Chỉ trong thời gian ngắn, Anh đã có những thay đổi bất ngờ trong chính sách đối với Trung Quốc. Điều đáng nói là chỉ mới đây thôi, London vẫn tự nhận mình là “đối tác tốt nhất của Trung Quốc ở phương Tây” và cam kết tăng cường “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ với Bắc Kinh.
Kỳ vọng “kỷ nguyên vàng”
Cách đây 5 năm (tháng 10/2015), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Anh tại thời điểm đó - David Cameron, đã đề cập đến “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ London - Bắc Kinh. Lãnh đạo hai nước kỳ vọng quan hệ song phương sẽ đạt được những tiến bộ vượt bậc, mang lại lợi ích to lớn cho cả Anh và Trung Quốc.
Tại thời điểm đó, Thủ tướng David Cameron cho rằng, thương mại và đầu tư giữa hai nước có thể tiếp tục hưởng lợi từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Anh - Trung đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất. Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 10 năm tiếp theo, đầu tư của Bắc Kinh vào các nước sẽ không ngừng tăng và điều này sẽ tạo nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa giữa hai bên.
Những tưởng kỳ vọng vào giai đoạn hợp tác, phát triển “vàng son” trong quan hệ hai nước sẽ được tiếp thêm động lực sau khi sự kiện Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý rời khỏi EU (Brexit) vào tháng 6/2016.
Tuy nhiên, “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ Anh - Trung từng được lãnh đạo hai nước ca ngợi vào năm 2015 không có nhiều tiến triển ở những năm sau đó, dưới thời Thủ tướng Anh Theresa May. Sau khi bà Theresa May lên nắm quyền, nước Anh “sa lầy”, bế tắc trong các cuộc đàm phán ở Brussels về cuộc “ly hôn đắt đỏ” với EU.
Tham vọng của Anh thời hậu Brexit rất lớn. Để chuẩn bị cho giai đoạn này, London tích cực có những bước đi, tìm kiếm các đồng minh, đối tác mới để thay thế các thỏa thuận thương mại họ từng được hưởng khi còn là thành viên EU.
Đối với Trung Quốc, Bắc Kinh kỳ vọng nước Anh hậu Brexit sẽ dễ hợp tác hơn bởi cần tăng cường thương mại với các khu vực ngoài EU và duy trì vai trò của London là một trung tâm tài chính quan trọng của thế giới. Thậm chí, hồi tháng 8/2018, Trung Quốc và Anh đã nhất trí sẽ tiến hành thảo luận về khả năng đạt được một Hiệp định Thương mại tự do (FTA) “cấp độ cao” sau khi nước Anh rời EU.
Trên thực tế, mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc vài năm gần đây khá thân thiết. Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của London, chỉ sau Mỹ và EU, đóng góp 4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa - dịch vụ của Anh với quy mô kỷ lục 30,7 tỷ bảng (38,7 tỷ USD).
Trong khi đó, Anh là điểm đến ưa thích cho đầu tư trực tiếp của Trung Quốc, về công nghệ, năng lượng, giao thông, và nghiên cứu và phát triển. Đối với Trung Quốc, khoản đầu tư này vẫn có ý nghĩa chiến lược. Ngoài ra, London nắm giữ lợi ích đáng kể, là trung tâm giao dịch và phát hành trái phiếu bằng Nhân dân tệ lớn nhất ngoài châu Á…
Bên cạnh đó, Anh là quốc gia G7 đầu tiên tham gia Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc thành lập. Anh tự nhận là nền kinh tế phương Tây cởi mở nhất đối với đầu tư của Trung Quốc và thúc đẩy cách tiếp cận kinh tế trong EU theo hướng ủng hộ lợi ích của Bắc Kinh.
Ngay trước khi nhậm chức Thủ tướng vào tháng 7 năm ngoái, ông Boris Johnson đã khẳng định chính phủ của ông sẽ rất “thân Trung Quốc” và “rất nhiệt tình với sáng kiến “Vành đai, Con đường”.
Thay đổi bất ngờ
Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó, cách nhìn nhận của Anh đối với Trung Quốc đã thay đổi. London có những quyết định bất ngờ, khiến giới chuyên gia phải thốt lên rằng “giờ là lúc nên quên đi hy vọng về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa Anh và Trung Quốc”, thậm chí có ý kiến còn nhắc đến nguy cơ nảy sinh chiến tranh thương mại giữa hai bên.
Sau khi ông Boris Johnson lên nắm quyền, những lo ngại ngày càng lớn về toan tính của các doanh nghiệp Trung Quốc, các hành vi lạm dụng nhân quyền và hoạt động thương mại mang tính bảo hộ khiến chính phủ Anh phải xem xét lại toàn bộ lập trường của nước này đối với Bắc Kinh.
Đầu tiên phải kể đến quyết định của ông Johnson hồi đầu tháng 7 khi quyết định cấp quyền xin thị thực mới cho hàng triệu người Hong Kong sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia mới đối với vùng lãnh thổ này. Động thái của London đã khiến Bắc Kinh không hài lòng và đe dọa trừng phạt. Và nạn nhân chính là kim ngạch thương mại Anh - Trung Quốc hằng năm trị giá 68 tỷ bảng Anh và hàng tỷ bảng đầu tư từ Trung Quốc.
Chưa dừng lại ở đó, chính phủ Anh hôm 14/7 công bố lệnh cấm dùng thiết bị 5G của gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc. Theo quyết định của London, các nhà khai thác mạng BT và Vodafone sẽ có thêm thời gian tới 2027 để loại bỏ các thiết bị Huawei đã lắp đặt ra khỏi hệ thống. Các hãng viễn thông khác cũng không được mua bất kỳ thiết bị 5G nào từ công ty Trung Quốc.
Giới chuyên gia cho rằng, việc chính phủ Anh đảo ngược quyết định cho phép Huawei tham gia cung cấp vật tư và thiết bị phục vụ mạng lưới 5G - do ảnh hưởng từ đòn trừng phạt từ Mỹ đối với doanh nghiệp này - sẽ càng khiến Bắc Kinh tức giận. Chỉ một ngày sau đó, Bắc Kinh tuyên bố sẽ làm bất kỳ điều gì cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình. Trung Quốc cũng cảnh báo động thái này làm giảm đầu tư từ nước này trong tương lai.
"Cách Anh đối xử với Huawei sẽ được các doanh nghiệp Trung Quốc khác đáp lại tương tự. Sự tin tưởng lẫn nhau đã giảm sút. Rất khó để các doanh nghiệp có niềm tin đầu tư thêm",Đại sứ Trung Quốc tại Anh - Liu Xiaoming, nói.
Như vậy, chỉ mất 6 tháng để Anh lật ngược hoàn toàn quyết định của mình. Đầu năm nay, Anh vẫn coi Huawei là nhà cung cấp viễn thông đáng tin cậy. Tại thời điểm đó, Thủ tướng Johnson còn bật đèn xanh cho phép nhà mạng này tham gia có giới hạn vào cơ sở hạ tầng mạng 5G. Tuy nhiên, trước sức ép của Mỹ, lệnh cấm Huawei đã được thông qua, đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chính sách của London với Bắc Kinh.
Hon nữa, Thủ tướng Johnson dự định sẽ thúc đẩy các kế hoạch đã bị trì hoãn lâu nay nhằm thực hiện một chế độ sàng lọc đầu tư nghiêm ngặt hơn, cho phép ngăn chặn hàng loạt thương vụ công ty nước ngoài mua lại công ty Anh.
Chưa dừng lại ở đó, trong tuyên bố lập trường về các vấn đề pháp lý tại Biển Đông công bố đầu tháng 9, Bộ Ngoại giao Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Liên hiệp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS) trong việc giải quyết các tranh chấp. Đáng chú ý, Anh tuyên bố bác các yêu sách phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.
Cũng trong tháng 9, Anh cùng với Pháp, Đức đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối các yêu sách phi lý về “đường cơ sở thẳng” và “quyền lịch sử” của Trung Quốc tại Biển Đông. Nội dung công hàm chung của 3 nước khẳng định vai trò của UNCLOS mà Trung Quốc là thành viên, cũng như phán quyết của tòa trọng tài ở Hà Lan năm 2016 trong vụ kiện Biển Đông liên quan Philippines và Trung Quốc.
… cho đến “vỡ mộng”
Những động thái mới nhất này của chính phủ Anh trái ngược hoàn toàn với niềm hy vọng của cựu Thủ tướng David Cameron về sự khởi đầu cho một “kỷ nguyên vàng” trong mối quan hệ Anh - Trung. Thế nhưng, những quyết định cứng rắn của London không phải không có lý do, nhất là nó được đưa ra sau khi Bắc Kinh có những hành động ngang ngược ở Biển Đông, áp dụng luật an ninh với Hong Kong, gây sức ép với các nước láng giềng…, phớt lờ dư luận, cộng đồng quốc tế.
Cách hành xử của Trung Quốc trước đợt bùng phát của đại dịch COVID-19 và những động thái quyết đoán, chưa từng có của nước này ở nước ngoài dường như là lời cảnh tỉnh cho nhiều người ở Anh. “Sáu tháng qua đã tiết lộ nhiều hơn về Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình so với 6 năm trước”, cựu Giám đốc quan Tình báo MI6 của Anh, Sir John Sawers, cho hay.
Nhiều người Anh cho rằng, việc Bắc Kinh không minh bạch thông tin dịch COVID-19 có thể gây ra hậu quả đe dọa tính mạng đối với họ. Hơn nữa, họ cũng nhận ra sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc về nhu cầu các mặt hàng quan trọng như máy thở và thiết bị bảo vệ cá nhân.
Theo khảo sát của Viện Tony Blair vào tháng 6, nhiều người Anh (49%) cho rằng chính phủ Trung Quốc chịu trách nhiệm về mức độ nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 ở Anh hơn chính phủ của họ (40%).
Sau 4 năm bị chi phối bởi các vấn đề liên quan đến Brexit, truyền thông và công chúng Anh giờ đây tập trung chú ý vào mối đe dọa từ Trung Quốc. Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm can thiệp vào Anh thông qua hoạt động gián điệp, thao túng các chính trị gia và kiểm soát nghiên cứu học thuật… gây nên nhiều lo ngại đối với người Anh.
Bên cạnh đó, cảm giác dễ bị tổn thương trước Trung Quốc của người Anh không chỉ xuất phát từ sự chi phối, thao túng trong các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng hàng hóa thương mại mà còn đến từ cách hành xử của Bắc Kinh đối với các vấn đề dân chủ, nhân quyền ở bên trong nước này, trong đó có vấn đề Hong Kong, người Ngô Duy Nhĩ…
Nhiều người Anh nhận ra, việc Trung Quốc vươn lên vị thế cường quốc không còn là viễn cảnh trong tương lai, mà là tham vọng mà nước này đang muốn sớm đạt được. Điều này được xem là mối đe dọa đối với toàn cầu nói chung và với người Anh nói riêng.
Sự thay đổi tâm lý này dẫn đến việc ngày càng có nhiều người không ngần ngại đưa ra các chỉ trích mạnh mẽ về Bắc Kinh trong các cuộc tranh luận gần đây tại Anh. Đã qua rồi cái thời mà những lời kêu gọi đối đầu với Trung Quốc bị coi là "ngây thơ", bị chỉ trích vì gây nguy hiểm cho quan hệ thương mại Trung - Anh.
Công chúng tại Anh ngày càng trở nên thù địch với Trung Quốc. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 52% người được hỏi tán thành lệnh cấm đối với Huawei, mặc dù nhận thức được những thiệt hại mà nó có thể gây ra đối với quan hệ thương mại với Trung Quốc, so với chỉ 16% phản đối.
Trong khi đó, tại cuộc khải sát gần đây do YouGov tiến hành, 42% người Anh thực sự muốn chính phủ nước này thực hiện một lập trường mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc, ít nhất là cứng rắn như Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm.
Không chỉ có dư luận Anh mà các Cơ quan Tình báo và Bộ Quốc phòng, cũng như các tổ chức phi chính phủ tại nước này, cũng đang gia tăng áp lực, yêu cầu Chính phủ của Thủ tướng Johnson phải có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.
Theo các nhà quan sát, ngoài sự chuyển biến về tâm lý của người Anh, sự thay đổi bất ngờ trong chính sách của London đối với Bắc Kinh một phần xuất phát từ áp lực của Washington. Nhà Trắng cũng đang tìm cách tận dụng nhu cầu của Anh sau Brexit đối với các thỏa thuận thương mại tự do để thu hút đồng minh Anh vào chiến lược “chống Trung Quốc” dài hạn của mình.
Nguồn: vtc.vn