Cuộc bỏ phiếu Brexit năm 2016 là điều được mong chờ ở Moskva. Vladimir Putin tin rằng việc Anh rời EU sẽ làm suy yếu liên minh phương Tây. Nhưng bây giờ có vẻ như tổng thống Nga đã nhầm.
Không những không làm suy yếu phương Tây, Brexit cuối cùng có thể giúp củng cố liên minh ấy. Khi Anh không còn là thành viên, EU một lần nữa tiến tới hình thành một liên minh ngày một chặt chẽ hơn. Và một EU mạnh hơn sẽ là đối tác hiệu quả hơn cho một nước Mỹ thời hậu Donald Trump.
Về lâu dài, mối quan hệ giữa EU và Vương quốc Anh có thể ổn định thành một mối quan hệ tương tự như mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Canada. Người Canada/Anh không muốn hợp nhất cùng Hoa Kỳ/EU. Họ chấp nhận rằng sự bất cân xứng về quyền lực với một láng giềng lớn hơn nhiều lần là hậu quả (chấp nhận được) của mong muốn duy trì độc lập chính trị của họ. Nhưng cả hai bên trong các mối quan hệ chênh lệch này vẫn có thể được hưởng lợi từ sự hội nhập kinh tế sâu rộng và hợp tác chiến lược dựa trên lợi ích vàgiá trị chung cũng như yếu tố địa lý.
Để hiểu mọi thứ có thể phát triển như thế nào, chúng ta cần hiểu được tầm quan trọng của cuộc họp Hội đồng Châu Âu gần đây nhất vào tháng Bảy. Sau một trong những hội nghị thượng đỉnh dài nhất từ trước đến nay, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý cùng nhau vay tiền trên thị trường tài chính.
Ban đầu, hàng trăm tỷ euro huy động được sẽ được sử dụng để giảm thiểu tác động của coronavirus. Nhưng EU nhận ra rằng họ có thể vay một khoản tiền lớn từ các thị trường với mức lãi suất rất thấp. Trong tương lai, hỏa lực tài chính này có thể giúp tài trợ cho các dự án mới đầy tham vọng, như phòng thủ tập thể. Phát triển một thị trường lớn cho trái phiếu của EU sẽ đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư đối với tài sản an toàn mới và mở rộng vai trò quốc tế của đồng euro, củng cố sức mạnh chính trị của EU.
Bước tiến lịch sử này trong mục tiêu lâu nay của EU là tiến tới một liên minh chặt chẽ hơn sẽ không thể xảy ra nếu Anh vẫn còn là thành viên của khối. “Bộ Tứ tiết kiệm” của EU gồm Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch đã chiến đấu hết mình để chống lại thỏa thuận này. Nếu Anh vẫn còn tham gia khối, họ có thể đã dựa vào quyền phủ quyết của Anh. Nhưng, tại EU thời hậu Brexit, sự phối hợp giữa Pháp và Đức một lần nữa khó có thể bị chống lại. Do đó, việc phát hành trái phiếu chung có thể là bước đầu tiên trong một loạt các bước tiến hướng tới một liên minh chính trị gần gũi hơn. Việc thiết lập các loại thuế chung để chi trả các khoản nợ mới rõ ràng là bước tiến tiếp theo.
Theo dõi tiến triển này buộc tôi phải thừa nhận rằng hai nhóm mà tôi thường chỉ trích – những người ủng hộ tư tưởng liên bang của châu Âu và những người ủng hộ Brexit – cả hai đều có lý của họ. Những người ủng hộ liên bang đã đúng khi nói rằng Anh ngăn cản tiến trình của dự án liên bang châu Âu. Còn những người ủng hộ Brexit đã đúng khi cho rằng Anh khó có thể thoải mái trong một EU hội nhập sâu rộng hơn đang hìnhthành.
Tất nhiên, mọi thứ vẫn có thể chệch hướng. Tiến triển này có thể bị chặn lại bởi các nghị viện quốc giathành viên. Cũng có thể có một cuộc khủng hoảng kinh tế mới ở nam Âu. Nhưng dường như nhiều khả năng sau 20 năm gián đoạn, dự án châu Âu đang lấy lại động lực của mình.
Vào thời điểm Mỹ đang ngày càng tập trung vào sự cạnh tranh với Trung Quốc, một chính quyền Mỹ thông minh sẽ nhận ra lợi ích từ một EU được củng cố. Tổng thống Trump, người coi EU là đối thủ nguy hiểm, sẽ không nhìn nhận mọi thứ theo cách đó. Nhưng nếu Joe Biden trở thành tổng thống, chính quyền của ông sẽ nhấn mạnh việc xây dựng lại các liên minh của Mỹ. Phe Biden biết rằng Hoa Kỳ không còn có thể tự mình chống đỡ trật tự thế giới. Một liên minh phương Tây cân bằng hơn, với EU đóng vai trò trụ cột thứ hai được củng cố, trông giống như một lựa chọn thay thế hấp dẫn hơn so với việc Mỹ là “siêu cường duy nhất” – đặc biệt nếu người châu Âu sử dụng một số nguồn lực tài chính mới của họ để xây dựng khả năng phòng thủ, đáp ứng mối quan ngại lâu nay của Hoa Kỳ về chia sẻ gánh nặng.
Một thế hệ trước, Mỹ có thể đã lo sợ với lý do rằng một EU hội nhập hơn sẽ coi Washington như là đối thủ toàn cầu chủ yếu của mình. Nhưng kiểu suy nghĩ châu Âu đó thuộc về một thời đã qua khi còn tồn tại thế đơn cực của Mỹ. Nhìn vào thế giới ngày nay, các nhà hoạch định chính sách EU ngày càng hiểu rằng các mối đe dọa lâu dài đối với lợi ích tập thể của Châu Âu là Trung Quốc, Nga và sự bất ổn ở Trung Đông và Châu Phi. Một tổng thống Hoa Kỳ đáng tin cậy, điều có thể đến sau vài tháng nữa, sẽ là một đối tác không thể thiếu trong việc giải quyết những thách thức đó.
Vậy Anh nằm ở đâu trong tất cả những viễn cảnh này? Điều đó cũng đang trở nên rõ ràng hơn. Phần khó nhất của các cuộc đàm phán hậu Brexit vẫn còn ở phía trước. Một kết cục không có thoả thuận là điều vẫn có thể xảy ra. Ngay cả khi có một thỏa thuận thì những tranh chấp kéo dài về các vấn đề như quyền đánhcá và tài chính vẫn có thể tiếp tục.
Nhưng mối quan hệ Anh – EU mới cuối cùng cũng sẽ ổn định. Ngay cả những người ủng hộ Brexit ít nhất cũng sẽ hiểu rằng EU thực tế không phải là mối đe dọa lớn đối với lợi ích và các quyền tự do của Anh. Ngược lại, Đức, Pháp và các nền dân chủ châu Âu khác là những đối tác không thể thiếu trong việc đối phó với các mối đe dọa ngoài châu Âu – đặc biệt là các cường quốc độc đoán và các quốc gia bất ổn.
Về phần mình, một EU mạnh mẽ và tự tin hơn không cần phải lo sợ rằng Brexit là bước đầu tiên hướng tới sự sụp đổ của dự án châu Âu. Do đó, EU có thể trở nên ít co cụm hơn và sáng tạo hơn trong việc xây dựng mối quan hệ mới với Anh.
Về lâu dài, Anh nên hướng tới thiết lập một mối quan hệ đặc biệt mới với EU để bổ sung cho mối quan hệ đặc biệt hiện tại của họ với Washington. Hai mối quan hệ đối tác quan trọng này sẽ đặt Vương quốc Anh trở lại vị trí trung tâm của một liên minh phương Tây được hồi sinh.
Nguồn: nghiencuuquocte.org