Mỹ và hậu quả của sự không tích hợp hệ thống
Các nhà nghiên cứu quốc tế, trong đó có các học giả người Mỹ cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất cử của Tổng thống Donald Trump là hậu quả của bất ổn, đại dịch, suy thoái và sự chia rẽ xã hội sâu sắc thể hiện qua lá phiếu cử tri. Nhưng đó mới là bề nổi.
Sâu xa là tư tưởng “Nước Mỹ trên hết” thể hiện trong chính sách ngoại giao, an ninh, kinh tế và cách thức Tổng thống Donald Trump thực thi đã không tích hợp Mỹ với các thể chế, cơ chế đa phương. Mỹ rút khỏi nhiều tổ chức, cơ chế quốc tế vì cho rằng nó gây bất lợi cho họ.
Mỹ không thể không thừa nhận xu thế đa cực, nhưng vẫn muốn và cố duy trì là cực quyền lực số một, chi phối thế giới. Tổng thống Donald Trump tập trung mọi nỗ lực ngăn chặn sự trỗi dậy “chóng mặt” và tham vọng toàn cầu của Trung Quốc, sự cạnh tranh về quân sự, an ninh của Nga trên các địa bàn chiến lược.
Mỹ cần duy trì, lôi kéo đồng minh, đối tác vào mặt trận kiềm chế Trung Quốc, cô lập Nga khỏi cộng đồng quốc tế. Chủ trương đó được triển khai qua chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Mỹ buộc đồng minh, đối tác theo các quyết định của mình dù nó gây bất lợi, khó khăn cho họ (từ bỏ “dòng chảy phương Bắc”, không mua vũ khí của Nga, không hợp tác công nghệ 5G với Trung Quốc, cấm vận Iran, Cuba, tăng ngân sách quốc phòng lên tối thiểu bằng 2% GDP và trả phí cho “ô an ninh” của Mỹ…).
Các quyết định đó ít nhiều mang lại lợi ích nhất định cho Mỹ như giảm bớt chi phí đóng góp, không chịu sự ràng buộc, được một bộ phận dân Mỹ ủng hộ…. Vai trò của các tổ chức, cơ chế quốc tế bị ảnh hưởng khi không có sự tham gia của Mỹ. Trung Quốc, Nga và các đối thủ khác của Mỹ gặp không ít khó khăn.
Nhưng cái giá mà Mỹ phải trả không hề rẻ. Nhiều tổ chức, cơ chế quốc tế vẫn duy trì hoạt động mà không cần có Mỹ. Việc không tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã đẩy Mỹ đứng bên lề 2 khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Mỹ phải chi hàng trăm triệu USD cho cuộc chiến chống Trung Quốc, Nga.
Hành động của Mỹ, sự đối đầu Mỹ - Trung, Mỹ - Nga… đẩy nhiều đồng minh, đối tác ra xa, có những việc “bằng mặt mà không bằng lòng”. Một số nước tìm cách thiết lập cơ chế tài chính, thương mại riêng, lách lệnh cấm vận của Mỹ.
Vô hình trung, hay nói chính xác hơn là điều không mong muốn từ chính sách “Nước Mỹ trên hết” là vai trò, vị thế của họ trên thế giới bị suy giảm. Đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, chia rẽ xã hội sâu sắc là tổ hợp của các tác động từ bên ngoài và bên trong.
Điều đó thúc đẩy cử tri Mỹ bỏ phiếu cho ông Joe Biden với mong muốn thay đổi. Một bộ phận của Đảng Cộng hòa cũng không hoàn toàn ủng hộ ứng cử viên của Đảng, thậm chí có người nói chính ông Donald Trump là người gây ra rối loạn xã hội.
Theo một số nhà nghiên cứu quốc tế, Tổng thống Donald Trump đã không tích hợp Mỹ với hệ thống thế giới và sự không tích hợp đó đã tác động trở lại nước Mỹ, gây bất lợi cho đương kim tổng thống. Đó là một nguyên nhân không dễ thấy nhưng rất quan trọng.
Chủ nghĩa đa phương mang màu sắc Trung Quốc
Trong khi Mỹ rời bỏ nhiều tổ chức, cơ chế quốc tế thì Trung Quốc lại tích cực, chủ động chiếm “khoảng trống quyền lực”. Bắc Kinh khai thác ưu thế kinh tế, thương mại trong các quan hệ, hợp tác đa phương để đem lại lợi ích tối đa, thậm chí là sự phụ thuộc, nhượng bộ chủ quyền, lợi ích quốc gia của một số nước khác.
Trung Quốc là nhà đầu tư, đối tác thương mại số 1 ở nhiều khu vực, quốc gia. Chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc khó hoặc không thể thay thế. Sự suy thoái của Mỹ, của các nước lớn khác càng nhanh chóng đưa nền kinh tế Trung Quốc lên vị trí số 1 trong 10 năm tới. Trong một số lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, Trung Quốc cũng đã vượt Mỹ.
Đi đôi với mở rộng hợp tác đa phương, tăng cường hiện diện, can dự ở các địa bàn chiến lược, Trung Quốc tìm cách ngăn chặn sự hiện diện, hợp tác của các nước khác ở Biển Đông và các khu vực khác mà Trung Quốc chiếm lợi thế.
Các nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng chính sách đa phương “mang màu sắc Trung Quốc” như cái cách họ làm những năm qua, nhất là trong đại dịch Covid-19 năm 2020 có phần phản tác dụng, làm hình ảnh Trung Quốc, lòng tin của quốc tế với Trung Quốc bị suy giảm. Nếu chính sách của Trung Quốc không thay đổi, xu thế đó vẫn tiếp diễn trong năm 2021.
Chính sách đa phương “mang màu sắc Trung Quốc” trong đại dịch Covid-19 năm 2020 có phần phản tác dụng, làm hình ảnh Trung Quốc, lòng tin của quốc tế với Trung Quốc bị suy giảm...
Mở rộng quan hệ, hợp tác đa phương là lối thoát của Nga
Nga bị Mỹ và đồng minh ngăn chặn, cô lập nhiều mặt, cả kinh tế, ngoại giao, an ninh, hợp tác công nghiệp quốc phòng…, trên nhiều địa bàn chiến lược, nhất là không gian hậu Xô viết.
Bên cạnh tăng cường nội lực, sức mạnh quân sự, lối thoát của Nga là mở rộng quan hệ, hợp tác đa phương, đan xen lợi ích với các đối tác, trên các khu vực, địa bàn chiến lược.
Thế mạnh của Nga là sức mạnh quân sự, công nghiệp quốc phòng, nguồn khí đốt lớn. Nga vẫn duy trì vai trò trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), ngày càng quan tâm hơn đến châu Á - Thái Bình Dương, Đông Nam Á, tăng cường hợp tác với các đối thủ của Mỹ như Trung Quốc, Iran, Syria…
Thổ Nhĩ Kỳ cạnh tranh quyết liệt, có những hành động gây bất lợi, thậm chí đối đầu với Nga ở Nam Kavkaz, Trung Đông… nhưng Nga vẫn duy trì quan hệ hợp tác vừa sẵn sàng hành động khi đối tác đi quá giới hạn.
Nga hợp tác xây dựng đường ống dẫn khí với Đức, Serbia, thông qua đó cải thiện quan hệ với nhiều nước châu Âu.
Sự hiện diện quân sự ở các địa bàn chiến lược và sự can dự của Nga, trong không ít trường hợp mang lại hiệu quả, duy trì được sự cân bằng nhất định của khu vực (Syria, Nagorno-Karabakh…).
Nỗ lực hợp tác đa phương, tham gia các thể chế, cơ chế đa phương khẳng định vai trò quan trọng của Nga và là lối thoát khỏi tình thế bị Mỹ và đồng minh cô lập.
EU hợp tác đa phương để thực sự là một cực
Liên minh châu Âu nỗ lực xây dựng “EU địa chính trị”. Một mặt, EU tìm cách củng cố sự đồng thuận, giải quyết khác biệt lợi ích của một số thành viên và hậu quả Brexit.
Mặt khác, EU tăng cường, mở rộng quan hệ, hợp tác đa phương, thể hiện vai trò trong các thể chế quốc tế. EU vừa củng cố quan hệ 2 bờ Đại Tây Dương vừa tỏ ra độc lập hơn với Mỹ, đồng thời cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Sau 7 năm đàm phán với nhiều trắc trở, nhiều lúc bế tắc, thì đã có tín hiệu EU và Trung Quốc sẽ ký kết thỏa thuận đầu tư trong thời gian không xa.
EU cũng có những động thái thể hiện tăng cường kết nối, hợp tác với ASEAN thông qua các cơ chế, diễn đàn, hiệp định và hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, an ninh, môi trường…
Củng cố đoàn kết, thống nhất nội khối và tăng cường quan hệ, hợp tác đa phương, tạo điều kiện cho EU phát huy vai trò, vị thế, thực sự là 1 cực trong thế giới đa cực.
ASEAN nâng cao vai trò, vị thế thông qua quan hệ, hợp tác đa phương
Trong những năm qua, ASEAN đã đạt những thành tựu quan trọng về xây dựng cộng đồng trên 3 trụ cột và trong quan hệ, hợp tác đa phương. Với những thành tựu đó, ASEAN trở thành 1 trong những tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất, động lực chính thúc đẩy hợp tác, liên kết khu vực, giữ vai trò trung tâm trong các cơ chế an ninh khu vực, trong liên kết, kết nối châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng, vượt trên khác biệt lợi ích riêng của từng quốc gia (vấn đề Biển Đông, quan hệ với Mỹ, Trung Quốc…), củng cố đoàn kết, đồng thuận tạo cho ASEAN vị thế có lợi trong quan hệ, hợp tác đa phương với các đối tác, các nước lớn. Đồng thời quan hệ, hợp tác đa phương nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Cộng đồng và của từng quốc gia thành viên.
Với dân số hơn 630 triệu, lực lượng lao động lớn thứ 3 thế giới, GDP xấp xỉ 3.000 tỷ USD, có khả năng trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới và sự đoàn kết, đồng thuận, phát huy chủ nghĩa đa phương, ASEAN có thể hướng tới vai trò như một cực.
Bất biến trong thế giới nhiều biến động
Năm 2020 và cả những năm trước đó, tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, có nhiều sự kiện, vấn đề “bất quy tắc”. Nhưng nhìn một cách tổng thể, chúng lại có quy luật. Một trong số đó là chủ nghĩa đa phương với các sắc thái khác nhau. Từ đó, có thể rút ra các vấn đề quan trọng.
Một là, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, mâu thuẫn, cạnh tranh giữa các nước lớn, xu hướng chính trị cường quyền, ly khai gia tăng, nhưng chủ nghĩa đa phương vẫn là một bộ phận không thể thiếu của hệ thống quốc tế và ngoại giao đương đại. Xu thế đa cực không thể đảo ngược.
Mâu thuẫn, sự khác biệt lợi ích giữa các nước là một tồn tại khách quan, nhưng không đối lập với quan hệ, hợp tác đa phương. Công cụ đa phương đóng vai trò rất quan trọng trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, giải quyết hòa bình, hài hòa các mâu thuẫn, khác biệt lợi ích.
Hai là, không một nước lớn nào, cả Mỹ, Trung Quốc, có thể tự mình giải quyết các thách thức toàn cầu. Các nước lớn cần và không thể tách rời chủ nghĩa đa phương.
Họ thực thi chủ nghĩa đa phương phục vụ cho ý đồ chiến lược của mình. Sử dụng con bài kinh tế, công nghệ, ngoại giao, dân chủ, nhân quyền, thậm chí là sử dụng vũ lực, tự cho mình cái quyền mà nước khác không được phép để áp đặt luật chơi có lợi, chiếm đoạt, cưỡng đoạt lợi ích, chủ quyền của các nước khác. Chính sách, hành động đó đi ngược xu thế chủ nghĩa đa phương, không có lợi cộng đồng và cho chính các nước lớn.
Ba là, chỉ có phát huy chủ nghĩa đa phương, chủ động tham gia, hợp tác trong các tổ chức, cơ chế đa phương, các nước đang phát triển, nước vừa và nhỏ mới xác lập vai trò, vị thế trên trường quốc tế.
Bốn là, tình hình càng phức tạp, càng đòi hỏi phải phát huy chủ nghĩa đa phương. Chủ nghĩa đa phương là sự hợp tác dựa trên các giá trị gắn kết cốt lõi là sự công bằng, lợi ích chung, nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Nhưng một số nước cho rằng xung đột vũ trang, chiến tranh mới sẽ giải quyết được các vấn đề mà ngoại giao, đàm phán, pháp lý không giải quyết triệt để được. Từ kết quả của Azerbaijan trong xung đột Nagorno-Karabakh, một số nước muốn áp dụng vào các trường hợp khác ở Donbass, Ukraine, khu vực ly khai Transnistria, Moldova, Syria…
Năm là, chủ nghĩa đa phương không phủ nhận độc lập, tự chủ, không làm các nước đánh mất bản sắc dân tộc. Nhưng một số nước lẫn lộn giữa chủ nghĩa đa phương với chủ trương “bắt cá 2 tay”, lúc ngả theo bên này, lúc chạy theo bên kia, thiếu độc lập, tự chủ. Kết cục là rơi vào vòng xoáy cạnh tranh của các nước lớn, bất ổn xã hội, thậm chí là nội chiến, xung đột vũ trang.
Những năm qua, Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần xây dựng trật tự chính trị, kinh tế công bằng, dân chủ, ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh, củng cố hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi. Kế thừa và phát triển, Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra phương hướng: tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, nâng tầm đối ngoại đa phương. Truyền thống dân tộc và đường lối của Đảng là nền tảng để Việt Nam nâng cao vai trò, vị thế và uy tín trên trường quốc tế, xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới./.
Vũ Đăng Minh (theo Baoquocte)