Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm tới công tác cán bộ nói chung và xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng. Từ đổi mới (năm 1986) đến nay, Đảng ta có những nhận thức mới và dành sự quan tâm đặc biệt đến đội ngũ cán bộ cấp chiến lược với nhiều tên gọi khác nhau như “cán bộ chủ chốt Trung ương”, “đội ngũ cán bộ cấp cao”, “đội ngũ cán bộ cấp chiến lược”, “đội ngũ cán bộ cấp Trung ương”, “đội ngũ cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”.
Ảnh: TTXVN
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta sử dụng thuật ngữ “cán bộ ở cương vị chủ chốt” và nhấn mạnh: “Các cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các cương vị chủ chốt từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã, từ tổng giám đốc đến cán bộ quản lý cơ sở, đều phải qua các lớp bồi dưỡng định kỳ có sát hạch, theo chương trình thiết thực và có hệ thống về đường lối, chính sách, cơ chế quản lý và kiến thức quản lý mới, về chuyên môn, nghiệp vụ và về pháp luật”(1). Tuy tại Đại hội VI chưa chính thức đưa ra quan điểm cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, nhưng đã có những điểm đột phá quan trọng về công tác cán bộ: “Đổi mới cán bộ lãnh đạo các cấp là mắt xích quan trọng nhất mà Đảng ta phải nắm chắc để thúc đẩy những cuộc cải cách có ý nghĩa cách mạng”(2).
Đến Đại hội VII, Đảng ta chỉ rõ: “Công cuộc đổi mới là một dịp sàng lọc và thử thách đội ngũ cán bộ”. Do đó, một trong những nhiệm vụ mà Đại hội đưa ra là “Tiếp tục đổi mới cán bộ và công tác cán bộ, xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ vững mạnh và đồng bộ, bao gồm cả cán bộ lãnh đạo chính trị, cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ kinh doanh, chuyên gia trên các lĩnh vực, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, thực hiện được sự chuyển tiếp vững vàng các thế hệ cán bộ”(3).
Đại hội VIII khẳng định, tình hình và nhiệm vụ mới đặt ra rất nhiều yêu cầu cho công tác cán bộ. Lần đầu tiên trong thời kỳ đổi mới, Đảng chủ trương: “Sớm xây dựng chiến lược cán bộ của thời kỳ mới”. Đại hội yêu cầu: “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ toàn diện cả về lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, các nhà doanh nghiệp và các chuyên gia, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị; coi trọng cả đức và tài, đức là gốc”(4). Trên tinh thần đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ra đời. Đây là nghị quyết chuyên về cán bộ và công tác cán bộ, đề cập toàn diện về công tác cán bộ. Đặc biệt, Nghị quyết đặt ra yêu cầu: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu, có phẩm chất và năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng,... bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục và vững vàng giữa các thế hệ cán bộ ...”(5).
Đại hội IX của Đảng đề ra mục tiêu: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các cấp, vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, có trí tuệ, kiến thức và năng lực, hoạt động thực tiễn, gắn bó với nhân dân. Có cơ chế và chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trọng dụng những người có đức, có tài... ”(6).
Đại hội X nêu rõ: “Nhiệm vụ quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược và người đứng đầu tổ chức các cấp, các ngành của hệ thống chính trị. Đây là nhiệm vụ của toàn đảng, toàn dân, trước hết là của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, cần có kế hoạch chu đáo, giải pháp đồng bộ, cụ thể, có hiệu lực để thực hiện”(7).
Đến Đại hội lần thứ XI, Đảng ta đề ra nhiệm vụ “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ. Thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa;” và “xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược”(8). Chủ trương này mở ra một giai đoạn mới trong công tác cán bộ của Đảng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, khi lựa chọn ba vấn đề cơ bản và cấp bách về xây dựng Đảng, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã dành riêng một nội dung nói về vấn đề cán bộ. Trong nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng, Hội nghị nhấn mạnh: “Triển khai thực hiện quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2020; tích cực tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham mưu, chuyên gia cấp chiến lược”.
Đại hội XII của Đảng, trên cơ sở đánh giá khoa học, khách quan về công tác cán bộ sau 30 năm đổi mới, khẳng định: trong lĩnh vực công tác cán bộ đã có những bước tiến rất quan trọng, Đại hội XII cũng chỉ ra rằng: “Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn... Đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược chưa được tập trung xây dựng. Chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu, tư vấn cấp chiến lược”(9). Từ đó, Đảng ta nhấn mạnh: cần “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ”(10). Đảng ta cũng “Tiến hành xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Quy định và thực hiện chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh có tác dụng tốt”(11). Trên tinh thần đó, ngày 19-5-2018, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đây là Nghị quyết có nhiều đổi mới quan trọng mang tính đột phá về công tác cán bộ. Điểm mới của Nghị quyết số 26-NQ/TW là đã đưa ra quan niệm và chỉ rõ vị trí, vai trò của cán bộ cấp chiến lược. Đây là những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; giữ vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định đến sự thành bại của cách mạng; là lực lượng nòng cốt, vận hành của hệ thống chính trị; đề xuất những ý tưởng mới, sáng tạo, tư duy chiến lược, dài hạn; hoạch định các chủ trương, đường lối, chính sách lãnh đạo, quản lý ở tầm vĩ mô của đất nước. Đảng ta nhận định “Cán bộ cấp chiến lược có bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện”. Tuy nhiên, Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ ra: “Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm”. Nghị quyết số 26-NQ/TW đề ra 5 quan điểm xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ cấp chiến lược nói riêng; trong đó, quan điểm đầu tiên nêu rõ: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”.
Ngày 02-1-2020, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 214-QĐ/TW, Quy định “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”. Các tiêu chuẩn chung như về chính trị, tư tưởng; về đạo đức, lối sống; về trình độ; về năng lực và uy tín; sức khoẻ, độ tuổi và kinh nghiệm. Ngoài ra Quy định số 214-QĐ/TW cũng nhấn mạnh các tiêu chuẩn đối với 19 chức danh cụ thể.
Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, sự gương mẫu, tinh thần vì nhân dân phục vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu các cấp”(12).
Có thể khẳng định, qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đã được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Qua mỗi kỳ Đại hội Đảng đều có sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý kịp thời, thể hiện nhận thức ngày càng rõ ràng hơn, khoa học hơn, góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ của Đảng như Nghị quyết Đại hội XIII đề ra: “Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố niềm tin, sự gắn bó của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(13)./.
Chú thích và tài liệu tham khảo
(1), (2). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.47 (1986), tr.457; tr.466.
(3). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.51 (6-12-1991), tr.127.
(4). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, t.55 (1996), tr.420.
(5). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, t.56 (1997), tr.292-293.
(6). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.141.
(7). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.293.
(8). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.261.
(9), (10), (11). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.194; 207; 188-189.
(12). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t.II, tr.242.
(13). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t.I, tr.200.
Ngọc Cảnh