Ông Rishi Sunak sẽ đến Điện Buckingham hôm nay để yết kiến Vua Charles III để được bổ nhiệm làm thủ tướng Anh thay thế bà Liz Truss.
Trong phát biểu đầu tiên với tư cách là lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh, ông Sunak tuyên bố "được phục vụ đảng mà tôi yêu quý và cống hiến cho đất nước mà tôi mang ơn rất nhiều là đặc ân lớn nhất đời tôi".
Nhưng giới quan sát cảnh báo sau khi bước vào số 10 phố Downing, ông Sunak sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là lãnh đạo một quốc gia hỗn loạn sau nhiệm kỳ ngắn ngủi nhưng thảm họa của bà Truss.
Ông từng chỉ trích kế hoạch cắt giảm thuế và tăng chi tiêu của bà Truss, nói rằng nó sẽ tàn phá kinh tế Anh. Quan điểm của ông sau đó được chứng minh hoàn toàn chính xác. Kế hoạch kinh tế mà bà Truss đưa ra đã khiến thị trường tài chính hoảng loạn, đồng bảng Anh mất giá, đẩy chi phí vay tăng cao và quỹ hưu trí đến bờ vực vỡ nợ.
Hình ảnh quốc tế của nước Anh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ trước khi bà Truss nhậm chức. Hàng loạt bê bối trong nội các của thủ tướng Boris Johnson, cùng những lời đe dọa phá vỡ cam kết trong thỏa thuận Brexit của ông đã khiến nhiều lãnh đạo thế giới mất thiện cảm với Anh. Việc Anh liên tiếp thay thủ tướng cũng khiến nhiều nước hoài nghi về chính sách đối ngoại của quốc gia này.
Chiến thắng của ông Sunak trong cuộc đua vào ghế thủ tướng lần này được cho là bắt nguồn từ những hỗn loạn về kinh tế, chính trị của Anh trong vài tháng qua.
"Sunak được coi là người đáng tin và có trách nhiệm, từng giành được nhiều lời khen ngợi vì điều hành nền kinh tế trong đại dịch Covid-19, giúp đỡ các doanh nghiệp và người dân với các chương trình chi tiêu lớn của chính phủ. Công việc của ông ấy giờ rõ ràng là mang lại sự bình ổn giữa khủng hoảng", Luke McGee, nhà phân tích của CNN, cho hay.
Khó khăn lớn nhất với ông Sunak là lãnh đạo một đảng Bảo thủ đang trong tình trạng chia rẽ với nhiều nhóm khác nhau, không chỉ dừng lại ở phe cánh tả và cánh hữu như trước đây. Ông có thể sẽ gặp trở ngại nhiều nhất từ cánh dân túy ủng hộ Brexit, vốn tôn thờ cựu thủ tướng Johnson.
"Thực tế là những thành phần cứng rắn nhất của nhóm Brexit có lẽ không ủng hộ bất kỳ ai vì họ biết rằng sớm muộn sẽ nổ ra tranh cãi với tân thủ tướng về Brexit", Salma Shah, cựu cố vấn đảng Bảo thủ, chia sẻ. "Một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Sunak là đàm phán Nghị định thư Bắc Ireland (một phần gây tranh cãi trong thỏa thuận hậu Brexit). Nếu nó không diễn ra như ý, nhóm ủng hộ Brexit sẽ phản đối".
Đây là nhóm đã quyết liệt chỉ trích Sunak "phản bội" Johnson, sau khi từ chức bộ trưởng tài chính hồi tháng 7 để gây sức ép với cựu thủ tướng. Ông nhiều khả năng phải tìm cách xoa dịu họ, bằng việc bổ nhiệm một nội các có thể khiến nhóm này hài lòng.
Nếu Sunak không chấp nhận nhượng bộ, nhóm ủng hộ ông Johnson tại quốc hội có thể gây ra một số rắc rối, thậm chí là tìm cách lật đổ ông, Tim Bale, giáo sư chính trị tại Đại học Queen Mary, nhận định.
"Điều đó đồng nghĩa Sunak sẽ phải nén cái tôi của mình và giao công việc nào đó trong chính phủ cho ông Johnson và bà Truss", Shah nói. "Kịch bản này sẽ khiến quyền lực của ông Sunak bị hạn chế đáng kể".
Giới chuyên gia cho rằng đoàn kết đảng Bảo thủ cầm quyền có thể là nhiệm vụ "quá sức" với Sunak ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, thủ tướng tương lai của Anh có thể thuận lợi hơn trong chính sách kinh tế và khả năng làm việc với các đối tác quốc tế.
"Ông Sunak là người có nhiều kinh nghiệm hợp tác với các đối tác kinh doanh quốc tế và từng làm việc với nhiều quan chức nước ngoài với tư cách là bộ trưởng tài chính Anh. Ông ấy là người giao tiếp giỏi và luôn làm chủ các cuộc thảo luận về kinh tế. Do đó, tôi nghĩ ông ấy sẽ được cộng đồng quốc tế đón nhận, với kỳ vọng ông sẽ bình ổn được cả nền kinh tế lẫn chính trị Anh", giáo sư Bale nói.
Đó là kịch bản tốt nhất dành cho ông Sunak khi là thủ tướng Anh. Tuy nhiên, giới quan sát lâu năm về chính trị Anh biết rằng ổn định kinh tế và xã hội không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau.
"Ông ấy sẽ phải đưa ra các chính sách mới trong bối cảnh chương trình kinh tế của bà Truss khiến nhiều người không hài lòng", Vicky Pryce, từng là người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Chính phủ Anh (GES), nói.
Pryce thêm rằng điều đó đồng nghĩa Sunak sẽ phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng để cân bằng ngân sách, đánh thuế thu nhập với các công ty năng lượng và đảo ngược nhiều ý tưởng chính sách của bà Truss.
"Ông ấy phải cân bằng giữa các chính sách có thể khiến các nghị sĩ đảng Bảo thủ phẫn nộ và những điều có thể khiến công chúng quay lưng với mình", Pryce cho hay.
Các cố vấn và nghị sĩ đảng Bảo thủ cũng có tâm trạng lẫn lộn về tương lai nước Anh dưới thời ông Sunak. Một số cho rằng công chúng Anh sẽ mong muốn sự ổn định sau nhiều hỗn loạn chính trị, trong khi số khác lo ngại Sunak sẽ quá mềm mỏng về Brexit và khiến đảng Bảo thủ thua trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo.
Tuy nhiên, về lý thuyết, ông Sunak còn ít nhất hai năm trước khi Anh bước vào cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Thời gian đó là quá đủ để ông Sunak lấy lại thăng bằng cho con tàu nước Anh giữa sóng gió và khôi phục tỷ lệ ủng hộ đang sụt giảm nghiêm trọng trong các cuộc thăm dò đối với đảng Bảo thủ.
Song điều quan trọng nhất mà ông cần làm là dẫn dắt đảng Bảo thủ đi theo con đường của mình, theo McGee. Nếu những hỗn loạn trong vài tuần qua không được giải quyết, ông Sunak có thể là lãnh đạo Bảo thủ tiếp theo phải dành nhiều thời gian hơn để xử lý các vấn đề chính trị nội bộ đảng, thay vì giải quyết những thách thức lớn mà nước Anh phải đối mặt.
Những người ủng hộ nhấn mạnh rằng ông Sunak chính là lựa chọn an toàn để chèo lái đất nước vào thời điểm toàn cầu bất ổn, nhưng giới quan sát cho rằng các chính sách của ông cần được kiểm nghiệm qua thực tế.
"Chỉ có thời gian mới trả lời được liệu ông Sunak có phải người phù hợp với công việc này hay không", Mark Shephard, giảng viên chính trị cấp cao tại Đại học Strathclyde, nói.
Nguồn: vnexpress.net