Liệu quan hệ Australia-Trung Quốc sẽ thoát khỏi 'vòng xoáy tử thần' trong năm 2022? (Nguồn: ABC News) |
Năm 2022 sẽ đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Australia và Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ này đã nhanh chóng xấu đi trong thời gian gần đây.
Năm 2021 là một năm đầy biến động đối với quan hệ Australia -Trung Quốc, tiếp tục xu hướng từ năm 2020.
Năm 2021 bắt đầu với cuộc điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, với một phái đoàn được cử đến thành phố Vũ Hán. Cuộc điều tra này do Ngoại trưởng Australia Marise Payne kêu gọi và đã khiến Trung Quốc tức giận.
Khi năm 2021 khép lại, căng thẳng giữa hai nước chuyển sang lĩnh vực thể thao, với cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh năm 2022 và đồn đoán xung quanh ngôi sao quần vợt Bành Soái.
Cũng trong năm 2021, hai nước tiếp tục có những vấn đề nhức nhối khác trong lĩnh vực thương mại và an ninh.
Australia đã kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về thuế của Trung Quốc đối với rượu vang của đất nước kangaroo. Sau đó vài ngày, Bắc Kinh cũng nộp đơn khiếu nại lên WTO.
Tất cả mối liên hệ cấp bộ trưởng giữa hai quốc gia đã bị cắt đứt, và cuộc xung đột thương mại đã ảnh hưởng không chỉ đến rượu vang mà còn cả lúa mạch, tôm hùm, thịt bò và than của Australia.
Australia đã hủy bỏ hợp đồng đóng tàu ngầm của Pháp và thay thế bằng thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS, một thỏa thuận đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Anh và Mỹ.
Đây là động thái được coi là nỗ lực chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Một cuộc thăm dò được tiến hành trong năm nay cho thấy, niềm tin ở Australia vào Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, với hơn 60% những người được khảo sát cho biết, họ coi Bắc Kinh là một mối đe dọa an ninh hơn là một đối tác kinh tế.
Chuyên gia Pichamon Yeophantong từ Học viện Quốc phòng Australia mô tả mối quan hệ Australia-Trung Quốc đang ở trong một "vòng xoáy tử thần", trong khi nhà nghiên cứu Ye Xue của Đại học Quốc gia Australia (ANU) cho rằng, quỹ đạo đi xuống từ năm 2020 là một "bình thường mới".
Tuy nhiên, Jennifer Hsu, học giả tại Viện Lowy, cho rằng, việc Bắc Kinh bổ nhiệm đại sứ mới tại Australia có thể là “cơ hội tốt nhất” để khởi động lại mối quan hệ giữa hai nước trên con đường đầy chông gai.
Tiến sĩ Yeophantong nhận định, việc chính phủ liên bang hủy bỏ thỏa thuận Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của chính quyền bang Victoria với Bắc Kinh là một thời điểm hệ trọng trong năm 2021, một dấu hiệu cho thấy quan hệ song phương sẽ tiếp tục xấu đi.
Bên cạnh đó, Kevin Carrico, giảng viên cao cấp về Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Monash, cho rằng việc Bắc Kinh tăng cường kiểm soát ở Hong Kong cũng gây lo ngại lớn cho Canberra, với việc chính phủ liên bang cung cấp thị thực đặc biệt và con đường trở thành thường trú nhân cho người mang hộ chiếu Hong Kong.
Tiến sĩ Hsu nhận xét rằng, việc gia tăng các tuyên bố về khả năng chiến tranh ở Canberra và các hành động gây hấn hơn của Bắc Kinh trong khu vực “sẽ chỉ làm gia tăng mối bất hòa giữa hai bên”.
Dự đoán về triển vọng quan hệ Australia-Trung Quốc trong năm 2022, tiến sĩ Hsu nhận định, việc bổ nhiệm ông Xiao Qian làm Đại sứ Trung Quốc tại Canberra là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang từ bỏ chính sách ngoại giao “chiến lang” và đây là cơ hội để Australia bắt đầu lại mối quan hệ.
Cũng theo các chuyên gia, trong năm tới, chính trị trong nước có thể vẫn là một trọng tâm, khi Australia chuẩn bị cho cuộc bầu cử liên bang.
Chuyên gia Yun Jiang đến từ ANU nhận định, nếu một chính phủ mới được thành lập ở Australia, điều này sẽ thay đổi cách quản lý mối quan hệ giữa hai nước.
Còn Tiến sĩ Yeophantong cho rằng, Australia là một cường quốc tầm trung và có thể là "cái gai" đối Trung Quốc.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Jiang chỉ ra rằng, Washington sẽ là mối quan tâm lớn hơn đối với Bắc Kinh so với Canberra.
Theo giới chuyên gia, Australia cần tìm ra sự cân bằng giữa việc đứng vững trên các giá trị của mình và suy nghĩ thực tế, đồng thời cố gắng tái tham gia đối thoại và hiểu sâu sắc hơn về thế giới quan của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tiến sĩ Yeophantong chia sẻ rằng, trước mắt, Australia có thể tập trung vào cải thiện "ngoại giao nhân dân”, một khi nhiều sinh viên quốc tế Trung Quốc quay trở lại học tại Australia vào năm 2022.
Trong khi đó, Tiến sĩ Carrico bày tỏ bi quan về mối quan hệ Australia-Trung Quốc trong tương lai gần, và dự đoán nhiều bất ổn, xáo trộn từ phía Trung Quốc.
Theo ông, Trung Quốc hầu như đã đóng cửa hoàn toàn biên giới quốc gia khi nước này theo đuổi chiến lược “không Covid” và bày tỏ lo ngại rằng, Bắc Kinh sẽ “tự rút lui xa hơn bằng cách đóng cửa về mặt chính trị và văn hóa”.
Nguồn: baoquocte.vn