tiễn đã chứng minh, giai cấp tư sản, đặc biệt là giới thương nhân lớn là những người đi tiên phong trên các tuyến giao thương xuyên đại dương, do vậy họ là những người có vai trò quan trọng thúc đẩy hình thành thị trường thế giới. Thế kỷ XVI-XVII, chủ thể chính chi phối thị trường thế giới là người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, sau đó là Hà Lan, Anh, Pháp. Sang thế kỷ XVIII -XIX, vai trò của thương nhân Anh trở nên nổi bật. Đến cuối thế kỷ XIX, các tổ chức độc quyền đứng đầu là giới tài phiệt mà V.I.Lênin gọi là các “đầu sỏ tài chính” chi phối thị trường thế giới.
Sự phát triển của nền sản xuất lớn đại công nghiệp
Sản xuất lớn đại công nghiệp là yếu tố xuất hiện sau các phát kiến địa lý lớn và sự ra đời của giai cấp tư sản, nhưng đây là yếu tố quan trọng nhất, tạo nên sự phát triển bền vững của thị trường thế giới.
Cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra trước tiên ở Anh vào nửa cuối thế kỷ XVIII, sau đó lan rộng sang các quốc gia, khu vực khác có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới, tạo điều kiện cho các quốc gia tham gia vào nền văn minh chung của nhân loại. Chủ nghĩa Mác khẳng định, sản xuất đại công nghiệp có ý nghĩa xoá bỏ tình trạng khép kín giữa các quốc gia, làm cho lịch sử nhân loại từ phân tán, có tính chất dân tộc, địa phương sang lịch sử toàn thế giới. Sự phát triển của công nghiệp tạo ra thị trường thế giới, do đó tạo ra lịch sử thế giới, với ý nghĩa là các quốc gia trên thế giới gắn bó chặt chẽ, tương thuộc với nhau. “Công nghiệp lớn tạo ra những phương tiện giao thông và thị trường thế giới hiện đại”(6). “Nền đại công nghiệp đã gắn liền tất cả các dân tộc trên trái đất lại với nhau, đã thống nhất tất cả các thị trường địa phương nhỏ bé thành một thị trường toàn thế giới”(7).
2. Tác động của thị trường thế giới
Những tác động tích cực
Chủ nghĩa Mác đặc biệt nhấn mạnh đến tác động của thị trường thế giới đến sản xuất toàn cầu, khu vực nói chung, sản xuất của các quốc gia nói riêng. C.Mác và Ph.Ăngghen lấy ví dụ việc phát hiện ra châu Mỹ và con đường biển sang Đông Ấn Độ đã thúc đẩy công trường thủ công ở châu Âu phát triển, trên cơ sở đó, các giai cấp cũng biến đổi theo(8). Cụ thể hơn, sự phát triển của thị trường quốc tế thúc đẩy sự phát triển sản xuất ở nhiều nước. Trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, C.Mác và Ph.Ăngghen lấy dẫn chứng thị trường thế giới tạo điều kiện cho sự phồn vinh ban đầu của công trường thủ công ở Italia và sau đó ở Phlanđrơ; ở Anh và Pháp, công trường thủ công lúc đầu còn bó hẹp vào thị trường trong nước, sau đó phát triển nhờ thị trường được mở rộng với bên ngoài(9). Nhờ hệ thống thuộc địa và thị trường tiêu thụ rộng lớn, nước Anh trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới ở thế kỷ XIX.
Có những thời điểm thương nghiệp phát triển mạnh hơn sản xuất, quyết định ngược trở lại đến sản xuất. Khi đó “công trường thủ công hoàn toàn lệ thuộc vào sự mở rộng hay sự hạn chế của thương nghiệp, và nó tác động trở lại thương nghiệp một cách tương đối yếu”(10). Thậm chí, có những thời điểm thương nghiệp còn “thống trị” thế giới nhờ quan hệ cung - cầu (11).
Thị trường thế giới hình thành, phát triển dẫn đến sự phân công lao động ở nhiều cấp độ khác nhau: Phân công lao động quốc tế, phân công lao động trong nước, phân công lao động ngành nghề, giữa thành thị và nông thôn. Sự phân công lao động đó góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, sự mở rộng thương mại quốc tế làm cho lao động của cá nhân gắn với thị trường thế giới. “Hoạt động của các cá nhân riêng rẽ ngày càng mở rộng thành hoạt động có tính lịch sử thế giới thì các cá nhân riêng rẽ ấy lại càng lệ thuộc vào một lực lượng xa lạ với họ, một lực lượng ngày càng trở nên đồ sộ và cuối cùng biểu hiện thành thị trường thế giới”(12).
Thị trường thế giới không chỉ là cầu nối gắn kết các quốc gia về kinh tế mà còn là cầu nối để lan tỏa các giá trị văn hóa. Trên cơ sở giao lưu kinh tế, “từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới”(13). Như vậy, chủ nghĩa Mác cho rằng kinh tế - thương mại mở rộng đến đâu thì sẽ tác động đến đời sống văn hóa tinh thần tới đó.
Thị trường thế giới cũng tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực khác, đặc biệt là hệ thống giao thương. “Thị trường thế giới thúc đẩy cho thương nghiệp, hàng hải, những phương tiện giao thông tiến bộ phát triển mau chóng lạ thường”(14). Đây là một tác động mang tính tất yếu, vì để hàng hóa lưu thông nhanh hơn, với khối lượng lớn hơn, đem lại lợi ích nhiều hơn thì cần phải phát triển hệ thống giao thông, phương tiện vận chuyển. Đây còn là hệ quả của sự cạnh tranh giữa các nhà tư bản trên thị trường thế giới.
Tác động tiêu cực
Sự hình thành và phát triển của thị trường thế giới luôn tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng kinh tế nói chung, khủng hoảng thương nghiệp nói riêng. Theo chủ nghĩa Mác, khủng hoảng diễn ra do không ăn khớp giữa sản xuất và tiêu dùng: “Vì xã hội hiện đại giao việc phân phối hàng hoá cho thương nhân, bọn đầu cơ và chủ hiệu buôn, mà mỗi tên chỉ nhìn vào lợi riêng của mình. Trong việc phân phối sản phẩm cũng xảy ra tình trạng không ăn khớp. Chủ xưởng làm sao có thể xác định được số lượng sản phẩm cần thiết ở thị trường này hay thị trường kia? Mà giả dụ anh ta có thể xác định được đi chăng nữa thì anh ta làm thế nào biết được số lượng do những kẻ cạnh tranh của anh ta gửi tới mỗi thị trường ấy?”(15).
Ở thị trường thế giới, thị trường lớn có vị trí quan trọng. Những biến động của thị trường lớn tác động mạnh mẽ đến hệ thống kinh tế, thương mại thế giới. C.Mác viết “Nếu một trong những thị trường lớn bỗng nhiên bị thu hẹp lại thì cuộc khủng hoảng nhất định sẽ nổ ra mau chóng hơn”(16). Sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế đến xã hội thậm chí còn sâu rộng hơn cả chiến tranh: “Cả những cuộc chiến tranh lẫn những cuộc cách mạng đều không thể làm lay chuyển sâu sắc châu Âu, nếu chúng không xảy ra do một cuộc tổng khủng hoảng thương mại và công nghiệp” (17).
Trong nền kinh tế hàng hóa, nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu của các quốc gia là rất mạnh mẽ. Việc tranh giành ảnh hưởng, tìm kiếm tài nguyên, thị trường tiêu thụ sản phẩm là một trong những nguyên nhân dẫn tới chiến tranh xâm lược ngày một quyết liệt giữa các nước. “Việc chinh phục những đất đai mới phát hiện đã cung cấp thêm cho cuộc đấu tranh thương nghiệp giữa các dân tộc với nhau một chất nuôi dưỡng mới và do đó cuộc đấu tranh ấy có quy mô lớn hơn và có tính chất quyết liệt hơn (18).
Tóm lại, quan điểm của chủ nghĩa Mác về nguồn gốc và tác động của thị trường thế giới mang tính toàn diện, phản ánh thực tế lịch sử khách quan, vì vậy là cơ sở để nhìn nhận ảnh hưởng của thị trường thế giới hiện đại đến hệ thống kinh tế quốc tế, mối quan hệ giữa các quốc gia dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, thị trường thế giới đã có sự phát triển mạnh mẽ, phức tạp hơn và môi trường quốc tế cũng có nhiều thay đổi sâu sắc. Đó chính là khoảng trống cần được nghiên cứu để bổ sung, phát triển lý luận chủ nghĩa Mác về thị trường thế giới trong bối cảnh mới.
----------------------------
(1), (3), (5), (7), (13), (14) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.597-598, 601, 71, 462-463, 602, 598.
(2), (4) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 25, phần I, tr.507, 513.
(6), (8), (9), (10), (11), (12), (18), C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 3, tr.86, 82, 78-79, 85, 50, 52-53, 82.
(15) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 2 tr.718.
(16), (17), C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 9, tr.134, 139.
Nguyễn Văn Chuyên