Thỏa thuận tàu ngầm Australia-Mỹ: Pháp chỉ trích Anh hành xử cơ hội, Australia phân trần, Nga nói 'chuyện bình thường'. (Nguồn: Getty Images) |
Thỏa thuận này cho phép Mỹ và Anh cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân, khiến Canberra quyết định rút khỏi thỏa thuận mua tàu ngầm truyền thống với Paris trị giá đến 40 tỷ USD. Thay vào đó, sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sử dụng công nghệ của Mỹ và Anh sau khi thiết lập AUKUS.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian coi quyết định của Australia là một đòn "đâm sau lưng". Một nhà ngoại giao Pháp giấu tên ngày 17/9 cho rằng, Anh đã hành động một cách "cơ hội" trong thỏa thuận giữa Mỹ và Australia dẫn đến việc Canberra từ bỏ thỏa thuận đã ký với Paris trước đó.
Nhà ngoại giao Pháp nói: “Anh đã tiếp tay cho vụ này một cách đầy cơ hội. Chúng tôi không cần tham vấn với đại sứ của mình để biết phải nghĩ gì cũng như rút ra kết luận gì từ chuyện này”.
Hiện Pháp chưa đề cập Anh trong bất kỳ phản ứng chính thức nào liên quan vụ việc, trong khi tập trung thể hiện sự bất bình của mình đối với Australia và đặc biệt là Mỹ, với thông báo triệu hồi các đại sứ vào ngày 17/9.
Trong khi đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định, Pháp đã được thông tin về quyết định rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm trước khi công bố AUKUS, tuy nhiên phía Paris bác bỏ.
Ngày 17/9, Thủ tướng Morrison cho biết, ông đã đề cập khả năng Australia rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm ký kết năm 2016 với tập đoàn Naval Group (Pháp) trong các cuộc hội đàm với Tổng thống Emmanuel Macron hồi tháng 6, bác bỏ chỉ trích của Paris, rằng họ không được cảnh báo trước.
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh 5aa, ông Morrison thừa nhận sự tổn hại đối với các mối quan hệ Australia - Pháp, song khẳng định ông từng nói với Tổng thống Macron rằng Australia đã cân nhắc lại thỏa thuận đó và có thể phải đưa ra một quyết định khác.
"Tôi đã làm rất rõ, chúng tôi đã có một bữa tối dài tại Paris, về những vấn đề hết sức quan ngại liên quan tới khả năng của các tàu ngầm truyền thống trong việc đối phó với môi trường chiến lược mới mà chúng ta đang đối mặt. Tôi đã làm rõ rằng, đó là một vấn đề mà Australia sẽ cần đưa ra quyết định dựa trên lợi ích quốc gia của chúng tôi", ông Morrison cho biết.
Australia ngày 18/9 cho biết, lấy làm tiếc về việc Pháp quyết định triệu hồi đại sứ của mình tại Canberra liên quan thỏa thuận AUKUS. Tuy nhiên, Australia cũng nhấn mạnh coi trọng quan hệ với Pháp và sẽ tiếp tục can dự với Paris trong nhiều vấn đề khác.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Australia nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi lấy làm tiếc về việc Pháp quyết định triệu hồi đại sứ của mình tại Australia. Australia coi trọng quan hệ với Pháp… Chúng tôi mong đợi tham gia cùng Pháp trong nhiều vấn đề cùng chung lợi ích, dựa trên những giá trị chung”.
Về phía Mỹ, trước đó, Nhà Trắng cũng bày tỏ lấy làm tiếc về việc Pháp triệu hồi đại sứ tại Mỹ để tham vấn, đồng thời nhấn mạnh, Pháp là một “đồng minh sống còn”. Mỹ muốn giải quyết căng thẳng thông qua đường ngoại giao, trong bối cảnh thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS đang biến thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói: “Pháp là một đối tác sống còn và là đồng minh lâu đời nhất của chúng tôi và chúng tôi đặt giá trị cao nhất cho mối quan hệ này”.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova đã tỏ ra ngạc nhiên trước phản ứng của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian trước quyết định của Australia, nhắc lại vụ Pháp phá vỡ hợp đồng đóng 2 tàu đổ bộ Mistral với Nga.
Bà Zakharova viết trên kênh Telegram của mình: "Sự tức giận và cay đắng đến từ đâu? Việc phá vỡ hợp đồng đối với Pháp dường như là chuyện thường tình. Năm 2015, Paris đã hủy bỏ thỏa thuận với Nga về hai tàu Mistral. Hay đó chỉ là những nhát dao mà các ngài cảm thấy vào lưng mình?”.
Nguồn: baoquocte.vn