"Cú sốc thứ ba" sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế ở Đông Á. Ảnh chụp nhân viên làm việc tại một ngân hàng ở Thái Nguyên, Trung Quốc hôm 24/2. (Nguồn: Reuters) |
Từ 2018 đến nay, khu vực Đông Á liên tiếp phải trải qua ba cú sốc. Thứ nhất là cuộc chiến thương mại làm sụp đổ chuỗi cung ứng từ đầu năm 2018. Thứ hai là đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, mối đe dọa lớn hơn, hay "cú sốc thứ ba" theo như cách gọi của Ngân hàng Thế giới (WB), vẫn còn chưa đến; đó là một cuộc suy thoái sâu có nguy cơ đẩy hàng triệu người quay trở lại đói nghèo tại chính khu vực có hơn 1 tỷ người được thoát nghèo trong 30 năm qua.
Theo đánh giá, với kịch bản lạc quan nhất trong đó GDP của Trung Quốc giảm xuống mức 2,3%, cú sốc thứ ba này có khả năng làm giảm tăng trưởng của khu vực Đông Á trong năm 2020 xuống mức 2,1% từ mức 5,8% năm 2019. Với kịch bản ít lạc quan hơn, tăng trưởng khu vực dự kiến chỉ đạt 0,5%.
Các nhà đầu tư tại các thị trường mới nổi dường như còn đang chuẩn bị cho một tình huống tồi tệ hơn kịch bản của WB. Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cảnh báo về làn sóng rút vốn thứ hai nếu tình hình trở nên xấu đi. Theo nhà kinh tế học Robin Brooks, IIF: “Đại dịch Covid-19 khiến các dòng vốn vào các thị trường mới nổi bị dừng đột ngột”.
IIF cũng chỉ ra: “Các thị trường mới nổi đang chứng kiến dòng vốn mất đi lớn nhất từ trước đến nay" trong quý I/2020, gấp đôi dòng vốn bị mất tại thời điểm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009”.
Trong khi đó, Ngân hàng Thái Lan dự báo nền kinh tế quốc gia này sẽ giảm 5,3%. WB cho rằng nền kinh tế Malaysia sẽ suy giảm trong tất cả kịch bản. Indonesia và Philippines có thể tăng trưởng ở mức thấp, tuy nhiên không loại trừ khả năng nền kinh tế hai nước này cũng sẽ bị suy giảm. Việt Nam, Campuchia và Myanmar đang ở vị thế tốt hơn để vượt qua cơn bão.
Một thách thức khác đang đặt ra là các gói kích thích tài chính và tiền tệ lớn từ cuộc khủng hoảng năm 2008 đã khiến các quốc gia có ít dư địa trong việc kích cầu. Các khoản nợ tăng cao tại Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam vẫn đang là những điểm yếu lớn.
WB khuyến nghị các biện pháp phản ứng mạnh mẽ thông qua điều chỉnh chính sách chi tiêu Chính phủ và nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Việc nới lỏng tín dụng sẽ giúp các hộ gia đình và các công ty ứng phó với những cú sốc sắp tới. Việc cấp tiền mặt cho các hộ gia đình để hỗ trợ chi tiêu cũng mang lại tác dụng tương tự.
Đầu tư khẩn cấp vào các hệ thống và năng lực chăm sóc y tế quốc gia đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Đồng thời, việc hợp tác sâu rộng hơn trong khu vực có thể giúp tăng tỷ lệ thành công.
Tuy vậy, châu Á vẫn chưa chuẩn bị để đối phó với ba cú sốc này. Các nhà hoạch định chính sách của khu vực này dường như đang thiếu phương hướng. Điều này khiến cho cảnh báo của WB đóng vai trò như một hồi chuông cảnh tỉnh.
Nếu các nhà lãnh đạo không chú ý đến hồi chuông này, tất cả thành quả kinh tế mà châu Á có được một cách khó khăn sẽ bị mất trong năm 2020 này.