Ảnh dựng về tàu ngầm hạt nhân lớp SSN-AUKUS. (Nguồn: BAE Systems) |
Ngày 13/3, tại căn cứ Hải quân ở San Diego, California, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã công bố thỏa thuận tàu ngầm năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ Hiệp ước an ninh ba bên Australia - Anh - Mỹ (AUKUS) “vì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và tự do”. Có gì trong thỏa thuận này?
Trước hết, đây là lần đầu tiên Washington chia sẻ công nghệ động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu hạt nhân từ khi nước này làm điều tương tự với Anh những năm 1950.
Đồng thời, trớ trêu thay, điều được cả ba nước nhấn mạnh trong lễ công bố thỏa thuận vừa qua lại là yếu tố phi hạt nhân. Đây là lần đầu tiên các quốc gia khai thác lỗ hổng trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968. Mặc dù NPT cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, song lại cho phép vật liệu phân hạch được sử dụng cho mục đích quân sự không gây nổ như động cơ đẩy, miễn là có sự giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Trong bối cảnh đó, ba nước đã một mặt áp dụng công nghệ hạt nhân để vận hành tàu ngầm, mặt khác khẳng định hợp tác chặt chẽ với IAEA. Cụ thể, Mỹ và Anh sẽ chuyển nhiên liệu Uranium đã làm giàu và hàn kín cho Australia để không thể sử dụng lại. Về phần mình, Australia khẳng định sẽ không xây dựng lò phản ứng hạt nhân, không làm giàu hoặc tái xử lý nhiên liệu hạt nhân. Đặc biệt, cả ba nước sẽ không chuyển giao vũ khí hạt nhân. Như vậy, Mỹ, Anh cùng Australia sẽ không vi phạm các điều khoản của Hiệp ước NPT mà họ đã ký kết.
Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại các nước khác sẽ “theo chân” để tận dụng lỗ hổng, thậm chí che giấu vật liệu phân hạch đã làm giàu khỏi sự giám sát quốc tế.
Thứ hai, với ngân sách lên tới 368 tỷ AUD (244,36 tỷ USD) trải dài ba thập kỷ, thỏa thuận trên sẽ là kế hoạch xây dựng lực lượng tàu ngầm hạt nhân quy mô chưa từng có. Ba nước sẽ hợp tác sản xuất và vận hành dòng tàu ngầm năng lượng hạt nhân “SSN - AUKUS” với thiết kế từ Anh, công nghệ Mỹ hiện đại, được hoàn thiện tại Anh và Australia.
Kể từ năm 2023, các sĩ quan và nhân viên dân sự của Australia sẽ tham gia đào tạo tại Anh và Mỹ. Đồng thời, các tàu ngầm hạt nhân của Washington và London tăng cường thăm cảng của Canberra từ năm 2023 và năm 2026. Sớm nhất là năm 2027, hai nước dự kiến tăng tốc quá trình phát triển nguồn nhân lực, vật lực, cơ sở hạ tầng và quy định cần thiết để xây dựng năng lực tàu ngầm độc lập cho Canberra. Dự kiến, trong nửa cuối những năm 2030, London sẽ bàn giao tàu ngầm lớp SSN - AUKUS đầu tiên cho Hải quân, trong khi Hải quân Australia dự kiến hoàn thành chiếc SSN - AUKUS của mình một thập kỷ sau.
Thứ ba, kế hoạch dài hạn với nguồn ngân sách khổng lồ này đồng nghĩa rằng Australia sẽ phải chờ hơn hai thập kỷ để có trong tay tàu ngầm hạt nhân đầu tiên thuộc lớp SSN - AUKUS. Do đó, thỏa thuận đã “cài” thêm một điều khoản: Mỹ sẽ bán cho Australia ba tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia vào những năm 2030, kèm quyền mua hai tàu nữa nếu muốn. Sự bổ sung này sẽ giúp Canberra tăng cường lực lượng trong trung hạn để ứng phó biến động của thế giới.
Từ trái qua phải: Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại lễ công bố thỏa thuận về tàu ngầm hạt nhân lớp SSN-AUKUS ngày 13/3 ở cảng Hải quân Mỹ tại San Diego, California. (Nguồn: Financial Times) |
Ngay lập tức, Nga và Trung Quốc đã lên tiếng phản đối thỏa thuận nêu trên. Phát biểu trên truyền hình cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: “AUKUS cùng nỗ lực xây dựng một Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Á đang đặt thế giới Anglo - Saxon trước nhiều năm đối đầu”. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho rằng thỏa thuận làm dấy lên quan ngại về mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân và khẳng định “cần có sự giám sát quốc tế”.
Một ngày sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cảnh báo: “Tuyên bố chung đã chứng tỏ ba nước này, vì lợi ích địa chính trị của mình, hoàn toàn coi thường mối quan ngại của cộng đồng quốc tế và đang đi xa hơn trên con đường sai lầm và nguy hiểm”.
Liên minh châu Âu lại nhấn mạnh yếu tố NPT trong triển khai AUKUS. Đài CBC (Canada) dẫn lời tướng lĩnh, chuyên gia nước này nhận định sự vắng mặt của Ottawa trong AUKUS là tín hiệu đáng ngại. Còn theo Quỹ nghiên cứu các nhà quan sát (ORF) của Ấn Độ, dù đã tỏ thái độ ủng hộ Australia, song New Delhi dường như không hào hứng với viễn cảnh tàu ngầm hạt nhân của Canberra hoạt động trong khu vực.
Nhật Bản, Hàn Quốc, hai đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á đã ủng hộ thỏa thuận. Đông Nam Á tỏ ra thận trọng hơn. Indonesia, Malaysia mong các bên sẽ giữ đúng cam kết phi hạt nhân hóa. Campuchia hy vọng thỏa thuận không làm leo thang căng thẳng khu vực, trong khi Singapore tin tưởng AUKUS sẽ đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Từ góc độ học giả, ông James Acton, đồng giám đốc chương trình hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ) chia sẻ quan ngại rằng thỏa thuận sẽ tạo tiền lệ để các nước lách việc kiểm tra vật chất hạt nhân dưới danh nghĩa nhiên liệu vận hành tàu.
Ở thời điểm hiện tại, vẫn còn quá sớm để nhận định về kết quả của AUKUS, đặc biệt khi đây là kế hoạch kéo dài hàng thập kỷ này. Song chắc chắn rằng những gì được công bố ngày 13/3 vừa qua là một dấu mốc lớn trong hợp tác quân sự giữa Mỹ, Anh và Australia nói riêng và tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung.
Nguồn: baoquocte.vn