Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hội đàm (2022)
Các dấu mốc quan trọng
Ngay sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, hai nước Việt - Hà thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9-4-1973. Năm 1976, Hà Lan mở Đại sứ quán tại Hà Nội.
Từ khi Việt Nam tiến hành đổi mới và mở cửa (1986), quan hệ hai nước ngày càng được củng cố, phát triển. Việt Nam đã chủ động làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Hà Lan, năm 1998 mở Đại sứ quán tại thành phố La Hay (Hà Lan).
Năm 2010, hai nước thiết lập Quan hệ đối tác Chiến lược về Biến đổi Khí hậu và Quản lý Nước. Với sự kiện này, Hà Lan trở thành đối tác chiến lược ngành đầu tiên của Việt Nam. Đến năm 2014, hai nước tiếp tục thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực. Các lĩnh vực hợp tác này mang tầm quốc gia, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững của Việt Nam, đồng thời là thế mạnh của Hà Lan.
Năm 2019, Việt Nam - Hà Lan nâng cấp quan hệ ngoại giao song phương thành Đối tác toàn diện. Từ đây, hợp tác hai bên mở rộng ra nhiều lĩnh vực mới như y tế, văn hóa, giáo dục. Như vậy, quan hệ hai nước vừa có chiều sâu trên một số lĩnh vực (nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu) vừa có chiều rộng.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, lãnh đạo cấp cao hai nước có nhiều chuyến thăm lẫn nhau. Tiêu biểu là các chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Phan Văn Khải (2001), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2011 và 2014), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (2017), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (2018), Thủ tướng Phạm Minh Chính (2022) và các chuyến thăm Việt Nam của các nhà lãnh đạo Hà Lan như: Thủ Thủ tướng Wim Kok (1995), Thái tử Willem Alexander (2005 và 2011), Thủ tướng Mark Rutte (2014 và 2019).
Thông qua các chuyến thăm, nhiều cơ chế hợp tác được hai nước thông qua, nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác quan trọng được ký kết.
Hai bên đã xác định được các lĩnh vực ưu tiên hợp tác là: Thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước, nông nghiệp, năng lượng, kinh tế biển và dịch vụ vận tải logistics. Các lĩnh vực này giúp Hà Lan phát huy được thế mạnh của mình, nhưng đồng thời đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của Việt Nam, giúp Việt Nam có thêm nguồn lực để đối diện với những thách thức.
Những thành tựu nổi bật
Việt Nam và Hà Lan là hai quốc gia ven biển, có vùng đồng bằng rộng lớn và phải đối diện với những thách thức của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Những điểm tương đồng đó đã đưa hai nước trở thành đối tác và bạn bè một cách tự nhiên. Trên cơ sở đó, nông nghiệp là một điểm sáng trong hợp tác Việt - Hà. Theo đó, Hà Lan góp phần từng bước giúp Việt Nam xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu trong lĩnh vực rau quả, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Ở lĩnh vực trồng trọt, Hà Lan giúp Việt Nam về giống cây trồng, công nghệ chế biến, kinh nghiệm, thị trường, thông tin về các sản phẩm phù hợp nhu cầu người tiêu dùng thế giới, còn Việt Nam có thể cung cấp nguồn nguyên liệu rất phong phú cho Hà Lan.
Ở lĩnh vực chăn nuôi, nhiều doanh nghiệp Hà Lan đã đầu tư vào nuôi lợn, gà tại Việt Nam. Từ năm 2017, các doanh nghiệp này đã giúp Việt Nam xuất khẩu thành công thịt gà sang thị trường Nhật Bản.
Với vị thế là một quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến, áp dụng công nghệ cao, hợp tác giữa hai nước đang góp phần thúc đẩy Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp sạch, hiện đại, thông minh.
Đến nay, có 3 thành tựu nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu bao gồm Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long (2016), Chương trình chuyển đổi nông nghiệp và Chương trình nghiên cứu về sụt lút tại Đồng bằng sông Cửu Long(1). Có thể nói, hợp tác Việt Nam - Hà Lan về nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu đã đạt được nhiều kết quả thực chất, to lớn, có ý nghĩa chiến lược đối với Việt Nam và trở thành hình mẫu trong quan hệ quốc tế.
Phiên họp lần thứ 7 của UB Liên chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Ảnh: Internet.
Trên lĩnh vực thương mại, kim ngạch hai chiều Việt Nam - Hà Lan không ngừng phát triển và tăng đều hàng năm. Nếu như kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2014 đạt 3,77 tỷ USD, thì năm 2018 đã tăng gấp đôi, đạt khoảng 8 tỷ USD(2). Năm 2022, quan hệ thương mại giữa hai nước đạt 11,1 tỷ USD(3). Hiện tại, Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Đức) của Việt Nam với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Trong kinh tế - thương mại, Hà Lan có vị trí là thị trường cửa ngõ đồng thời là một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất đi vào EU. Trên thực tế, 60% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đi qua cảng Rotterdam của Hà Lan. Ngược lại, Việt Nam cũng được đánh giá là đối tác hàng đầu của Hà Lan tại khu vực Đông Nam Á, và việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu” (EVFTA) đang mở ra cơ hội hợp tác lớn giữa hai nước.
Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam. Đến hết năm 2022, số vốn đầu tư đăng ký của Hà Lan là 13,7 tỷ USD với 410 dự án(4). Vốn đầu tư của Hà Lan diễn ra ở nhiều lĩnh vực nhưng tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực chế biến chế tạo. Các dự án đầu tư của Hà Lan có mặt ở 32/64 tỉnh, thành phố, trong đó có một số dự án lớn tại Quảng Ninh (Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2), Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương. Vốn đầu tư của Hà Lan đã góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam.
Cuối năm 2022, nhân chuyến thăm Hà Lan của thủ tướng Phạm Minh chính, lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực như: tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thúc đẩy để hai nước trở thành các trung tâm trung chuyển hàng hoá ở hai khu vực; đẩy mạnh, làm sâu sắc hợp tác hai nước trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững; mở rộng hợp tác an ninh - quốc phòng, văn hóa - du lịch, giao thông vận tải, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo. Ngoài ra, Thủ tướng Mark Rutte khẳng định sẽ thúc đẩy hợp tác trong phát triển năng lượng tái tạo, hỗ trợ Việt Nam về công nghệ khai thác cát ngoài khơi, chống sạt lở đất, sửa đổi Luật Tài nguyên nước ở Việt Nam,...(5)
Thành tựu hợp tác giữa hai nước trong 50 năm qua là rất đáng ghi nhận nhưng so với tiềm năng thế mạnh và đặc điểm của mỗi nước, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hà Lan trong tương lai còn nhiều dư địa để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
-----------------------------------------------------------------------------
Nguyễn Văn Chuyên