Donald Tusk, cựu chủ tịch Hội đồng châu Âu, giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Ba Lan và trở lại với cương vị Thủ tướng trong bối cảnh tình hình chính trị đất nước đã khác xa giai đoạn ông nắm quyền năm 2007-2014.
Trong 8 năm qua, những thiết chế dân chủ và pháp luật tại Ba Lan đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và tư tưởng bảo thủ khi đảng Luật pháp và Công lý (PiS) nắm quyền bằng chính sách dân túy. Đây cũng là chiến thuật mà các đảng dân túy đã tận dụng để trỗi dậy mạnh mẽ trong các cuộc bầu cử ở châu Âu nhiều năm qua, theo giới quan sát.
Năm 2022, đảng cực hữu Huynh đệ Italy lần đầu tiên trong lịch sử trở thành phe đa số tại quốc hội với 26% phiếu bầu. Hai đảng cánh hữu là Liên minh Quốc gia và Người Phần Lan Chân chính, đều mang màu sắc dân túy, đã giành chiến thắng trong tổng tuyển cử Phần Lan vào tháng 4. Đảng Vì Tự do giành chiến thắng trong bầu cử quốc hội Hà Lan vào tháng 11 bằng các thông điệp phản đối nhập cư.
Những đảng này đều có điểm chung là xoáy vào tâm lý bất bình của người dân, kích động tư tưởng cử tri "bình dân" cần bước vào cuộc chiến với "giới tinh hoa" rồi vươn lên nắm chính quyền. Các đảng dân túy sau đó đẩy mạnh loạt chính sách bài xích nhập cư và chủ nghĩa đa phương, tăng kiểm soát truyền thông và tư pháp để củng cố quyền lực lâu dài, hạn chế các quyền tự do cá nhân như luật chống phá thai hay hôn nhân đồng giới.
Chiến thuật và chính sách này đều được đảng PiS áp dụng để duy trì quyền lực tại Ba Lan, quốc gia lớn thứ năm trong EU, suốt 8 năm qua. Những cuộc cải cách của PiS đã tăng ảnh hưởng của đảng trong hệ thống tòa án, truyền thông, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức văn hóa, giáo dục.
Giới chuyên gia nhận định chiến thắng của Donald Tusk có thể sẽ tạo ra "công thức" mới về đối phó phong trào dân túy, mang lại làn gió mới cho chính trường châu Âu.
"Ông ấy được xem là niềm hy vọng cho châu Âu khi chứng minh phe dân túy có thể bị đánh bại. Với bối cảnh chính trị hiện tại, đó là thông điệp rất ý nghĩa. Đây là điểm sáng hiếm hoi cho các nước châu Âu trong vài năm qua", Piotr Buras, lãnh đạo văn phòng Warsaw của Hội đồng Đối ngoại châu Âu, tổ chức tư vấn chính sách có trụ sở chính ở Bỉ, nhận định.
Ông Tusk đã cam kết đảo ngược chính sách chống phá thai do PiS thúc đẩy, vốn mang đậm tính tôn giáo và đi ngược lại hệ giá trị của EU về quyền tự do cá nhân. Ông cũng đặt mục tiêu đảo ngược các chính sách xâm phạm quyền lợi của phụ nữ, ủng hộ quy định mới về hôn nhân đồng giới.
Ủy ban châu Âu (EC) hôm 15/12 thông báo sẽ giải ngân 5,4 tỷ USD viện trợ cho Ba Lan, một phần nhỏ trong khoảng 65 tỷ USD viện trợ bị đóng băng những năm qua vì rạn nứt quan hệ Brussels - Warsaw giữa các tranh cãi về cải cách tư pháp. Ông Tusk nói số tiền này sẽ giúp Ba Lan hồi phục sau khủng hoảng năng lượng và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu từ Nga.
Đây là thắng lợi đầu tiên của ông Tusk trong nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa Ba Lan với EU, vốn đã xói mòn trầm trọng vì các chính sách của PiS đi ngược lại giá trị của khối. Ông không chỉ đặt mục tiêu giải phóng hơn 65 tỷ USD viện trợ bị đóng băng cho Ba Lan, mà còn đẩy Warsaw trở lại vị thế một trong những nền chính trị dẫn dắt châu Âu như nhiệm kỳ trước đó của mình.
"Ba Lan của Donald Tusk chắc chắc sẽ trở về trung tâm sân khấu chính trị châu Âu, chứ không còn là tác nhân gây rắc rối", Roman Kuzniar, chuyên gia về chiến lược và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Warsaw, cựu cố vấn tổng thống Ba Lan, nhận định.
Tuy nhiên, theo Jacek Kucharczyk, chủ tịch Viện Chính sách Công tại Warsaw, dư luận Ba Lan vẫn tỏ ra thận trọng trước những cam kết thay đổi của tân Thủ tướng. Ảnh hưởng của PiS trong gần một thập niên qua đã "ăn sâu bám rễ" vào đời sống chính trị và xã hội nước này, khiến ít người tin rằng ông Tusk có đủ ảnh hưởng và quyền lực để tạo ra thay đổi mạnh mẽ.
Jaroslaw Gwizdak, cựu thẩm phán Ba Lan từng từ chức để phản đối chương trình cải cách tư pháp của PiS, cho rằng đảng cánh hữu trong nhiều năm qua đã tập trung xây dựng "một đội quân ủng hộ nhiệt thành" trong hệ thống tòa án và cơ quan công tố.
Hệ thống tư pháp sẽ được PiS tận dụng làm thành trì bảo vệ các di sản chính sách và luật pháp mà họ để lại trong 8 năm cầm quyền. Mặt khác, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Tusk sẽ khó dùng đến công cụ cải cách hiến pháp, khi PiS vẫn là nhóm lớn trong quốc hội, dù không đủ đa số để thành lập nội các.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, có lập trường thân thiện với PiS, cũng có thể trở thành thách thức lớn đối với Thủ tướng Tusk. Ông Duda sẽ tái tranh cử tổng thống vào năm 2025 và cần tranh thủ sự hậu thuẫn của PiS. Những nỗ lực cải cách từ liên minh cầm quyền do ông Tusk dẫn đầu vì vậy có thể bị Tổng thống Duda gây khó dễ bằng quyền phủ quyết của mình, theo Kucharczyk.
Liên minh cầm quyền của ông Tusk còn phải chịu áp lực không nhỏ từ giới truyền thông mang nặng ảnh hưởng của PiS.
Một số đơn vị truyền thông nhà nước Ba Lan, trong đó có đài TVP, những năm qua đã trở thành kênh truyền thông của PiS, khi liên tục ca ngợi thành tựu của đảng cánh hữu và ít đề cập đến các vấn đề gây tranh cãi. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cơ quan châu Âu giám sát cuộc tổng tuyển cử tháng 10, đánh giá TVP đã "đưa tin đậm màu sắc đảng phái và sai sự thật" theo hướng thiên vị PiS.
Giới chuyên gia đánh giá việc thay đổi chủ nghĩa dân tộc và tư tưởng bảo thủ đã thấm sâu vào lĩnh vực truyền thông Ba Lan sẽ là thách thức không nhỏ với Thủ tướng Tusk, dù ông từng cam kết sẽ thành công "chỉ 24 tiếng" sau khi nắm quyền.
PiS đã củng cố ảnh hưởng của họ thông qua Hội đồng Truyền thông Quốc gia, tổ chức do đảng thành lập và bố trí nhân sự chủ chốt, để giám sát lĩnh vực thông tin tại nước này.
"PiS đã nắm giữ nhiều vị trí then chốt trong hệ thống chính trị Ba Lan", Buras nhận định, lưu ý rằng phần lớn cải cách của đảng đã được luật hóa và bảo vệ bằng phán quyết của tòa án. "Bài toán đặt ra là làm sao Thủ tướng Tusk có thể khôi phục được hệ thống pháp quyền ở Ba Lan, mà không cần dùng đến những thủ thuật đi ngược lại nguyên tắc pháp quyền như chính quyền tiền nhiệm".
Nguồn: vnexpress.net