Toàn cảnh phiên khai mạc cuộc họp của các ngoại trưởng Arab tại trụ sở Liên đoàn Arab ở Cairo (Ai Cập) ngày 7/5. (Nguồn: Reuters) |
Khu vực Trung Đông - Bắc Phi với phần lớn các quốc gia nằm trong Liên đoàn Arab là một khu vực với nhiều điểm nóng mà Syria là một phần trong đó. Các diễn biến chính trị của khu vực, vì vậy, cũng đều ít nhiều xoay quanh các điểm nóng này.
Sau hơn một thập kỷ trải qua bạo loạn và bị tách rời khỏi cộng đồng các nước Arab, cuối tuần qua, Syria đã được Liên đoàn Arab đồng ý kết nạp lại trong một cuộc họp cấp bộ trưởng tại Cairo, Ai Cập vào ngày 7/5. Đây là dấu mốc quan trọng trong hành trình giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, phản ánh kết quả của những nỗ lực trong các cuộc tiếp xúc trong và ngoài khu vực.
Quay trở lại đầu năm 2023, khi Syria vừa phải trải qua các trận động đất mạnh gần 8 độ richter, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ngày 20/2, Tổng thống Bashar al-Assad có chuyến thăm Oman, nhằm kêu gọi viện trợ nhân đạo cho quốc gia này. Đây cũng được xem là chuyến thăm quan trọng nhằm tiến tới việc bình thường hoá quan hệ giữa Syria và thế giới Arab.
Tại sao lại là Oman?
Kể từ sau khi bạo loạn nổ ra tại Syria năm 2011 tới nay, Oman là nước duy nhất chưa từng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Syria. Oman là nước từ chối gia nhập nhóm tìm cách thay đổi chế độ ở Syria. Khác với các quốc gia Arab khác, các nhà lãnh đạo Oman mong muốn đóng vai trò làm cầu nối ngoại giao, nhân đạo tại Syria. Các chuyên gia đến từ Viện Carnegie thậm chí còn gọi đây là một phần đặc tính dân tộc của Oman, quốc gia luôn duy trì đối thoại lành mạnh và quan hệ ngoại giao với không chỉ Syria mà còn tất cả các nước khác.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad thăm Oman ngày 20/2. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Oman) |
Trong những năm gần đây, lãnh đạo Syria đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc bình thường hoá quan hệ với các quốc gia vùng Trung Đông, bao gồm việc nối lại quan hệ với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain. Tuy vậy, chuyến thăm Oman của Tổng thống al-Assad trong thời điểm sau trận động đất mang lại nhiều ý nghĩa hơn cả, bởi bao trùm lên chuyến thăm là tính nhân đạo - một yếu tố được các nước Arab vô cùng coi trọng. Cũng cần nói thêm rằng, vào thời điểm Tổng thống al-Assad đặt chân đến thủ đô Muscat, Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia chịu thiệt hại cùng với Syria trong trận động đất đã nhận được viện trợ khổng lồ từ khắp các nước trên thế giới, tạo nên một cuộc tranh luận về tính ưu tiên trong việc viện trợ nhân đạo giữa hai nước.
Một tháng sau chuyến thăm Oman, trong vòng năm ngày (14-19/3), Tổng thống al-Assad tiếp tục có các cuộc đối thoại tại UAE và Nga nhằm giải quyết khủng hoảng trong nước. Nếu như cuộc gặp với Tổng thống Putin tại Moscow được giới phân tích nhận định là một cơ hội để tìm kiếm phương thức hoà giải giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, thì chuyến thăm UAE là một tín hiệu rõ ràng hơn về việc Syria mong muốn được tham gia Liên đoàn Arab sau 12 năm bị tước quyền thành viên, khi mà hai nước này đã có nhiều hoạt động nối lại quan hệ từ năm 2016 tới nay.
Việc chủ động sắp xếp các chuyến thăm từ phía Syria cho thấy những tín hiệu tích cực trong việc xử lý cuộc khủng hoảng đã kéo dài nhiều năm tại quốc gia này. Nếu như diễn ra muộn hơn, có thể cơ hội để Syria quay trở lại Liên đoàn Arab sẽ gần như là không có.
Từ phía các nước Arab, thời gian qua các nước có vai trò, tiếng nói quan trọng trong vấn đề Syria như Saudi Arabia và UAE đã có những quan điểm rõ ràng và mạnh mẽ trong việc đưa Syria trở lại mái nhà chung. Trong cuộc gặp Tổng thống Syria vào tháng 3, Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed khẳng định: “Syria đã rời xa những người anh em của mình quá lâu, và đã đến lúc họ quay trở lại với chúng ta và cộng đồng Arab”.
Ở cấp độ thấp hơn, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia và Syria cũng đã có các chuyến thăm lẫn nhau vào tháng trước, và đã đạt được các tiến triển lớn về việc nối lại dịch vụ lãnh sự và các chuyến bay giữa hai nước. Trong cuộc gặp của Liên đoàn Arab tại Ai Cập vào hôm qua (7/5), Saudi Arabia được xác nhận là một trong những nước sẽ tham gia nhóm liên lạc của Liên đoàn Arab với chính phủ Syria nhằm tiến tới quá trình bình thường hoá quan hệ giữa hai bên.
Bên cạnh những tiếng nói ủng hộ việc Syria quay trở lại Liên đoàn Arab là những ý kiến bày tỏ sự lo ngại về tình hình tại đây. Qatar là một ví dụ điển hình. Ngày 13/4, trước thềm một cuộc gặp giữa bộ trưởng ngoại giao của các nước Arab, Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani nói rằng cơ sở ban đầu cho việc đình chỉ tư cách thành viên của Syria trong Liên đoàn Arab năm 2011 vẫn còn; ông khẳng định lập trường của Doha chống lại việc bình thường hóa với Syria trừ khi có một giải pháp chính trị hiệu quả nhằm giải quyết khủng hoảng được đề xuất và thực hiện.
Một số quốc gia khác như Kuwait, Yemen và Morocco có lập trường không quá cứng rắn, nhưng vẫn thận trọng trước việc kết nạp lại Syria. Phát biểu sau cuộc họp tại Cairo, Bộ trưởng Ngoại giao Kuwait, Hoàng thân Salem Abdullah Al-Jaber Al-Sabah nói rằng để có thể được Liên đoàn Arab chấp thuận làm thành viên, Syria cần cho thấy cam kết mạnh mẽ trong việc đảm bảo an toàn cho những người tị nạn, mất chỗ ở, tuân thủ theo các nghị quyết đã được Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua và ban hành.
Nhìn vào các ý kiến trái chiều này, vẫn có thể khẳng định rằng quyết định kết nạp lại Syria là sự kiện khẳng định tính đoàn kết đang quay trở lại một trong những tổ chức quan trọng hàng đầu khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Sau cùng thì, một nền hoà bình, ổn định sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho tất cả các quốc gia trong khu vực.
Nguồn: baoquocte.vn