Ngày 20/2, nội các Thái Lan đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội sau 4 ngày dài thảo luận sôi nổi.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nhận được 272 phiếu ủng hộ, 206 phiếu chống và 3 phiếu trắng. Cùng lúc đó, tất cả quan chức cấp cao trong nội các của ông cũng “bình an vô sự”.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu sít sao, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tuyên bố: “Với tôi, cuộc bỏ phiếu này là minh chứng rõ nét về quyết định của quốc hội. Các Bộ trưởng vượt qua vòng bỏ phiếu này với nhiều hay ít phiếu hơn, điều đó không quan trọng. Thông qua là thông qua".
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng sóng gió đã ngơi với chính quyền của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha.
Thứ nhất, nội bộ liên minh cầm quyền được cho là đã có rạn nứt. Sáu thành viên đảng Palang Pracharath (PPRP) đã bỏ phiếu trắng với Bộ trưởng Bộ Giao thông Saksayam Chidchob, Tổng Thư ký đảng Bhumjaithai, khiến ông trở thành người có đa số tín nhiệm thấp nhất trong số các quan chức nội các, với 258 phiếu tín nhiệm, 201 phiếu chống và 12 phiếu trắng.
May mắn đã mỉm cười, song ông Chidchob hẳn khó có thể vui khi có tới 6 thành viên trong liên minh cầm quyền bỏ phiếu trắng cho ông.
Nghị sỹ Wathanya Wong-opasee, một trong những nghị sỹ PPRP bỏ phiếu trắng cho ông Chidchob, đã lên tiếng xin lỗi Phó Thủ tướng, Chủ tịch đảng PPRP Prawit Wongsuwon về “hành vi xấu hổ” từ đảng Bhumjaithai, song khẳng định nghị sỹ quốc hội có quyền tự do biểu đạt trong một hệ thống dân chủ.
PPRP có thể trừng phạt những “kẻ nổi loạn”, song mức độ ra sao để tránh ảnh hưởng đến liên minh cầm quyền với Bhumjaithai sẽ là chuyện đáng bàn.
Thứ hai, kết quả của cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đã được phe đối lập dự đoán từ trước. Điều họ muốn là sử dụng 4 ngày thảo luận tại quốc hội để phơi bày điểm yếu của liên minh cầm quyền, đồng thời công khai gây áp lực với chính phủ.
Người đứng đầu đảng Tiến lên, Pita Limjaroenrat, khẳng định: “Chúng tôi đã mở miệng vết thương và bây giờ sẽ xát muối vào nó”. Đó là lý do các cuộc biểu tình không dừng lại, thậm chí sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.
Kết quả của cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đã được phe đối lập dự đoán từ trước. Điều họ muốn là sử dụng 4 ngày thảo luận tại quốc hội để phơi bày điểm yếu của liên minh cầm quyền, đồng thời công khai gây áp lực với chính phủ.
Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan cần thận trọng hơn trong tháo gỡ tình trạng này, khi nước láng giềng là Myanmar đang ở trong tình trạng bất ổn chính trị nghiêm trọng.
Biện pháp mạnh tay có thể để lại hệ quả khôn lường, khiến căng thẳng leo thang ngoài tầm kiểm soát, trong khi đối thoại đã không thể ngăn biểu tình liên tục bùng phát từ năm ngoái tới nay.
Đó là chưa kể tới việc các hoạt động biểu tình tại Myanmar có thể truyền cảm hứng, khiến các hoạt động biểu tình tương tự ở Thái Lan bùng phát mạnh mẽ hơn. Ngày 21/1, giới chức Thái Lan cho biết, cảnh sát biên giới đã được lệnh theo dõi chặt chẽ tình hình các thị trấn đường biên sau các cuộc biểu tình tại Myanmar.
Thứ ba, đó là bài toán về Covid-19. Trong ngày 22/2, Thái Lan ghi nhận thêm 89 ca mắc mới Covid-19, đưa tổng số ca bệnh lên hơn 25.000 người với 83 người tử vong. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Thái Lan ghi nhận dưới 100 ca mắc mới/ngày.
Song bất chấp dấu hiệu tích cực này, ngày 22/2, trung tâm xử lý tình hình Covid-19 do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đứng đầu vẫn thận trọng khi gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp đến cuối tháng 3.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cũng đề nghị trở thành người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 của Sinovac (Trung Quốc) để khích lệ công chúng, đồng thời củng cố hình ảnh sau sóng gió gần đây.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình có thể làm khiến tình trạng lây lan Covid-19 trong cộng đồng nghiêm trọng trở lại.
Sóng gió vì thế chưa khép lại với chính quyền của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha.
Theo Báo Quốc tế