Công viên Khoa học Hong Kong tuần này mở thêm một chi nhánh ở Thâm Quyến, bước quan trọng trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm biến các thành phố lân cận thành cỗ máy đổi mới sáng tạo toàn quốc vào năm 2035.
Thị trưởng Thâm Quyến Qin Weizhong cho biết chính quyền thành phố sẽ khởi động 40 dự án khác trong khu vực mới mang tên Khu hợp tác Khoa kỹ Hetao trong một ngày.
"Chúng tôi mong muốn thiết lập cụm phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phát triển, cùng một số dự án hợp tác có thể bổ trợ cho Công viên Khoa học Hong Kong", ông nói, thêm rằng kế hoạch nhằm "đưa khu hợp tác Hetao lên tầm cao mới".
Nơi mà ông Qin đề cập là Khu hợp tác đổi mới khoa học và công nghệ Hong Kong - Thâm Quyến Hetao. Khu vực đã có trung tâm điện toán lượng tử, trao đổi dữ liệu và viện nghiên cứu dành cho khối BRICS.
BRICS là khối các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Nam Phi hồi cuối tháng 8, các lãnh đạo khối nhất trí kết nạp 6 thành viên mới từ năm sau gồm Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Arab Saudi và UAE.
Hai phần của khu Hetao được ngăn cách bởi dòng sông Thâm Quyến, với phần bên Hong Kong rộng hơn 87 hecta và phần Thâm Quyến rộng 302 hecta. Năm đại học Hong Kong đã sẵn sàng thành lập 10 trung tâm đổi mới ở phần phía bắc khu Hetao.
Quốc vụ viện Trung Quốc tuần trước công bố loạt biện pháp nhằm tạo ra các cụm nghiên cứu hàng đầu của khu vực Hong Kong - Thâm Quyến vào năm 2035. Bắc Kinh cũng hy vọng cơ chế hợp tác giữa 2 thành phố có thể được thiết lập vào năm 2025 để thu hút nhân tài trong lĩnh vực nghiên cứu.
Song những khác biệt về luật pháp, quy định và nhập cư giữa đặc khu Hong Kong và Thâm Quyến đang cản trở dòng chảy nhân lực tới trung tâm đổi mới sáng tạo này. Ngày 5/9, ông Qin và Sun Yuning, phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, cam kết rằng việc nhập cảnh và thông quan tại khu Hetao sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy nhân lực, vốn, phương tiện, thiết bị và dữ liệu giữa Thâm Quyến và Hong Kong trong khu vực.
Họ nói sẽ thiết lập kênh dữ liệu đặc biệt cho các nhà nghiên cứu ở Thâm Quyến truy cập trang web nghiên cứu nước ngoài phục vụ cho công việc.
Tổng thư ký Hành chính Hong Kong Eric Chan Kwok-ki, quan chức cấp cao thứ hai của thành phố, nói rằng trung tâm tài chính này sẽ hợp tác với Thâm Quyến để biến Hetao thành một trung tâm đổi mới công nghệ đẳng cấp thế giới.
Chủ tịch Hiệp hội Dữ liệu lớn Trung Quốc Witman Hung Wai-man ca ngợi sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với tham vọng phát triển khu Hetao. Ông cũng cho biết chi nhánh mới của Công viên Khoa học Hong Kong có thể tạo điều kiện tăng cường hợp tác giữa hai thành phố.
"Chúng tôi không coi đây là cuộc cạnh tranh về phát triển đổi mới giữa hai khu vực", ông Hung nói. "Thay vào đó, hai bên có thể bổ trợ cho nhau thông qua hợp tác, trao đổi nhân tài và nguồn vốn".
Giáo sư Lau Siu-kai, nhà tư vấn tại Hiệp hội Nghiên cứu Hong Kong và Macau, cho biết sự phát triển này cho thấy Bắc Kinh rất chú trọng tới hợp tác khoa học công nghệ giữa Hong Kong và Thâm Quyến.
"Chính phủ đang đảm nhận vai trò lãnh đạo trực tiếp, thúc đẩy, lập kế hoạch, điều phối và biến quan hệ hợp tác này thành chiến lược quốc gia hàng đầu", ông nói.
Bắc Kinh ban đầu đề xuất ý tưởng về khu Hetao vào năm 2017, thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình tới dự lễ ký kết khuôn khổ Khu vực Vịnh Lớn và kêu gọi Hong Kong và Thâm Quyến cùng xây dựng khu phát triển chung.
Khu vực Vịnh Lớn là kế hoạch của Bắc Kinh nhằm liên kết các thành phố Hong Kong, Macau, Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Phật Sơn, Trung Sơn, Đông Quản, Huệ Châu, Giang Môn và Triệu Khánh thành trung tâm kinh doanh và kinh tế quy mô lớn.
Tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến vào năm 2020, ông Tập nhấn mạnh yêu cầu xây dựng Khu hợp tác đổi mới khoa học và công nghệ Hong Kong - Thâm Quyến Hetao.
Dominic Lee, thành viên Hội đồng Lập pháp Hong Kong, khẳng định nếu tất cả các bên liên quan làm việc cùng nhau, "khu Hetao chắc chắn sẽ nổi lên như ngọn hải đăng của đổi mới và hợp tác toàn cầu".
Nguồn: vnexpress.net