Papua New Guinea (PNG) và Mỹ ngày 22/5 ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng cho phép quân đội Mỹ sử dụng sân bay và cảng tại quốc đảo. Đây là bước tiến mới nhất của Mỹ trong nỗ lực gia tăng hiện diện khu vực, giữa giai đoạn Washington ngày một lo ngại về sức ảnh hưởng của Bắc Kinh ở các đảo quốc Nam Thái Bình Dương.
Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá thỏa thuận với PNG này sẽ "củng cố hợp tác an ninh và quan hệ song phương, nâng cao năng lực cho quân đội PNG, đồng thời tăng cường ổn định và an ninh khu vực". Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói hai nước sẽ tăng cường trao đổi kinh nghiệm kỹ thuật, tham quan tàu và cùng tuần tra biển hiệu quả hơn.
Trong khi đó, nước chủ nhà nhận định thỏa thuận là bước tiến mới trong nỗ lực nâng cấp quan hệ với Mỹ. Thủ tướng James Marape tuần trước lý giải thỏa thuận sẽ cho phép PNG tiếp cận thông tin từ mạng lưới vệ tinh Mỹ để đối phó "hoạt động trái phép trên vùng biển quốc tế", đổi lại các lực lượng Mỹ có thể đi vào vùng biển nước này thuận lợi hơn.
Marape nhấn mạnh PNG không chịu ràng buộc chỉ được hợp tác với Mỹ. Ông vẫn có thể cân nhắc ký thỏa thuận tương tự với những nước khác, trong đó có Trung Quốc.
Gordon Peake, cố vấn cấp cao tại Viện Hòa bình Mỹ về khu vực các đảo quốc Thái Bình Dương, bình luận PNG "không còn là tiền đồn ngoại giao xa xôi" trong mắt của Washington. "Dù thỏa thuận không có dòng nào nhắc đến Trung Quốc, nước này là yếu tố quan trọng đằng sau bước tiến quan hệ Mỹ - PNG", ông bình luận.
Trước thỏa thuận hợp tác quốc phòng với PNG ngày 22/5, Bộ Ngoại giao Mỹ vào đầu tháng này đã khai trương đại sứ quán tại thủ đô Nuku'alofa của Tonga. Ngoại trưởng Tonga Samiu Vaipulu gọi đây là sự kiện lịch sử mà người dân hòn đảo đã mong chờ từ lâu.
Washington còn lên kế hoạch mở thêm đại sứ quán ở hai đảo quốc lân cận là Vanuatu và Kiribati, theo tuyên bố của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris khi bà đến thăm Fiji vào giữa năm 2022. Hồi tháng 9/2022, Tổng thống Joe Biden công bố chiến lược quốc gia đầu tiên dành cho các đảo quốc Thái Bình Dương, với kế hoạch đầu tư 810 triệu USD vào khu vực.
Corey Bell, nhà nghiên cứu Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney, cho rằng việc Mỹ tăng hiện diện ngoại giao ở một loạt đảo quốc Thái Bình Dương là "tín hiệu rõ rệt về tầm quan trọng lẫn vị thế của khu vực" đối với giới hoạch định đối ngoại ở Washington.
Các đảo quốc Thái Bình Dương được chia thành ba nhóm gồm Micronesia, Melanesia và Polynesia. Chính sách đối ngoại Mỹ thường tập trung chủ yếu vào nhóm đảo đầu tiên, trong khi phụ thuộc vào hai đồng minh Australia và New Zealand để duy trì ảnh hưởng ngoại giao lẫn quân sự ở hai nhóm đảo còn lại.
Corey Bell nhận định quyết định mở sứ quán ở Tonga, nằm trong nhóm đảo Polynesia, cho thấy Mỹ hiện giờ muốn gia tăng hợp tác với những đối tác khác trên cả ba nhóm đảo. "Cú sốc từ thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon dường như đã trở thành động lực then chốt thúc đẩy chiến lược mới", ông phân tích.
Bắc Kinh hồi tháng 4/2022 công bố thỏa thuận hợp tác an ninh đầu tiên tại khu vực với quần đảo Solomon. Nước này cho phép Trung Quốc huấn luyện cảnh sát quốc gia, đồng thời tàu chiến Trung Quốc được phép thăm cảng và tiếp tế hậu cần. Một số chuyên gia cảnh báo hiện diện quân sự của Trung Quốc nếu mở rộng đến Tonga có thể thách thức lưu thông hàng hải, quân sự lẫn dân sự, của Mỹ và Australia.
Mihai Sora, nghiên cứu viên Chương trình Các đảo quốc Thái Bình Dương thuộc Viện Lowy của Australia, đánh giá khu vực là "thành phần quan trọng" trong chiến lược của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những đảo quốc này có vị trí chiến lược để kiểm soát một vùng biển rộng lớn, chi phối hoạt động hàng hải khu vực.
Bell cho rằng Washington lẫn Canberra đều cần dè chừng rủi ro Bắc Kinh thu thập thông tin tình báo nhạy cảm, do Tonga nằm trên eo biển chiến lược giữa Mỹ và Australia. "Mỹ cần ưu tiên ngăn tái diễn trường hợp Solomon và chặn viễn cảnh Trung Quốc thiết lập hiện diện quân sự thường xuyên hoặc định kỳ trên đảo quốc", ông nhận định.
Trước những động thái của Mỹ tại khu vực, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh "không phản đối hợp tác và trao đổi thông thường giữa các đảo quốc Thái Bình Dương với nước khác", song cảnh báo các cường quốc đừng biến khu vực thành "đấu trường cạnh tranh địa chính trị".
Bell dự báo các đảo quốc Thái Bình Dương sẵn sàng hoan nghênh viện trợ từ Trung Quốc lẫn hợp tác an ninh, song có thể sẽ dè dặt hơn trước những đề nghị mang nặng thiên hướng quốc phòng. "Tôi cho rằng Bắc Kinh không nên vội vã đưa ra những đề nghị hợp tác lớn về an ninh, vì điều đó có thể gây ra nhiều nghi ngờ hay gia tăng quan ngại ở khu vực", Bell nói.
Vương Nghĩa Nguy, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, đánh giá rằng khu vực nam Thái Bình Dương cần "cạnh tranh lành mạnh" để phát triển, thay vì kẹt giữa những tính toán cân bằng chiến lược hay tranh giành ảnh hưởng.
Vương Huy Diệu, nhà sáng lập tổ chức tư vấn chính sách Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, đánh giá các đảo quốc Thái Bình Dương có ý nghĩa chiến lược đối với mọi cường quốc, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. "Thế giới tự do. Nếu các đảo quốc muốn hợp tác với Trung Quốc, hoặc Mỹ, hoặc bất kỳ nước nào khác, họ có thể tự quyết định", ông nhấn mạnh.
Nguồn: vtc.vn