Một trong những bước đi mà Vua Charles III có thể triển khai sau khi đăng quang là nâng cao quyền lực mềm của đất nước với tư cách một nhà ngoại giao. (Nguồn: Getty) |
Sau lễ đăng quang hôm 6/5 vừa qua, Vua Charles III chính thức trở thành nguyên thủ của 14 nước theo chế độ quân chủ đại nghị thuộc Khối thịnh vượng chung.
Tờ The Washington Post cho biết, lễ đăng quang diễn ra vào thời điểm một số thành viên thuộc Khối đang cân nhắc lại mối quan hệ giữa họ với Quốc vương Anh. Trong số đó, Barbados là quốc gia đầu tiên hủy bỏ tư cách nguyên thủ quốc gia của Nữ hoàng Elizabeth II và tuyên bố trở thành nước cộng hòa vào năm 2021.
Hơn nữa, làn sóng biến cố của chính giới Anh những năm gần đây, điển hình như Brexit và nhiều lần thay đổi Thủ tướng, đã ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế của Vương quốc Anh với thế giới. Do đó, Vua Charles III dự kiến phải đối diện với không ít khó khăn trên con đường phục hồi uy tín quốc tế của Anh trong thời gian tới.
Một trong những bước đi mà Vua Charles III có thể triển khai sau khi đăng quang là nâng cao quyền lực mềm của đất nước với tư cách một nhà ngoại giao.
Vậy ngoài việc sở hữu quyền lực ngoại giao, Vua Charles III còn nắm trong tay quyền hạn gì khác?
Trong chế độ quân chủ, tư cách nguyên thủ quốc gia thuộc về Nhà vua hoặc Nữ hoàng. Tuy nhiên, với hình thức quân chủ lập hiến, quyền lập pháp lại được trao cho Nghị viện chứ không phải Nhà vua.
Trong hệ thống chính phủ Anh, Quốc vương chỉ giữ một số quyền lực tượng trưng. Ví dụ như dự luật của Nghị viện chỉ được chính thức ban hành sau khi được phía Hoàng gia phê chuẩn.
Mặc dù vậy, trên thực tế, đã không có Quốc vương nào từ chối thông qua dự luật của Nghị viện kể từ năm 1708. Trong thời kỳ cầm quyền của Nữ hoàng Elizabeth II, hơn 1.000 dự luật đã được bà thông qua.
Sau khi nhậm chức, Vua Charles III sẽ đảm nhiệm một số nghĩa vụ mang tính đại diện. Chẳng hạn như thực hiện chuyến thăm nước ngoài và đón tiếp các nguyên thủ quốc gia.
Bên cạnh đó, Quốc vương không chịu nghĩa vụ pháp lý liên quan tới nộp thuế thu nhập hoặc thuế thừa kế, đồng nghĩa với việc Vua Charles III sẽ thừa hưởng khối tài sản khổng lồ từ Nữ hoàng Elizabeth II.
Theo thông lệ của cuộc tổng tuyển cử, Quốc vương sẽ chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng sắp mãn nhiệm và sau đó chỉ định Thủ tướng kế nhiệm thành lập chính phủ mới dưới danh nghĩa của mình.
Tuy nhiên, nếu không có chính đảng nào giành đa số ghế trong Hạ viện, Quốc vương không có thẩm quyền để tiến hành nghi thức trên. Bởi việc chỉ định Thủ tướng thuộc quyền hạn chính thức của đảng giành đa số phiếu bầu trong Hạ viện, chứ không nằm trong tay Hoàng gia.
Trong trường hợp đó, việc thành lập chính phủ sẽ tạm thời được dẫn dắt bởi Thủ tướng đương nhiệm cho đến khi tìm được Thủ tướng mới.
Một vụ việc liên quan đến thông lệ này diễn ra vào năm 2019, khi ông Boris Johnson cố gắng lôi kéo Hoàng gia Anh tham gia vào một cuộc bầu cử bất hợp pháp trước Nghị viện, nhưng đã bị phát giác bởi Tòa án tối cao ngay sau đó.
Vua Charles III bổ nhiệm Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại Điện Buckingham, ngày 25/10/2022. (Nguồn: Reuters) |
Sau khi Thủ tướng nhậm chức, Quốc vương sẽ thực hiện bài phát biểu khai mạc Nghị viện và bài phát biểu này sẽ được góp ý trước đó bởi Thủ tướng.
Về mặt pháp lý, Quốc vương có thể cách chức Thủ tướng, nhưng đã không có quyết định tương tự nào được đưa ra kể từ năm 1834, khi Vua William IV cách chức Thủ tướng Lord Melbourne và chỉ định ông Robert Peel thành lập chính phủ mới.
Ông Robert Hazell, Giáo sư về chính phủ và hiến pháp tại Đại học College London chia sẻ với tờ The Guardian rằng, Quốc vương có thể cách chức Thủ tướng nếu như người đó từ chối từ chức kể cả khi đã bị bỏ phiếu bất tín nhiệm bởi cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, Quốc vương sẽ chỉ thi hành mệnh lệnh như vậy nếu Hạ viện đã chỉ định được Thủ tướng mới.
Anh giáo được công nhận là quốc giáo nên về mặt danh nghĩa, Quốc vương Anh có tước hiệu hiến định là Lãnh đạo tối cao Giáo hội Anh và nhận chức danh Người bảo vệ Đức tin (Defender of the Faith).
Chức danh “Người bảo vệ Đức tin” xuất hiện lần đầu vào năm 1507, khi Vua James IV của Scotland được Giáo hoàng Julius II phong làm Người bảo vệ Đức tin đạo Cơ đốc.
Năm 1994, chức danh này đã trở thành đề tài chính trong một cuộc tranh cãi. Khi đó, Thái tử Charles đã có tuyên bố gây xôn xao dư luận khi nói rằng ông sẽ là "người bảo vệ đức tin" (“defender of faith”) chứ không phải "Người bảo vệ Đức tin" (“Defender of the Faith”).
Qua đây, ông ngụ ý rằng nước Anh thời hiện đại hội tụ tính đa dạng tôn giáo, chứ không còn xoay quanh Anh giáo hay Cơ đốc giáo nữa.
Nguồn: baoquocte.vn