Trên thế giới hiện nay có nhiều tập đoàn công nghệ lớn, tiêu biểu như Apple, Microsoft, Google, Facebook, Amazon, IBM, Dell (Mỹ); Samsung (Hàn Quốc); Alibaba, Tencent, Huawei (Trung Quốc). Các tập đoàn này hoạt động trong lĩnh vực thiết bị máy tính, công nghệ số, phần mềm, điện tự, viễn thông, thương mại điện tử. Giữa chúng có mối quan hệ tương hỗ, gắn bó qua sợi dây liên kết chính là thông tin và Internet.
Phần lớn những tập đoàn công nghệ nói trên được thành lập cách đây không lâu (Microsoft thành lập năm 1975, Apple năm 1976, Amazon năm 1994, Huawei năm 1987, Tencent năm 1998, Google năm 1999, Alibaba năm 1999, Facebook năm 2004), nhưng từ khi ra đời đã phát triển mạnh mẽ, sớm trở thành một thế lực lớn. Nếu như cách đây khoảng 20-25 năm, rất hiếm có các công ty công nghệ lớn thì gần đây những vị trí hàng đầu thế giới lại chính là các tập đoàn công nghệ như Microsoft, Google, Facebook, Amazon... Sự lớn mạnh đó có quan hệ mật thiết với sự phát triển của Internet và quá trình toàn cầu hoá.
Microsoft thành lập năm 1975
Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, trái ngược với tình trạng nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ bị thu hẹp, ngưng trệ hay phá sản thì các tập đoàn công nghệ lại có bước phát triển vượt bậc vì hầu hết khía cạnh của cuộc sống như làm việc, học tập, mua sắm, giải trí phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ. Theo Tạp chí phố Wall (Wall Street Journal), doanh thu năm 2020 của 5 tập đoàn công nghệ lớn nhất của Mỹ (Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet và Facebook) tăng 20%,lên 1.100 tỷ USD. Tổng lợi nhuận của nhóm này thậm chí còn tăng hơn 24%. Và vốn hóa thị trường đã tăng gấp rưỡi trong năm 2020 lên mức kỷ lục 8.000 tỷ USD.
Sức mạnh của các tập đoàn công nghệ không chỉ phản ánh ở khía cạnh kinh tế mà còn ở phương diện đời sống xã hội và chính trị thế giới.
Ở góc độ kinh tế, các tập đoàn công nghệ có doanh thu, giá trị thương hiệu, vốn hoá thị trường lớn, phạm vi ảnh hưởng ngày càng mở rộng, nắm giữ gần như toàn bộ thị trường mớilà thị trường Internet, điện tử, trực tuyến (Chẳng hạn như: Google với công cụ tìm kiếm, Amazon với e-book, Facebook và Google với quảng cáo...). Sự giàu có của các tập đoàn công nghệ nói chung và những ông chủ các tập đoàn này như Bill Gates (Microsoft), Jeff Bezos (Amazon), Mark Zuckerberg (Facebook) đã được biết đến rộng rãi.
Apple đi vào hoạt động năm 1976
Ở góc độ chính trị- xã hội, thông qua các ứng dụng và sản phẩm công nghệ được tạo ra, các tập đoàn công nghệ vừa trực tiếp, vừa gián tiếp tác động mạnh mẽ đến dư luận, truyền thông quốc tế, định hướng tư duy, tư tưởng của người dùng. Các công ty công nghệ đã kiểm soát đáng kể môi trường chính trị, xã hội nơi chúng hoạt động, tạo ảnh hưởng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Các tập đoàn công nghệ tạo ra những ảnh hưởng toàn cầu bởi họ đã tạo nên các sản phẩm tuyệt vời cho người dùng. Ví dụ, dịch vụ tìm kiếm bằng Google (Google search) đã giúp cho người dùng tiếp cận được nguồn thông tin rộng lớn trên thế giới; Facebook là một mạng xã hội giúp người dùng chia sẻ thông tin và kết nối thuận lợi nhất; Amazon cho phép độc giả tiếp cận nguồn tài liệu khổng lồ, chính thống, có chất lượng cao... Sự xuất hiện của các loại hình dịch vụ này có tính cách mạng so với các công cụ, phương tiện truyền thống ở tốc độ kết nối, sự tiện lợi, giá rẻ (thậm chí là miễn phí), tính chất tự do, thông tin đa chiều, do đó thu hút hàng tỷ người tham gia.
Nhưng chính từ hàng tỷ người dùng trên phạm vi thế giới, các tập đoàn này đã thu thập dữ liệu khổng lồ, chưa từng có của nhân loại. Đây chính là một loại tài nguyên mới - tài nguyên thông tin cần thiết cho hoạt động kinh tế, an ninh, chính trị. Việc khai thác và sử dụng dữ liệu đã tạo nên vị thế, quyền lực, tầm ảnh hưởng của các tập đoàn công nghệ.
Amazon thành lập năm 1994
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tàn phá kinh tế toàn cầu, sự bùng nổ của các hoạt động kỹ thuật số cho thấy sức mạnh của các tập đoàn này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Tiềm lực sẵn có cũng cho phép các tập đoàn này mở rộng hoạt động kinh doanh sang các lĩnh vực ngân hàng, tài chính và các thị trường khác. Điều này đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng đồng thời nó cũng gây ra nhiều hệ quả tiêu cực khác.
Việc nắm giữ các thị trường mới khiến cho nhiều lĩnh vực hoạt động truyền thống như báo in, quảng cáo trên truyền hình, radio mất dần ảnh hưởng và hiệu quả. Truyền thông thế giới ngày càng thất thế trong lĩnh vực kinh tế số khi doanh thu quảng cáo phần lớn chảy vào túi các nền tảng số khổng lồ. Một cuộc thống kê tại Australia cho thấy cứ 100 USD chi cho quảng cáo trực tuyến thì 53 USD thuộc về Google và 28 USD vào tay Facebook vì các doanh nghiệp nhỏ hơn phải dựa vào nền tảng của các ông lớn để tiếp cận khách hàng. Tin tức trực tuyến miễn phí đang đe dọa nghiêm trọng hoạt động của các tổ chức truyền thông truyền thống. Mặt khác, sự lớn mạnh của các tập đoàn công nghệ đang làm xói mòn quyền lực nhà nước, quyền lực chuyển dần sang tay các cá nhân trong xã hội. Bên cạnh đó, nhiều thông tin đăng tải trên các nền tảng công nghệ như You Tube (của Google), Facebook… phản cảm, sai lệch nhưng được chia sẻ rộng rãi đã gây ra những hệ quả tiêu cực khiến chính phủ nhiều nước phản ứng với các mức độ và cách thức chung riêng khác nhau.
(Còn nữa...)
Văn Chuyên