Khái niệm quyền lực mềm lần đầu tiên được Joseph Nye Jr. đưa ra vào những năm 90 của thế kỷ XX, bao gồm những giá trị về kinh tế, văn hóa, thể thao, giáo dục... có đủ sức hấp dẫn để thu hút người khác và khiến họ tình nguyện học hỏi theo, thay vì thông qua việc sử dụng sức mạnh vũ lực hay tài chính để ép buộc đối thủ. Vào năm 2013, lần đầu tiên Cộng hoà Liên bang Đức đã soán ngôi quyền lực mềm số một thế giới của Anh, xét về các yếu tố văn hóa, thể thao, kinh tế và ngoại giao. Vậy làm thế nào mà nước Đức có thể làm được điều đó?
Về văn hóa, có thể kể đến vai trò của một số cơ quan như Viện Goethe, đài Deutsche Welle, Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD). Trong đó, Viện Goethe, với vai trò là tổ chức văn hóa, hiện diện ở khắp các quốc gia trên thế giới, thực hiện sứ mệnh phổ cập tiếng Đức ở nước ngoài và thúc đẩy hợp tác quốc tế về văn hóa giữa CHLB Đức và các quốc gia. Với mạng lưới phong phú gồm các Viện Goethe, các Trung tâm Goethe, các tổ chức văn hóa, các phòng đọc cùng với các trung tâm học tập và thi cử ngôn ngữ, đây là địa chỉ tham khảo đầu tiên của mọi người khi tìm hiểu về nước Đức. Nếu như nước Anh nổi tiếng với đài BBC thì nước Đức nổi tiếng với đài Deutsche Welle (DW) (tiếng Đức có nghĩa là Làn sóng Đức), tiến hành phát các bản tin và chương trình trên làn sóng ngắn, Internet và radio bằng 30 ngôn ngữ (DW Radio) đồng thời có dịch vụ truyền hình vệ tinh (DW-TV) bằng 4 thứ tiếng khác nhau (Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ả-rập), và một website tin tức trực tuyến.
Năm 2013, lần đầu tiên Đức dẫn đầu danh sách trong bảng xếp hạng chỉ số quyền lực mềm toàn cầu. Ảnh minh hoạ.
Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức là một trong những tổ chức đi đầu về hỗ trợ các chương trình trao đổi sinh viên và các nhà khoa học. Ngoài việc cung cấp các học bổng, cơ quan này còn thúc đẩy việc quốc tế hóa của các trường đại học, cao đẳng Đức, đồng thời đẩy mạnh việc nghiên cứu Đức ngữ và học tiếng Đức ở nước ngoài, hỗ trợ các nước phát triển bằng cách xây dựng các trường đại học, cao đẳng có chất lượng tốt và tham gia tư vấn về chính sách giáo dục, ngoại giao và phát triển.
Về thể thao, có thể thấy rằng, với vị thế hàng đầu châu Âu và cả thế giới, nước Đức tất nhiên không cần phụ thuộc vào thứ sức mạnh mềm mang tên bóng đá. Song, với những thành tích đầy ấn tượng trên sân cỏ, đặc biệt là về lối chơi, đã khiến đội Bundesliga nói riêng cũng như nước Đức nói chung trở nên “đáng yêu” hơn rất nhiều trong mắt khán giả trung lập. Thêm vào đó, việc nước Đức đầu tư cho các dự án liên quan đến thể thao, như xây dựng Học viện DFB-Akademie chuyên đào tạo về bóng đá, cùng với hàng loạt các môn thể thao gây ấn tượng khác như golf, hockey trên băng, bóng rổ và đua xe… cũng góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh nước này.
Về kinh tế, nước Đức vốn nổi tiếng là một nền kinh tế phát triển hiện đại, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong tổng thể nền kinh tế châu Âu. Bên cạnh những thành tựu vô cùng ấn tượng về GDP, GDP bình quân đầu người, kim ngạch xuất khẩu,… Đức còn là quốc gia đi tiên phong trong việc cung cấp viện trợ liên quan đến phát triển bền vững và biến đổi khí hậu cho các quốc gia trên khắp thế giới. Đức liên tục là nhà cung cấp hỗ trợ phát triển lớn thứ hai của DAC, với tổng ODA năm 2020 chiếm 0,73% GNI của nước này. Cũng trong năm này, Đức đã giải ngân 3,2 tỷ USD hỗ trợ ứng phó với đại dịch Covid-19 tại các nước có quan hệ đối tác với Đức[1]. GIZ (Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức) và KfW (Ngân hàng Tái thiết Đức) là hai cơ quan chính cung cấp nguồn vốn ODA của Đức. Với sự hiện diện của mình tại các quốc gia đối tác trên thế giới, hai tổ chức này đã góp phần lan tỏa hình ảnh nước Đức đến tất cả mọi người dân nơi diễn ra dự án, từ đó góp phần hình thành nên sức mạnh mềm của nước Đức. Bên cạnh đó, với việc công ty BioNTech (Đức) phối hợp với tập đoàn dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho ra đời vaccine công nghệ mRNA phòng Covid-19 đã giúp kinh tế Đức phát triển, đồng thời ghi thêm dấu ấn ảnh hưởng của nước này đối với các quốc gia khác.
Từ khi EU ra đời, nước Đức đóng vai trò là một trong những trụ cột trong EU nói chung và khu vực đồng tiền chung châu Âu nói riêng. Ảnh: Tư liệu
Về ngoại giao, có thể thấy rằng, Đức đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại, từ việc chú trọng phát triển về kinh tế, khiêm nhường về chính trị đã chuyển sang đóng vai trò chủ động và tích cực hơn, năng động hơn trong chính sách đối ngoại và an ninh của mình. Chẳng hạn như, trên cương vị chủ tịch luân phiên của EU, Đức đã xử lý một loạt vấn đề quan trọng như căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp ở đông Địa Trung Hải, giải quyết khủng hoảng chính trị Belarus cùng với Nga, thông qua Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OCSE), thỏa thuận thương mại với Anh quốc hậu Brexit, tái thúc đẩy kinh tế sau dịch Covid-19, hiệp định đầu tư công bằng với Trung Quốc... Thêm vào đó, Đức cũng tăng cường hợp tác với các quốc gia châu Âu khác, chẳng hạn như với Pháp, để giải quyết các vấn đề chung của khu vực này. Qua đó, có thể thấy rằng, Đức đang dần dần xóa bỏ hình ảnh lu mờ của mình trong các sự kiện chính trị thế giới, và dần dần thể hiện rõ nét vị thế và vai trò của mình hơn trên chính trường thế giới.
Ngoài ra, trong lĩnh vực quân sự, Đức cũng đã và đang thể hiện dấu ấn quyền lực mềm của mình tại các nơi diễn ra chiến trận. Ví dụ như trong cuộc xung đột ở Afghanistan, Đức đã thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo tích cực, giúp đỡ người dân địa phương, đồng thời đào tạo và tham gia cố vấn cho các nhà lãnh đạo. Qua đó, thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với người dân địa phương, xây dựng quan hệ tin cậy thông qua ngoại giao công chúng và văn hóa.
Từ việc nghiên cứu quyền lực mềm của Đức trong các lĩnh vực, có thể thấy rằng mỗi quốc gia có những lợi thế tuyệt đối và tương đối riêng, chỉ cần biết phát huy các lợi thế của mình một cách tốt nhất, quốc gia đó có thể làm đậm thêm vị trí, vai trò của mình và tạo nên sức ảnh hưởng lớn hơn của mình trên trường quốc tế. Đối với Việt Nam, với những câu chuyện vô cùng hấp dẫn trong lịch sử về sự dũng cảm của con người cũng như nền văn hóa hết sức đặc sắc, phong phú và đa dạng, Việt Nam có thể tận dụng điều đó cho sự phát triển của mình[2]. Đồng thời, với những gì mà Việt Nam đã làm được trong cuộc chiến phòng chống Covid-19 hiện nay, Việt Nam đã ghi dấu thêm nhiều điểm tích cực trong con mắt bạn bè quốc tế. Cùng với chính sách đối ngoại ngày càng toàn diện, vĩ mô hơn, tích cực hơn, chủ động hơn và chú trọng hơn đến việc phát huy vai trò tích cực của mình trong các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ không ngừng gia tăng ảnh hưởng của mình trong các tổ chức này mà còn thể hiện vị thế ngày càng được cải thiện của mình trên vũ đài thế giới. Việt Nam cần không ngừng phát huy những mặt mạnh của mình và cải thiện những mặt còn hạn chế, để tạo nên sức mạnh mềm độc đáo mang tên Việt Nam.
------------------------------------------------------------
[1] https://www.oecd-ilibrary.org/sites/0079f636-en/index.html?itemId=/content/component/0079f636-en.
[2] Joseph Nye Jr.: Chủ nghĩa dân tộc lành mạnh là điểm tựa của Việt Nam, http://vinhcity.gov.vn/?detail=5213/tin-tuc-su-kien/, ngày 13-01-2010.
Bích Thảo