Theo RT, tuyên bố trên được Tổng thống Erdogan đưa ra sau khi hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được tổ chức tại Samarkand, Uzbekistan kết thúc. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tham gia thượng đỉnh SCO năm nay với tư cách khách mời đặc biệt.
Phát biểu với các phóng viên trên chuyến bay trở về Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: "Quan hệ giữa chúng tôi với các quốc gia ở đây sẽ chuyển sang vị thế rất khác biệt với bước đi sắp tới". "Tất nhiên, đó là mục tiêu của chúng tôi", ông Erdogan nói khi được hỏi liệu điều này có đồng nghĩa Ankara sẽ gia nhập SCO hay không.
Thổ Nhĩ Kỳ tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Uzbekistan với tư cách đối tác đối thoại.
Thổ Nhĩ Kỳ đã liên kết với SCO từ năm 2013, sau khi nước này ký thỏa thuận đối tác. Tư cách thành viên chính thức trong SCO sẽ giúp ông Erdogan có thêm đòn bẩy thương lượng trước phương Tây và có thể đem lại quan hệ kinh tế mạnh mẽ.
Quan hệ giữa Ankara và các đồng minh phương Tây đã dần đi xuống trong 20 năm qua. Thổ Nhĩ Kỳ được trao tư cách ứng viên Liên minh châu Âu (EU) vào năm 1999 nhưng các cuộc đàm phán gia nhập trên thực tế đã đóng băng. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập SCO thành công, đây sẽ là lần đầu tiên một ứng viên EU tham gia một khối hợp tác chính trị, kinh tế, an ninh khác.
SCO được thành lập năm 2001, là tổ chức chính trị, kinh tế và an ninh Á - Âu gồm 9 thành viên là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Tajikistan và Uzbekistan. Đây là tổ chức khu vực lớn nhất thế giới xét về quy mô địa lý và dân số, chiếm 60% diện tích lục địa Á - Âu, 40% dân số thế giới và hơn 30% GDP toàn cầu.
Afghanistan, Belarus và Mông Cổ là quan sát viên, trong khi Azerbaijan và Turkmenistan cũng tới dự với tư cách khách mời hoặc đối tác đối thoại. Ai Cập, Qatar và Ả rập Xê-út được SCO thêm vào danh sách đối tác đối thoại trong kỳ hội nghị lần này.
Hội nghị thượng đỉnh SCO lần thứ 22 tại Uzbekistan cũng là lần đầu lãnh đạo các nước thành viên nhóm họp sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Nguồn: vtc.vn