Tầm nhìn Ấn Độ 2047 - "Viksit Bharat @2047" - đặt mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành quốc gia phát triển vào năm 2047 đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày Độc lập. Tầm nhìn này bao gồm các trụ cột: tăng trưởng kinh tế, quản trị tốt, tiến bộ xã hội và bền vững môi trường. Về mặt kinh tế, tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu Vibrant Gujarat (Vibrant Gujarat Global Summit) vào tháng 1 năm 2024, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman khẳng định rằng, nền kinh tế Ấn Độ dự kiến đạt mốc 5 nghìn tỷ USD vào năm 2028 và tiếp tục tăng lên mốc 30 nghìn tỷ USD vào năm 20471. Mặc dù đây là một tham vọng lớn, nhưng dựa trên sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Ấn Độ trong thập kỷ qua, việc đạt được những mục tiêu này là khả thi. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự tập trung vào nhiều lĩnh vực, trong đó xuất khẩu là một nhân tố quan trọng.
Thương mại: Nền tảng của tăng trưởng kinh tế
Thương mại quốc tế tiếp tục là động lực cốt lõi của sự phát triển kinh tế trong lịch sử và hiện đại. Vào thế kỷ 18, Đế quốc Anh đã tận dụng thương mại quốc tế để dẫn đầu cuộc Cách mạng Công nghiệp, trong khi vào nửa cuối thế kỷ 20, các nền kinh tế châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nổi lên nhờ thúc đẩy thương mại. Ấn Độ cũng đã có những bước tiến đáng kể trong thập kỷ qua, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 6,4% và tỷ lệ xuất khẩu trên GDP tăng từ 13,7% lên 23,5%. Tuy nhiên, tỷ trọng của Ấn Độ trong thương mại toàn cầu vẫn thấp, chỉ chiếm 1,8% tổng kim ngạch hàng hóa và 4% xuất khẩu dịch vụ vào năm 2022. Để đạt được tốc độ tăng trưởng mong muốn, Ấn Độ cần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên 12% cho hàng hóa và 18% cho dịch vụ. Chính phủ đã đưa ra các biện pháp như Chính sách Hậu cần quốc gia nhằm cắt giảm chi phí logistics, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong nước3.
Tổng giá trị xuất khẩu của Ấn Độ theo năm tài chính 2022-2023 đạt khoảng 766 tỷ USD4, nhưng để đạt mục tiêu phát triển kinh tế như kế hoạch, con số này phải tăng gấp nhiều lần. Dự báo của Niti Aayog cho rằng, xuất khẩu cần đạt 1,6 nghìn tỷ USD vào năm 2030, 4,1 nghìn tỷ USD vào năm 2040 và 8,7 nghìn tỷ USD vào năm 20472. Điều này có nghĩa là kim ngạch xuất khẩu phải tăng gấp đôi mỗi sáu năm và liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong các thập kỷ tiếp theo. Nhập khẩu cũng cần tăng tương ứng, đạt 1,9 nghìn tỷ USD vào năm 2030, 5,9 nghìn tỷ USD vào năm 2040 và 12,1 nghìn tỷ USD vào năm 2047. Do phần lớn hoạt động thương mại được vận chuyển qua đường biển, các tuyến hàng hải và hạ tầng cảng trở nên vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và an ninh của Ấn Độ.
Bên cạnh đó, sản xuất quy mô lớn và cải thiện môi trường kinh doanh là những yếu tố then chốt. Các sáng kiến như "Make in India", "Start-up India", và Chương trình Khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) đã đóng góp vào việc củng cố hạ tầng sản xuất và đổi mới sáng tạo. Thứ hạng về môi trường kinh doanh của Ấn Độ cũng đã tăng từ vị trí 142 năm 2014 lên 63 vào năm 20235. Tuy nhiên, để cạnh tranh toàn cầu, Ấn Độ cần lọt vào top 20 trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh, và điều này yêu cầu những cải cách sâu rộng hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế quan và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (MSME).
Hàng hải: Yếu tố cốt lõi của tăng trưởng thương mại
Ngành hàng hải Ấn Độ, bao gồm cảng biển, vận tải biển, đóng tàu và hệ thống giao thông nội địa, là một thành phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế. Đội tàu thương mại của Ấn Độ hiện chỉ chiếm 1,3% tổng trọng tải hàng hải toàn cầu6, với khả năng vận chuyển chỉ đáp ứng 9,7% thương mại EXIM của quốc gia và 59% hàng hóa ven biển. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc lớn vào các hãng vận tải nước ngoài, khiến Ấn Độ mất khoảng 60 tỷ USD phí vận chuyển và bảo hiểm mỗi năm. Do đó, việc phát triển đội tàu nội địa mạnh mẽ và mở rộng ngành công nghiệp đóng tàu trong nước là điều thiết yếu7.
Ngoài ra, an ninh hàng hải cũng là một thách thức lớn. Sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương đã đặt ra mối lo ngại về an ninh cho Ấn Độ. Do đó, Ấn Độ cần phải tăng cường sức mạnh hải quân với sự phát triển các tàu ngầm, tàu khu trục và tàu sân bay tự đóng. Hải quân Ấn Độ hiện có tàu sân bay INS Vikrant tự đóng, nhưng một tàu sân bay thứ ba có thể cần thiết để đảm bảo duy trì khả năng hoạt động liên tục ở cả Tây và Đông Ấn Độ Dương.
Sự phát triển của Ấn Độ như một cường quốc kinh tế và quân sự sẽ không thể tách rời khỏi sức mạnh hải quân với việc tăng cường năng lực đóng tàu và xuất khẩu trang thiết bị quốc phòng sang các quốc gia thân thiện.
Kết luận
Tầm nhìn Viksit Bharat @2047 đại diện cho một kế hoạch chiến lược dài hạn, không chỉ hướng tới tăng trưởng kinh tế mà còn đảm bảo tiến bộ xã hội, quản trị tốt và bền vững môi trường. Để đạt được những mục tiêu này, Ấn Độ cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực trọng yếu như thương mại, sản xuất và xuất khẩu, với sự hỗ trợ của các chính sách kinh tế thông minh và cải cách toàn diện. Đặc biệt, việc tăng cường năng lực xuất khẩu và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế sẽ là nền tảng quan trọng giúp Ấn Độ đạt tới ngưỡng nền kinh tế 30 nghìn tỷ USD vào năm 2047.
Hơn nữa, ngành hàng hải và sự phát triển đội tàu quốc gia đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ thương mại và bảo đảm an ninh hàng hải, đặc biệt trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương đang trở thành tâm điểm cạnh tranh quyền lực. Việc đầu tư vào hạ tầng hàng hải và hải quân không chỉ giúp tăng cường tiềm lực quốc phòng mà còn góp phần khẳng định vai trò của Ấn Độ trên trường quốc tế như một cường quốc kinh tế và quân sự.
Tóm lại, với những bước đi chiến lược, Ấn Độ đang trên hành trình vươn lên mạnh mẽ, nhưng để biến tầm nhìn Viksit Bharat @2047 thành hiện thực, quốc gia này cần tiếp tục thực hiện các cải cách toàn diện, nâng cao năng lực xuất khẩu và củng cố sức mạnh hàng hải nhằm đáp ứng những thách thức toàn cầu ngày càng phức tạp.
TS Đỗ Khương Mạnh Linh
Chú thích