Ngoại giao thường được hiểu theo cách mỹ miều là “nghệ thuật biến cái không thể thành có thể".
Trong thực chất, ngoại giao là nghệ thuật xử lý các mối quan hệ phục vụ cho lợi ích. Lợi ích định hướng và chi phối ngoại giao. Theo định hướng và dưới sự chi phối ấy, ngoại giao thường bị tác động ở mức độ quyết định nhất bởi thực lực bao gồm sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, bởi môi trường chính trị an ninh, đối ngoại và kinh tế đối ngoại cũng như bởi truyền thống, bản sắc và trường phái ngoại giao riêng.
Dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19 do virus corona gây ra đã làm cho ngoại giao ở mọi nơi trên thế giới thay đổi và buộc phải thay đổi. Đột nhiên, môi trường chính trị an ninh, đối ngoại và kinh tế đối ngoại khác trước rất cơ bản. Đột nhiên, thế và lực của quốc gia biến động. Dịch bệnh gây ra cho các quốc gia và đối tác những vấn đề mới và thách thức mới mà các quốc gia và đối tác phải dành ưu tiên hàng đầu cho việc giải quyết chúng và vượt qua chúng. Thành tố khả biến trong lợi ích quốc gia vì thế phải được xác định lại, phải được xếp đặt thứ tự ưu tiên mới và từ đó đặt ra những sứ mệnh mới cho ngoại giao.
Nếu ví tất cả các nước, các vùng lãnh thổ và các đối tác trên thế giới là học sinh trong cùng một lớp học thì dịch bệnh này giống như một bài thi mà qua kết quả bài làm của học sinh có thể không chỉ phân loại được trình độ học vấn mà qua đó còn biết được cách học nào đã giúp cho hay khiến cho học sinh có thể đạt được trình độ học vấn ấy hay chỉ đạt được trình độ học vấn ấy.
Nói theo cách khác, uy tín và vị thế quốc tế của quốc gia và đối tác tăng hay giảm tuỳ thuộc vào quốc gia hay đối tác ấy đối phó đại dịch thành công hay thất bại, kiềm chế và kiểm soát được đại dịch nhanh chóng hay chậm trễ, trả giá đắt hay không đắt cho mức độ lây lan và hoành hành của dịch bệnh, chung sống với dịch bệnh và ra khỏi dịch bệnh như thế nào, đồng thuận và ổn định chính trị ra sao ở thời dịch bệnh.
Nói theo cách khác và đơn giản hoá, vị thế và uy tín quốc tế của quốc gia và đối tác ở thời dịch bệnh sẽ tăng hay giảm tuỳ thuộc vào mức độ tin tưởng và tín nhiệm của người dân ở đấy dành cho chính quyền ở đấy. Vì thế, dịch bệnh gây khó khăn và phức tạp như nhau cho ngoại giao ở mọi nơi trên thế giới nhưng không tạo ra thuận lợi và cơ hội như nhau.
Dịch bệnh làm thay đổi trước hết phương thức vận hành của ngoại giao. Nó làm thay đổi cơ bản mối tương quan về hàm lượng giữa ngoại giao trực tiếp và ngoại giao trực tuyến. Trực tiếp hay trực tuyến thì cũng đều chỉ là công cụ và phương cách ngoại giao. Chúng bổ sung cho nhau và hỗ trợ lẫn nhau nhưng không thể thay thế được hoàn toàn cho nhau. Ở thời còn vì dịch bệnh mà ngoại giao trực tiếp bị hạn chế hoặc bất khả thi thì ngoại giao trực tuyến không những chỉ thắng thế mà còn rất cần thiết. Nhưng ở thời sau dịch bệnh, ngoại giao trực tiếp sẽ nhanh chóng lấy lại vị thế và phong độ bẩm sinh của nó và ngoại giao trực tuyến đảm trách vai trò của cộng sự đắc lực và tin cậy.
Ở thời dịch bệnh hiện tại, ngoại giao phải phục vụ cho 3 mục tiêu chiến lược hàng đầu, cũng có thể coi là ba nội hàm cụ thể mới trong phần khả biến của lợi ích quốc gia.
Thứ nhất, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bệnh tiếp tục lây lan, đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh và không để dịch bệnh tái bùng phát theo bất cứ cách nào và dưới bất kỳ hình thức nào;
Thứ hai, khôi phục cũng mau lẹ và hoàn toàn như có thể được hoạt động kinh tế và đời sống của cả xã hội cũng như của người dân để giảm thiểu tối đa và nhanh chóng khắc phục những thiệt hại và tổn hại mà dịch bệnh đã gây ra;
Thứ ba, luôn giữ cái nhìn về thời sau dịch bệnh để chuẩn bị sẵn sàng đón bắt và tận dụng những cơ hội và tiền đề mới cho phát triển kinh tế xã hội. Nếu có thể được thì phải làm đồng thời cả ba việc ấy.
Vị thế và uy tín quốc tế của quốc gia và đối tác ở thời dịch bệnh sẽ tăng hay giảm tuỳ thuộc vào mức độ tin tưởng và tín nhiệm của người dân ở đấy dành cho chính quyền. (Tác phẩm Chung sức đồng lòng chống Covid-19 của họa sĩ Đỗ Như Điểm). |
Để thực thi được sứ mệnh mới ở thời dịch bệnh, ngoại giao phải chủ động và năng động, phải sáng tạo và cầu thị hơn trước đấy rất nhiều. Ngoại giao trực tuyến nghe qua thì đơn giản nhưng để được suôn xẻ về kỹ thuật, yên tâm về bảo mật và đặc biệt thật sự thiết thực trong hiệu quả thì không ít vấn đề mới đòi hỏi ngoại giao phải giải quyết, không ít yêu cầu mới đòi hỏi ngoại giao phải đáp ứng. Ngoại trừ một vài đối tác ra, chứ còn đối với đại đa số các đối tác khác trên thế giới, dịch bệnh này không làm thay đổi cơ bản cả bản chất, định hướng lẫn nội dung chính sách đối ngoại của họ. Bởi vậy, ngoại giao ở thời dịch bệnh tập trung đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề cụ thể.
Dịch bệnh chi phối và lấn át mọi chủ đề nội dung khác trên chương trình nghị sự của chính trị thế giới và quan hệ quốc tế nhưng không phải là còn lại duy nhất trên đó. |
Con người bộc lộ đầy đủ nhất và rõ nét nhất bản chất trong những tình huống đặc biệt. Bản chất và thực chất của các mối quan hệ song phương và đa phương giữa các quốc gia và đối tác cũng như thế. Ngoại giao ở thời dịch bệnh trước tiên phải xác định lại ưu tiên chung cũng như ưu tiên trên từng phương diện và trong từng mối quan hệ để định hình lại việc tổ chức triển khai thực hiện.
Thúc đẩy quan hệ với các đối tác bằng hỗ trợ lẫn nhau tuỳ theo khả năng để cùng nhau ứng phó và đầy lùi dịch bệnh, hợp tác và trợ giúp lẫn nhau trong việc bảo hộ công dân, tạo thuận lợi hơn trước để thúc đẩy quan hệ hợp tác và trao đổi thương mại,.... tức là thích ứng hoá việc vận hành các mối quan hệ song phương cũng như đa phương vào bối cảnh tình hình mới là dịch bệnh còn tác động và tất cả còn phải cùng chung sống với dịch bệnh chưa biết đến khi nào mới bước sang thời sau dịch bệnh.
Dịch bệnh chi phối và lấn át mọi chủ đề nội dung khác trên chương trình nghị sự của chính trị thế giới và quan hệ quốc tế nhưng không phải là còn lại duy nhất trên đó. Bởi thế, ngoại giao vẫn phải tập trung quan tâm cả vào đấy chứ không thể sao nhãng, vẫn phải làm những gì có thể làm được chứ không bỏ gác lại.
Thứ nhất là đóng góp thiết thực vào việc định hình và tổ chức cuộc chung sống của toàn quốc gia với dịch bệnh. Nhiệm vụ của ngoại giao không chỉ là duy trì và thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác đã có với thế giới bên ngoài trong thời buổi dịch dã mà còn tư vấn chính sách cho những giải pháp cụ thể của nhà nước như nới lỏng cách ly và giãn cách xã hội để dần bình thường trở lại theo lộ trình thời gian, mức độ, lĩnh vực và phạm vi địa lý như thế nào để đồng thời đáp ứng được yêu cầu về chống dịch và đạt được mục tiêu đảm bảo sức khoẻ cho người dân và phát triển kinh tế xã hội đất nước. Chừng nào còn dịch bệnh thì chừng ấy các quốc gia và đối tác sẽ còn phải quyết định lựa chọn hy sinh lợi ích của ngành nhóm nhất định nào đấy để phát triển những ngành nhóm khác giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế và cải thiện an sinh xã hội mà dịch bệnh không thể bùng phát trở lại.
Thứ hai là đóng góp vào việc tìm kiếm và vận hành lối ra khỏi dịch bệnh cho quốc gia. Cả ở đây những tiêu chí đúng về định hướng và nội dung, về thời điểm và lộ trình, về mức độ và đối tượng cũng đóng vai trò rất quyết định.
Và thứ ba là khuyến nghị những sửa đồi, điều chỉnh và bổ sung cho chính sách chung của quốc gia ở thời sau dịch bệnh, trong đó liên quan đến quan hệ song phương và hội nhập quốc tế, đến các hình thức và cấp độ của quan hệ đối tác chiến lược với đối tác bên ngoài. Mục đích ở đây không phải là làm cái mới khi chưa thật sự cần đến mà trước hết là thực chất hoá và thích ứng hoá với bối cảnh tình hình và điều kiện mới ở thời sau dịch bệnh.
Theo Thế giới & Việt Nam