"Hôm nay, Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho Latvia vi phạm điều khoản mua bán", Gazprom thông báo trên ứng dụng nhắn tin Telegram cách đây ít giờ.
Động thái này diễn ra một ngày sau khi công ty năng lượng Latvijas Gaze của Latvia cho biết họ vẫn mua khí đốt của Nga nhưng không phải từ Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom mà từ một nhà cung cấp khác và thanh toán bằng đồng euro.
Hồi tháng 5, Ủy ban Tài chính và Thị trường vốn (FCMC) của Latvia từ chối cấp giấy phép cho Latvijas Gaze để thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp.
Cũng như các nước Baltic khác là Estonia và Lithuania, Latvia ngừng nhập khẩu khí đốt Nga từ tháng 6 trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Moskva.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ El Pais hồi tháng 7, Thủ tướng Latvia Arturs Krisjanis Karins khẳng định nước này sẽ không tiếp tục nhập khẩu khí đốt Nga bất chấp mọi khó khăn.
Thống kê của công ty dữ liệu Đức Statista cho thấy vào năm 2020, 94% lượng khí đốt nhập khẩu của Latvia đến từ Nga, trong khi Estonia là 79% và Litva là 41%.
Từ giữa tháng 7, Quốc hội Latvia thông qua các sửa đổi đối với luật năng lượng của nước này, trong đó cấm nhập khẩu khí đốt Nga từ ngày 1/1/2023.
Hồi cuối tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ thị cho chính phủ thực hiện các bước cần thiết để chuyển tất cả các khoản thanh toán cho việc mua bán khí đốt liên quan đến các quốc gia “không thân thiện” sang tiền tệ của Nga từ ngày 1/4.
Theo điện Kremlin, sự thay đổi này nhằm đáp trả các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Nga, với ý định gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này, bao gồm hầu hết các nước thành viên EU.
Tính tới thời điểm hiện tại, 12 quốc gia thành viên của EU bị cắt toàn bộ hoặc một phần khí đốt từ Nga.
Hôm 26/7, Gazprom thông báo nguồn cung cấp khí đốt của Nga thông qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 - tuyến đường chính xuất khẩu khí đốt sang châu Âu - sẽ giảm xuống còn 20% công suất đường ống tối đa kể từ ngày 27/7.
Động thái này giáng thêm một đòn nữa vào nỗi sợ hãi của châu Âu về một mùa đông lạnh giá.
Đức và nhiều quốc gia châu Âu chỉ trích Nga “dùng khí đốt như một thứ vũ khí” để trả đũa lệnh trừng phạt từ châu Âu liên quan đến tình hình Ukraine. Tuy nhiên, Moskva bác bỏ những cáo buộc này khi nhắc lại một hành trình lịch sử dài cung cấp khí đốt cho "lục địa già".
Nguồn: vtc.vn