Sự phát triển của công nghệ số do các tập đoàn công nghệ tạo ra đem lại nhiều giá trị thiết thực cho cuộc sống hiện tại nhưng cũng gây ra không ít vấn đề mới cho thế giới ngày nay như an ninh mạng, việc làm, gia tăng chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội,... Đó chính là nguồn gốc dẫn tới việc các cơ quan quản lý ở nhiều quốc gia hành động. Điều đó phản ánh qua những trường hợp tiêu biểu sau:
Tại Liên minh châu Âu (EU): EU phản ứng bằng nhiều cách khác nhau như thông qua luật cải cách bản quyền và mở các cuộc điều tra về hoạt động của các hãng công nghệ. Trên phương diện luật pháp, ngày 12-9-2018, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua gói cải cách bản quyền nhằm trao thêm quyền cho các hãng truyền thông trong việc yêu cầu các “gã khổng lồ” Internet lớn như Google hay Facebook trả phí cho việc sử dụng những nội dung tin tức của họ. Tiếp theo, ngày 26-3-2019, EP cũng đã thông qua Luật cải cách bản quyền, yêu cầu các nền tảng công nghệ truyền thông phải trả phí bản quyền cho việc dẫn lại tin tức của các cơ quan thông tấn báo chí. Đồng thời, châu Âu cũng hướng đến việc xây dựng các quy định chống hành vi độc quyền kỹ thuật số.
Trên phương diện khác, EU tiến hành điều tra hoạt động và khởi kiện các tập đoàn công nghệ với các cáo buộc khác nhau, tiêu biểu qua 3 vụ kiện lớn:(i) Vào năm 2017, Uỷ ban châu Âu đã phạt Google 2,4 tỷ Euro (2,7 tỷ USD) vì lạm dụng vị thế độc quyền trong tìm kiếm để tận dụng lợi thế mua sắm sản phẩm của chính họ so với các đối thủ cạnh tranh. (ii) Vào tháng 7-2018, Uỷ ban châu Âu đã phạt Google với số tiền tương đương 5 tỷ USD với cáo buộc lạm dụng sự thống trị trong Android để ưu đãi không công bằng cho các loại dịch vụ của chính họ, cụ thể là Google đã buộc các nhà sản xuất điện thoại thông minh phải cài đặt trước các ứng dụng của riêng mình, nhưng Google đã kháng cáo. (iii) Tháng 3-2019, Uỷ ban châu Âu phạt Google với số tiền 1,7 tỷ USD với cáo buộc là gây ức chế cạnh tranh trong quảng cáo trực tuyến, cụ thể là Google đã thoả thuận với các nhà xuất bản bằng cách sử dụng công cụ AdSense để hạn chế họ hiển thị quảng cáo từ các đối thủ cạnh trạnh, nhưng Google đã kháng cáo.
Bên cạnh đó, EU cũng hướng đến việc đánh thuế hoạt động của các tập đoàn công nghệ lớn. Ngay từ cuối năm 2018, các nước thành viên EU đã đề xuất đánh thuế nhằm vào các tập đoàn lớn trong lĩnh vực kỹ thuật số. Nghị viện châu Âu cũng đã bỏ phiếu về hai dự luật: dự luật về cách đánh thuế các dịch vụ kỹ thuật số và dự luật về cải cách cơ sở thuế của các dịch vụ kỹ thuật số. Pháp là quốc gia đầu tiên ban hành thuế kỹ thuật số từ năm 2019, theo đó áp mức thuế 3% lên doanh thu của các công ty cung cấp dịch vụ bán hàng trực tuyến.
Tại Mỹ - quê hương của các tập đoàn công nghệ hàng đầu, vấn đề chống độc quyền và yêu cầu các hãng công nghệ chia sẻ thông tinđược đặt ra thông qua một loạt sự kiện. Ngày 29-7-2020, bốn giám đốc điều hành (CEO) của Facebook, Amazon, Google và Apple ra điều trần trước Quốc hội Mỹ với các cáo buộc liên quan đến hành vi độc quyền trong lĩnh vực công nghệ.
4 CEO gồm Jeff Bezos (Amazon), Tim Cook (Apple), Sundar Pichai (Google) và Mark Zuckerberg (Facebook) tham gia phiên điều trần vào ngày 29-7-2020.
Ngày 20-10-2020, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Google sử dụng các chiến thuật chống cạnh tranh để duy trì độc quyền đối với mảng kinh doanh công cụ tìm kiếm. Ngày 9-12-2020, Uỷ ban Thương mại Liên bang (FTC) kiện Facebook với cáo buộc gã truyền thông mạng xã hội đã mua và làm đóng băng các công ty khởi nghiệp nhỏ để loại bỏ cạnh tranh. Đơn kiện yêu cầu Facebook phải rút lại các thương vụ mua lại WhatsApp và Instagram. Ngày 17-12-2020, 38 bang do Texas đứng đầu đã khởi kiện Tập đoàn Alphabetvới cáo buộc Google đã lợi dụng tiềm lực lớn của mình, bắt tay với mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh và gây tổn hại cho người dùng Internet.
Bên cạnh việc chống độc quyền, ngày 14-12-2020, Ủy ban Thương mại Liên bang đã gửi các sắc lệnh đến Amazon, Facebook, Twitter, You Tube và các tập đoàn công nghệ khác, yêu cầu cung cấp thông tin về việc thu thập dữ liệu, các hoạt động quảng cáo và tần suất truy cập của người dùng.
Ở Trung Quốc - nơi mà các doanh nghiệp công nghệ đã trải qua hơn một thập kỷ phát triển thuận lợi, tình hình cũng đang dần thay đổi. Vào tháng 11-2020, Bắc Kinh công bố các quy định mới nhằm hạn chế hành vi độc quyền trong ngành công nghiệp Internet.
Gần đây nhất, Chính phủ Australia dự kiến ban hành Luật Đàm phán truyền thông. Theo đó, Chính phủ Australia đề xuất Google và Facebook phải đàm phán với các hãng truyền thông Australia về việc trả tiền sử dụng nội dung các tin tức báo chí xuất hiện trên nền tảng kỹ thuật số, với lý lẽ rằng các nền tảng đó gắn chặt với các tin tức báo chí nhưng các hãng truyền thông không hề tự nguyện cung cấp nội dung tin tức của mình. Phản ứng trước dự luật trên, Facebook đã đáp trả bằng cách chặn mọi nội dung tin tức liên quan đến Australia và không cho người dùng tại quốc gia này chia sẻ hay đọc tin tức trong nước lẫn quốc tế từ ngày 18-2-2021; sau đó, hai bên đàm phán đạt được thoả thuận về việc trả phí tin tức và đến ngày 23-2-2021, Facebook ở Australia hoạt động bình thường trở lại.
Hiện nay, hàng loạt quốc gia trên thế giới có xu hướng mạnh tay hơn trong việc kiểm soát các “gã khổng lồ” công nghệ theo nhiều hướng và đều gặp phải những thách thức đáng kể:
Thứ nhất, chính phủ nhiều nước yêu cầu các công ty công nghệ phải tăng cường quản lý các thông tin trên nền tảng của mình và phải chịu trách nhiệm trong việc phát tán thông tin sai lệch, có nội dung xấu gây ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi của công dân. Tuy nhiên, việc thực hiện trong thực tế không phải dễ dàng vì thông tin do người sử dụng đăng tải. Việc ngăn chặn tin giả, tin xấu, tin độc hại không phải lúc nào cũng kịp thời.
Thứ hai, Chính phủ nhiều quốc gia cáo buộc các hãng công nghệ đã đạt mức độc quyền và lạm dụng vị thế độc quyền. Đây là vấn đề còn nhiều tranh cãi, do luật pháp của mỗi nước có sự khác nhau. Độc quyền kỹ thuật số có nhiều khác biệt so với độc quyền truyền thống.
Thứ ba, liên quan đến việc trả phí tin tức trên các nền tảng kỹ thuật số. Nhiều hãng công nghệ cho rằng những báo chí mà các công nghệ ngày tiếp cận chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ thông tin trên các nền tảng đó. Ví dụ trong việc tranh cãi với chính phủ Australia, Facebook khẳng định những lợi ích mà công ty thu được từ việc các cơ quan báo chí chỉ chiếm khoảng 4% so với những gì mà mọi người nhìn thấy trên bảng tin.
Thứ tư, chính phủ nhiều nước cáo buộc một số hãng công nghệ lớn vi phạm quyền thông tin cá nhân thông qua việc theo dõi người sử dụng. Đây là nguồn gốc gây ra bất bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh. Đối với những trường hợp này chính phủ các nước thường sử dụng biện pháp phạt tiền, hoặc yêu cầu các hãng công nghệ phải chia sẻ thông tin. Đây cũng là vấn đề khá nhạy cảm và phức tạp. Các hãng công nghệ không dễ gìchia sẻ thông tin vì nếu như vậy thì lợi thế, doanh thu của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thứ năm, Chính phủ nhiều quốc gia hướng tới việc đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số. Nhưng đánh thuế như thế nào, dựa vào cơ sở nào vẫn còn là một vấn đề tranh cãi.
Những nội dung trên cho thấy chính phủ nhiều nước đang tăng cường kiểm soát đối với các tập đoàn công nghệ. Đây là một bước đi hướng đến một thế giới công bằng hơn. Về mặt thực tiễn, quyền lực nằm trong tay các chính phủ nhưng nếu các chính phủ hành động một cách cực đoan có thể dẫn đến việc các hãng công nghệ rút khỏi thị trường đó. Điều này ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng và đi ngược lại với mục tiêu ban đầu khi thế giới muốn Internet đóng vai trò như một công cụ thông tin tự do. Và chính phủ các nước có thể phải đối mặt với phản ứng của đông đảo người dùng và giảm uy tín đối với công dân…
Thực tiễn trên cũng đặt ra cho Việt Nam vấn đề quản lý thị trường và dịch vụ công nghệ số của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.
(còn nữa…)
Văn Chuyên