Đại diện của Nigeria và Hàn Quốc là 2 ứng cử viên sáng giá cho vị trí Tổng Giám đốc WTO hiện đang bỏ trống |
“Chung kết" là 2 ứng cử viên nữ
Chiếc ghế Tổng Giám đốc WTO vẫn để trống kể từ ngày 31-8-2020 sau khi ông Roberto Azevedo từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ khoảng 1 năm. WTO hiện do 4 Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành. Trong diễn biến mới nhất, hôm 8-11, WTO đã bất ngờ hủy cuộc họp xúc tiến quy trình bầu bà Ngozi Okonjo-Iweala (cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria), làm Tổng Giám đốc kế nhiệm của cơ quan này. Nếu được bầu, bà Okonjo-Iweala sẽ là người phụ nữ đầu tiên và người mang quốc tịch châu Phi đầu tiên nắm giữ cương vị này.
Hiện có 2 ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí này là bà Ngozi Okonjo-Iweala của Nigeria và bà Yoo Myung-hee, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc. Chính quyền của Tổng thống Trump không ưa ứng cử viên Okonjo-Iweala mà nghiêng về ủng hộ bà Myung-hee, chuyên gia về đàm phán các thỏa thuận thương mại và sẵn sàng thách thức Bắc Kinh. Mặc dù bà Okonjo-Iweala nhận được sự ủng hộ của châu Âu, Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển, nhưng các nhà phê bình lo ngại về tính khách quan của bà do mối quan hệ kinh tế phức tạp của Nigeria với Trung Quốc. Bắc Kinh đã cho Nigeria vay tiền để xây dựng sân bay và các cơ sở hạ tầng khác, một số công trình đó có thể rơi vào tay Trung Quốc nếu Nigeria vỡ nợ.
Cuộc bầu cử này đang diễn ra vào thời điểm quan trọng. Uy tín của tổ chức đang bị đe dọa và gần như mọi quốc gia công nghiệp phát triển, ngoại trừ Trung Quốc, đang phải đối mặt với suy giảm kinh tế và đại dịch Covid-19. Việc lựa chọn một Tổng Giám đốc WTO có “cảm tình” với Trung Quốc, dù công bằng hay không, gần như chắc chắn sẽ kéo dài tình trạng tê liệt của cơ quan này và có thể dẫn đến việc phá vỡ hệ thống thương mại toàn cầu. Ngược lại, bầu một người thực sự cam kết cải cách và giải quyết các hoạt động phi thị trường của Trung Quốc, như bà Myung-hee, có thể là chìa khóa để mở ra động cơ kinh tế tập thể của thế giới.
Tương lai của “thương chiến” Mỹ - Trung Quốc
Cuộc bầu cử Tổng Giám đốc WTO có thể không thu hút được sự chú ý lớn của công chúng, nhưng các phán quyết của cơ quan này tác động đến những biến động lớn của nền kinh tế Mỹ. Trong cả 2 chiến dịch của mình, Tổng thống Trump đều phản đối “các thỏa thuận thương mại tai hại”, cho rằng việc Trung Quốc gia nhập WTO là một sai lầm, đe dọa hàng triệu việc làm của người Mỹ. Ông Trump cho rằng Trung Quốc phân biệt đối xử đối với các sản phẩm và nhà sản xuất nước ngoài, bao gồm cả việc ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên, trong khi chiến lược của Mỹ chủ yếu dựa vào thuế quan đơn phương, thì Bắc Kinh đã và đang xây dựng đối tác trên khắp thế giới. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã bộc lộ những lỗ hổng trong hệ thống quốc tế, và WTO không phải là ngoại lệ. Ngoài việc không thực hiện được một vòng đàm phán thuế quan đa quốc gia nào kể từ khi thành lập vào năm 1995, WTO còn nhầm lẫn để các thành viên tự tuyên bố là “đã phát triển” hoặc “đang phát triển”. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, đã tự tuyên bố mình là một quốc gia “đang phát triển”, cho phép nước này được hưởng diện ưu đãi dành cho các nền kinh tế mới nổi. Những tồn tại đó càng làm gia tăng vai trò “cầm cân nảy mực” của WTO.
Thời gian qua, các liên minh thương mại từ châu Phi đến châu Á đều đã chịu nhiều áp lực trong 3 năm “thương chiến” Mỹ - Trung, cũng như tâm lý bảo hộ ngày một tăng cao bởi đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh nước Mỹ đã chuyển giao quyền lực, chắc chắn tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiếp diễn. Quan điểm của Tổng thống đắc cử Joe Biden là khôi phục lại các thỏa thuận quốc tế, trái ngược với đường lối của ông Donald Trump. Giới chuyên gia cho rằng, lựa chọn khôn ngoan của chính quyền mới ở Mỹ là phải thúc đẩy vai trò lãnh đạo của nước này tại WTO, trong khi theo dõi sát sao những tham vọng lớn của Trung Quốc.
Nguồn: anninhthudo.vn