Thập niên 50 của thế kỷ XX, Mỹ và phương Tây đều ủng hộ Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Về mặt chính trị, các nước này cố ý thổi phồng “nguy cơ cộng sản” ở Tây Thái Bình Dương. Về mặt an ninh, các nước này cho rằng nguy cơ tác động dây chuyền từ các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào giải phóng dân tộc ở khu vực này sẽ dẫn đến thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây. Do đó, cả nước Pháp và Mỹ đều đặt quyết tâm cao nhất trong cuộc chiến tranh Đông Dương, “cứ điểm Điện Biên Phủ” được coi là xương sống của “Kế hoạch Nava”.
Tuy vậy, ngày 7-5-1954, Điện Biên Phủ thất thủ, một nửa nước Việt Nam gia nhập hệ thống xã hội chủ nghĩa buộc Mỹ và các nước phương Tây phải tiếp tục xây dựng và củng cố các hiệp ước an ninh song phương và đa phương cùng các căn cứ quân sự như một “vành đai chiến lược” liên hoàn tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Thông qua hệ thống đồng minh này, Mỹ triển khai lực lượng quân sự trực tiếp tại đây, thực hiện chủ trương ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản.
Thứ nhất, chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam khiến nước Mỹ phải gia tăng các hiệp ước an ninh song phương tại Tây Thái Bình Dương hỗ trợ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Sau khi Pháp thất thủ tại Điện Biên Phủ, Mỹ trực tiếp can thiệp Đông Dương. Tại Nam Việt Nam, Mỹ dựng lên chính quyền ngụy quyền Sài Gòn và quyết định leo thang chiến tranh. Ngày 9/5/1964, Mỹ gửi công hàm cho các nước đồng minh, yêu cầu cùng chia sẻ trách nhiệm với Mỹ [1]. Tiếp đó, ngày 15/7/1964, Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa - Nguyễn Khánh cũng gửi công hàm đề nghị 34 nước đồng minh của Mỹ chi viện quân sự[ 2]. Sau 2 công hàm này, có 39 nước và vùng lãnh thổ hưởng ứng, trong đó 34 nước và vùng lãnh thổ hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần (như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Iran, Malaysia, Tuynidi…); 5 nước đồng minh của Mỹ gửi quân trực tiếp tham chiến tại Việt Nam (Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc, Australia, New Zealand) [3]. Hệ thống đồng minh song phương của Mỹ từ đây được củng cố và mở rộng. Điển hình là các liên minh song phương trực tiếp tham gia trong chiến tranh Việt Nam:
Liên minh Mỹ - Philippines được coi là xương sống trong hệ thống các nước đồng minh của Mỹ tại Đông Nam Á. Năm 1951, “Hiệp ước phòng thủ chung” giữa Mỹ và Philippines được ký kết. Liên minh Mỹ - Phillpines càng được chú trọng sau khi nước Mỹ can dự trực tiếp vào chiến tranh Đông Dương. Nước Mỹ đã duy trì quân đội, cố vấn, vũ khí, đạn dược ở các căn cứ quân sự tại Philippines. Điển hình là căn cứ Clark, và Subic. Mỹ coi đây là một trong những tiền đồn quân sự quan trọng nhất và là nơi cung cấp hậu cần chủ yếu cho sự hiện diện của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là phục vụ tích cực cho cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Năm 1964, Philippines hỗ trợ tích cực cho Mỹ, trực tiếp gửi 34 quân nhân (gồm bác sĩ, y tá, chuyên gia phát triển nông thôn) dưới danh nghĩa là nhân viên dân sự đến Sài Gòn, chính thức tham gia vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam [4]. Sau đó, quốc gia này tiếp tục gửi sĩ quan quân đội Philippines sang Nam Việt Nam làm cố vấn về chiến tranh tâm lý và dân vận cho Quân đoàn III quân đội Sài Gòn [5]. Sự hiện diện của quân đội Phillipines trong thời gian từ 1964 đến 1973 tại Nam Việt Nam đã góp phần củng cố hệ thống đồng minh của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á.
Liên minh Mỹ - Thái Lan: Liên minh này vốn được thiết lập từ 1950. Sau khi Pháp thất thủ Điện Biên Phủ, Thái Lan đã tham gia khối “Hiệp ước phòng thủ tập thể Đông Nam Á” (SEATO) do Mỹ lãnh đạo vào ngày 08-9-1954 [6]. Thái Lan có vai trò quan trọng trong điều chỉnh chiến lược của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á lục địa. Quốc gia này trở thành nơi cung cấp hậu cần, hậu thuẫn cho Mỹ tại Đông Dương, đồng thời là một trong những đồng minh “tiên phong” trên mặt trận tư tưởng, ủng hộ Mỹ trong việc đối phó và ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản tại Đông Nam Á. Ngày 6-3-1962, Mỹ - Thái Lan ra “Thông cáo chung Rusk – Thanat” khẳng định cam kết phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề an ninh ở khu vực [7]. Tháng 3-1963, Mỹ - Thái Lan tiếp tục ký “Hiệp định hành quân đặc biệt Thái Lan” (SLAT) [8]. Theo đó, Thái Lan trở thành căn cứ quân sự hậu cần cho Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Từ năm 1964 đến 1972, quân đội Thái Lan hiện diện ở Nam Việt Nam hỗ trợ đắc lực cho Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Liên minh Mỹ - Đại Hàn Dân Quốc, là một trong ba liên minh song phương của Mỹ ở vùng Viễn Đông (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan). Năm 1964, quốc gia này đã cử lực lượng quân y đầu tiên đến Nam Việt Nam, hỗ trợ quân đội Mỹ. Từ 1965 đến 1973, quân đội Hàn Quốc đã hiện diện tại chiến trường Nam Việt Nam. Quân đội Hàn Quốc thiết lập hệ thống căn cứ phòng thủ cấp đại đội ở nhiều nơi, ngăn chặn tích cực sự tấn công của Quân Giải phóng Việt Nam. Đây là lực lượng được Mỹ đánh giá là đi đầu, hỗ trợ Mỹ tích cực trong các cuộc càn quét, với độ “tàn bạo”, tính chuyên nghiệp, ưu thế vượt trội so với tất cả các lực lượng đồng minh của họ tại Nam Việt Nam [9].
Liên minh Mỹ - Australia và Mỹ - New Zealand: các liên minh này ở khu vực Nam Thái Bình Dương đã ủng hộ Mỹ leo thang trong chiến tranh Việt Nam. Năm 1961, Australia bắt đầu gửi chuyên viên kỹ thuật, cố vấn quân sự đến Nam Việt Nam để hỗ trợ đồng minh Mỹ và chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Từ 1965 đến 1973, quân đội Australia trực tiếp có mặt tại Nam Việt Nam, bao gồm cả lục quân, không quân và hải quân. Trong khi đó, New Zealand đã gửi lực lượng pháo binh sang Nam Việt Nam. Trong suốt thời gian từ 1964 đến 1972 quân đội New Zealand được lồng ghép với lực lượng của Nhóm Đặc nhiệm Australia thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ tích cực với quân đội Mỹ tại chiến trường Nam Việt Nam.
Thứ hai, Điện Biên Phủ thất thủ khiến nước Mỹ phải nhanh chóng xây dựng, mở rộng các căn cứ quân sự và liên minh đa phương tại Tây Thái Bình Dương để đối phó với phong trào giải phóng dân tộc trong khu vực.
Tin chiến thắng Điện Biên Phủ khiến Tổng thống Eisenhower phải triệu tập khẩn cấp Hội đồng An ninh Quốc gia bàn về tình hình Đông Nam Á và Đông Dương ngay ngày 8-5-1954. Đối với Mỹ, tư tưởng bao trùm lúc này là việc thất thủ của Pháp ở Điện Biên Phủ phải được coi như một tiền đề cho việc mất cả Đông Nam Á, vì vậy cần phải có một hệ thống phòng thủ tập thể để “đảm bảo hòa bình, an ninh và tự do của Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương” [10].
Tại Đông Nam Á: các nước Mỹ, Anh, Pháp, Australia, New Zealand, Pakistan, Philippines, Thái Lan, đã ký kết Hiệp ước phòng thủ tập thể Đông Nam Á, chính thức thành lập khối quân sự SEATO vào ngày 8-9-1954 tại Manila (Philippines). Hiệp ước có XI điều, Điều IV là điều quan trọng nhất, ràng buộc trách nhiệm tập thể của các quốc gia tham gia Hiệp ước [11]. SEATO tiếp tục mở rộng thành viên (Pakistan, Pháp). Tuy nhiên, với quy định lỏng lẻo và mục đích hoạt động không đáp ứng được tham vọng của các nước thành viên khi tham gia, SEATO đã không phát triển mạnh được. Mặt khác, những diễn biến mới của Chiến tranh Lạnh trong thập niên 60, 70 và mâu thuẫn nảy sinh giữa các quốc gia thành viên, khiến một số thành viên lần lược rút khỏi tổ chức này và SEATO phải tuyên bố giải tán năm 1977.
Một hội nghị của SEATO về chiến tranh Việt Nam tại Cung điện Manacanang, Manila, Philippines. Ảnh: Tư liệu.
Tại Nam Thái Bình Dương, Mỹ thúc đẩy gia tăng hoạt động của khối ANZUS (Hiệp ước quân sự giữa Australia, New Zealand, Mỹ vốn được thành lập từ năm 1951, chuyển thành khối quân sự năm 1952). ANZUS hoạt động với mục đích kiểm soát chặt chẽ và hợp tác phòng thủ trước các cuộc tấn công trên Thái Bình Dương, đảm bảo Đông Nam Á nói chung và Đông Dương nói riêng trong vòng kiểm soát của Mỹ. ANZUS cung cấp hệ thống cảnh báo sớm về an ninh ở Đông Á và Đông Nam Á để Mỹ chủ động với khu vực. ANZUS đã can dự vào nhiều vấn đề khu vực trong thế kỷ XX như: chiến tranh Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia, ly khai của Đông Timor (Indonesia), phức tạp chính trị ở Đài Loan, hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Năm 1985, do bất đồng từ các thành viên trong vấn đề tàu hạt nhân, ANZUS tạm thời dừng hoạt động, cho đến nay vẫn chưa khôi phục lại.
Như vậy, sau năm 1954, một “vành đai chiến lược” của Mỹ đã được củng cố và mở rộng toàn bộ Tây Thái Bình Dương: Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan) - Đông Nam Á (Thái Lan, Philippines, SEATO) - Nam Thái Bình Dương (ANZUS). Chính quyền Mỹ hy vọng với “vành đai chiến lược” này sẽ hoàn toàn chủ động ở Tây Thái Bình Dương, kiểm soát chặt chẽ Đông Nam Á, khống chế Đông Dương. Tuy nhiên, suốt trong thập kỷ 60,70 của thế kỷ XX, hệ thống “vành đai chiến lược” của Mỹ liên tiếp mất chủ động, không thành công trong việc ngăn chặn làn sóng đấu tranh giải phóng dân tộc tại Đông Dương. Mỹ và các đồng minh đã nhận thất bại trong chiến tranh Việt Nam và buộc phải rút quân về nước.
Sau 70 năm, Điện Biên Phủ vẫn là dấu son chói lọi của cách mạng Việt Nam, đồng thời là bài học đối với các thế lực đế quốc hiếu chiến. Thế kỷ XXI, Việt Nam đang trở thành điểm đến của hội nhập quốc tế, là quốc gia tích cực và có uy tín tại Tây Thái Bình Dương. Việt Nam đã thiết lập và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ và các nước từng là đồng minh của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, với tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới.
TS. Trịnh Thị Hoa, ThS. Lưu Thị Mai Anh
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Xem: Hoạt động quân sự của đồng minh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, https://ukh.edu.vn/vi-vn/tong-quan/Khoa/khoa-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van/chi-tiet-khoa-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van/id/3584/ [truy cập 24-02-2022].
[2] Xem: Hoạt động quân sự của đồng minh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, Sđd.
[3] Xem: Hoạt động quân sự của đồng minh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, Sđd.
[4] Xem: Hoạt động quân sự của đồng minh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, Sđd.
[5] Xem: Hoạt động quân sự của đồng minh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, Sđd.
[6] Xem Nguyễn Ngọc Dung: Quan hệ Mỹ - Thái giai đoạn chiến tranh Lạnh, Tạp chí Tạp chí khoa học Việt Nam trực tuyến, http://vjol.info.vn, tr.36.
[7] Xem Nguyễn Ngọc Dung: Quan hệ Mỹ - Thái giai đoạn chiến tranh Lạnh, Sđd, tr.36-37.
[8] Xem Nguyễn Ngọc Dung: Quan hệ Mỹ - Thái giai đoạn chiến tranh Lạnh, Sđd, tr.38.
[9] Xem: Hoạt động quân sự của đồng minh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, https://ukh.edu.vn/vi-vn/tong-quan/Khoa/khoa-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van/chi-tiet-khoa-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van/id/3584/.
[10] Xem: Lý Tường Vân, Một lịch sử quan hệ quốc tế mới ở Đông Nam Á trong những thập niên 1950, 1960: tác động từ cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam (1946-1954), https://his.ussh.vnu.edu.vn, ngày 11-8-2023.
[11] Xem Nguyễn Ngọc Dung, Quan hệ Mỹ - Thái giai đoạn chiến tranh Lạnh, Sđd, tr.36.