Đây là nghị quyết thứ ba liên quan đến xung đột Nga - Ukraine được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2 vừa qua. Nghị quyết được đưa ra thảo luận và quyết nghị đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc của Nga có nguyên nhân chính từ khi xảy ra vụ việc được gọi là "cuộc thảm sát thường dân" ở thị trấn Bucha (Ukraine). Sau khi quân đội Nga rút khỏi thị trấn này vào ngày 30/3, ngày 1/4, lực lượng Ukraina đã vào tiếp quản Bucha. Đến ngày 3/4, xuất hiện các bức ảnh, video về "thi thể những người mặc đồ thường dân" trên đường phố thị trấn Bucha. Ngay lập tức, phía Ukraine và nhiều nước phương Tây cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này.
Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tiến hành phiên họp khẩn cấp lần thứ 11, ngày 7/4/2022. Ảnh: Internet.
Về phía mình, Nga bác bỏ những cáo buộc này, đồng thời đặt câu hỏi: "Vì sao Nga rút quân từ ngày 30/3 nhưng mãi đến 3/4, Ukraine mới công bố video và hình ảnh dân thường thiệt mạng ở Bucha". Phía Nga cho rằng đây là các video được dàn dựng có chủ đích.
Về phía Liên Hợp Quốc, ngày 3/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết “ông bị sốc trước những hình ảnh thường dân bị giết hại ở Bucha", đồng thời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập vụ việc.
Sau cuộc bỏ phiếu, một số quốc gia thành viên cho rằng quyết định nói trên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là quá vội vàng vì các cuộc điều tra về cáo buộc tại Bucha vẫn đang được tiến hành. Các nước bày tỏ quan ngại trước tình hình hiện nay tại Ukraine và nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhiều nước, trong đó có những nước bỏ phiếu trắng và phiếu chống nghị quyết nói trên, cho rằng trong bối cảnh các cơ chế điều tra quốc tế về tình hình nhân quyền tại Ukraine - gồm cơ chế điều tra được thành lập theo quyết định của Hội đồng Nhân quyền - vẫn đang diễn ra. Việc đề xuất và xem xét nghị quyết này là hành động vội vàng trong khi chưa có thông tin cụ thể, khách quan. Việc thông qua nghị quyết được các nước này xem là có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực đàm phán, đối thoại giữa các bên liên quan, gây chia rẽ và làm giảm sự tín nhiệm đối với Liên hợp quốc.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc về Ukraine.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đại sứ khẳng định Việt Nam quan ngại trước ảnh hưởng của chiến sự tại Ukraine đối với người dân và thông tin về việc nhiều dân thường bị thiệt mạng trong những ngày qua. Việt Nam phản đối mọi hành vi tấn công dân thường, vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, đồng thời cho rằng cần xác minh, kiểm chứng các thông tin gần đây một cách công khai, minh bạch, khách quan, với sự hợp tác của các bên liên quan. Đại sứ nhấn mạnh Việt Nam kêu gọi các bên giảm căng thẳng, ngừng bắn, nối lại đối thoại, tìm giải pháp lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở tính tới quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan.
Đại sứ cũng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là các trao đổi, quyết định của các cơ quan, tổ chức quốc tế cần tuân thủ đúng quy trình, thủ tục hoạt động của mình, mọi trao đổi, quyết định của Đại hội đồng cần dựa trên thông tin được kiểm chứng, khách quan, minh bạch, với sự hợp tác của các bên liên quan và có sự tham vấn rộng rãi với các nước. Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế nên tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực đối thoại, thương lượng ngoại giao giữa các bên liên quan để tìm kiếm giải pháp hòa bình, toàn diện.
Với góc nhìn nhân quyền của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: “Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no, hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an toàn, an dân, là ổn định chính trị, là trong quá trình phát triển không để ai bị bỏ lại phía sau”[1]. Do đó, cứ nghị quyết nào được đưa ra dựa trên thông tin đã kiểm chứng rõ ràng, phục vụ mục đích bảo vệ nền hòa bình thế giới, để các nước, trong đó có Việt Nam có môi trường ổn định cho phát triển thì Việt Nam sẽ ủng hộ.
Thái Văn Long