Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trước hai phái đoàn Nga và Ukraine trước đàm phán tại Istanbul hôm 29/3. Ảnh: AFP.
Thổ Nhĩ Kỳ trong quan hệ thăng trầm với Nga và NATO
Thổ Nhĩ Kỳ - NATO: Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO nhưng quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Phương Tây đã và đang có những rạn nứt do Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần khiêu khích phương Tây. Chẳng hạn như việc nước này bắt giữ và truy tố những người bất đồng chính kiến một cách tùy tiện; mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất bất chấp sự phản đối của NATO; cáo buộc Israel là “Đức Quốc xã” đương thời và tuyên bố ủng hộ Hamas, một tổ chức chiến binh Hồi giáo Sunni của Palestine; và cố gắng trục xuất các đại sứ của 10 quốc gia ủng hộ dân chủ để đáp lại sự phản đối kịch liệt của họ về việc thả Osman Kavala, một nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời là người sáng lập và là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Anadolu Kültür, người đã bị bỏ tù từ năm 2017.
Gần đây, cơ hội cải thiện quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO đã mở ra khi Nga tiến hành “hoạt động quân sự đặc biệt” tại Ukraine từ ngày 24/2 và phương Tây yêu cầu sự hợp tác từ phía Thổ Ngĩ Kỳ với tư cách là thành viên NATO để “đối đầu” với Nga. Để đáp lại yêu cầu từ phía NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một số biện pháp cấm vận với Nga. Mặt khác, trong vai trò làm trung gian hòa giải, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp phi quân sự trong cuộc xung đột Nga - Ukraina. Sau các cuộc đàm phán, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng cả hai bên đã thu hẹp sự khác biệt của họ về một số vấn đề trong các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, hy vọng về một lệnh ngừng bắn ở Istanbul vào ngày 29/3 đã nhanh chóng bị “dập tắt” do quan điểm của Nga -Ukraina còn rất nhiều sự khác biệt.
Thổ Nhĩ Kỳ - Nga: Quan hệ địa chính trị - kinh tế Nga - Thổ Nhĩ Kỳ từ quá khứ đến hiện tại luôn có những biến động độc đáo và thú vị. Tuy là thành viên NATO nhưng Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi một chính sách đối ngoại hoàn toàn khác với Liên minh châu Âu và đã gây ra xung đột với các đồng minh NATO ở Đông Địa Trung Hải, Libya và Syria. Điều này đã kéo Nga đến gần hơn với Thổ Nhĩ Kỳ. Hai nước vẫn chia sẻ nhiều lợi ích chung và có quan hệ kinh tế đáng kể với nhau đặc biệt là về thương mại quân sự, các nhà lãnh đạo của cả hai bên đều có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại xung đột với Nga về việc sáp nhập Crimea, xung đột Nagorno-Karabakh, vị trí của họ ở Libya và các sáng kiến chính trị của họ (chẳng hạn như Hội đồng Turkic và tiếp tục trở thành thành viên của NATO). Cũng có những trường hợp đối đầu trực tiếp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ở Syria, bao gồm cả vụ bắn rơi máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga vào năm 2015, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Có thể thấy, đây là mối quan hệ hợp tác dựa trên sự “phân hóa” những khác biệt cho phép hai bên theo đuổi các mục tiêu chung trong khi xung đột trên nhiều mặt.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới Sochi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tháng 8. Ảnh: Internet.
Sự cân bằng của Thổ Nhĩ Kỳ trong xung đột Nga - Ukraine
Trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Nga vẫn ngày một gia tăng, để cân bằng trong xung đột Nga-Ukraine và bảo vệ lợi ích quốc gia, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.
Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Ukraine nhưng miễn cưỡng trừng phạt Nga
Lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Ukraine tương đối gần với phương Tây. Trước hết, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ chủ quyền của Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cũng bán nhiều loại vũ khí cho Ukraine như máy bay không người lái bất chấp sự phản đối gay gắt từ Nga.
Khoảng hai tuần trước khi Nga tiến hành hoạt động quân sự đặc biệt tại Ukraine, một cuộc họp Hội đồng Hợp tác Chiến lược Cấp cao giữa Thổ Nhĩ Kỹ và Ukraine đã được tổ chức tại Kyiv, hai bên đã ký một số thỏa thuận hợp tác, trong đó có việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hỗ trợ cho quốc phòng Ukraine. Hơn nữa, sau khi chiến tranh bùng nổ, Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích hành động quân sự của Nga là không thể chấp nhận được và cấm tàu chiến Nga đi qua eo biển Bosporus và eo biển Dardanelles (hai khu vực trọng yếu của Biển Đen) theo các điều khoản của Công ước Montreux.
Tuy nhiên, một số nhà phê bình cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Ukraine chỉ là một cử chỉ chính trị hơn là một giải pháp để thách thức mối đe dọa quân sự của Nga. Họ chỉ ra rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc Nga sáp nhập Crimea mới chỉ là những phát biểu ngoại giao. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã phong tỏa Biển Đen chống lại Nga chỉ vài ngày, do đó, việc phong tỏa này không hiệu quả trong việc ngăn chặn các hành động quân sự của Nga. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu liên quan đến việc đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng châu Âu, mà còn từ chối tuân theo phương Tây trong việc trừng phạt Nga. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng việc trừng phạt Nga sẽ không giúp ích gì trong việc hòa giải xung đột.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gần đây tới Ukraine gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ảnh: Internet.
Thổ Nhĩ Kỳ không thích sự đơn cực của Mỹ và Nga
Rõ ràng là Thổ Nhĩ Kỳ đã rất thận trọng để tránh vượt qua lằn ranh đỏ của Nga, ngoại trừ việc nước này chỉ trích hành động quân sự của Nga vì lý do địa chính trị và kinh tế.
Về mặt địa chính trị, sự đơn cực của Mỹ và Nga sẽ không phục vụ lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ. Một mặt, Thổ Nhĩ Kỳ không coi Nga là một quốc gia đáng tin cậy, vì họ phải đối mặt với những căng thẳng của riêng mình về các xung đột lợi ích ở Libya và Syria. Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ có lịch sử bất mãn với Mỹ, đặc biệt là vì Mỹ đã hủy bán máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau khi nước này mua hệ thống tên lửa S-400 do Nga sản xuất vào năm 2018, và vì Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là lệnh trừng phạt Chủ tịch Bộ Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Savunma Sanayii Başkanlığı vào năm 2020.
Sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các lệnh trừng phạt chống lại Nga, nếu có, sẽ là “tự bắn vào chân mình”. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng dựa vào Nga để làm đối trọng với ảnh hưởng của phương Tây, do mối quan hệ ngày càng xấu đi với NATO. Cuối cùng, sự suy giảm của Nga chắc chắn sẽ gây tổn hại đến lợi ích khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, sự do dự có thể hiểu được của NATO đối với cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga không có tác dụng khuyến khích lập trường cứng rắn, chống Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Về mặt kinh tế, cả Nga và Ukraine đều rất cần thiết cho sự tồn vong của Thổ Nhĩ Kỳ, điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ rất khó chọn bên. Nga không chỉ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ mà nước này còn đặc biệt phụ thuộc vào Nga về nhập khẩu khí đốt tự nhiên và du lịch. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ cắt đứt quan hệ kinh tế với Nga thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với những hệ luỵ đáng kể. Trong khi đó, Ukraine cũng là một trong những nhà nhập khẩu thiết bị quân sự chính của Thổ Nhĩ Kỳ; khách du lịch và nông sản Ukraine là chìa khoá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu chiến tranh Nga-Ukraine kéo dài, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ
Trong bối cảnh hiện tại, để không bị thiệt hại về địa chính trị và kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ không thể làm mất lòng Nga hay Ukraine. Nhưng ngay cả trong vai trò là “nhà hòa bình”, thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải chịu những tác động của cuộc xung đột. Nếu cuộc chiến này kéo dài, cả Nga và Ukraine đều chịu thiệt hại lớn về kinh tế. Thêm vào đó, các lệnh trừng phạt từ phương Tây vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại thì người Nga và Ukraine sẽ ít mong muốn hoặc không đủ khả năng tài chính để đến Thổ Nhĩ Kỳ du lịch. Mặt khác, do Thổ Nhĩ Kỳ từ chối trừng phạt Nga, khiến nước này trở thành nơi trú ẩn an toàn cho một số nhà tài phiệt Nga, nhưng nếu cả phương Tây và Nga giữ nguyên lập trường của mình, Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể thoát khỏi áp lực. Ngay cả khi trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các nhà tài phiệt Nga cũng sẽ không giúp ích được gì nhiều cho việc trả khoản nợ nước ngoài khổng lồ của Thổ Nhĩ Kỳ. Tệ hơn nữa, thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đã bị ảnh hưởng lớn bởi cuộc chiến Nga-Ukraine, nhất là sự thiếu hụt nghiêm trọng nông sản của Ukraine ở Thổ Nhĩ Kỳ và hầu hết các mặt hàng xuất khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Ukraine đã bị chặn.
Tóm lại, cuộc khủng hoảng kinh tế và tiền tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2021 và cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra, đã đặt nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vào tình thế bấp bênh. Do đó, trong vai trò trung gian hòa giải, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn hai bên đạt được một lệnh ngừng bắn để ngăn chặn thiệt hại thêm cho nền kinh tế của chính mình vì cuộc chiến này càng kéo dài thì tình trạng sẽ ngày càng tồi tệ hơn cho các bên liên quan trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ.
An Trà