Cú “knock-out” với thị trường lương thực
Ngày 19-5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã phải tổ chức hội nghị về tình hình an ninh lương thực toàn cầu và kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác để giải quyết vấn đề này. Tại cuộc họp, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley và Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) Khuất Đông Ngọc đều lên tiếng cảnh báo về những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mất an ninh lương thực trên toàn cầu.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu đề xuất các bước giải quyết an ninh lương thực |
Trước đó, các bộ trưởng phát triển của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng đã nhóm họp để thảo luận về các biện pháp ứng phó với những thách thức toàn cầu hiện nay, trong đó có khủng hoảng lương thực. Kết thúc hội nghị, các bộ trưởng phát triển G7 đã quyết định thành lập liên minh vì an ninh lương thực toàn cầu nhằm hỗ trợ thế giới chống lại cuộc khủng hoảng lương thực đang rình rập.
Giá lương thực toàn cầu đã bắt đầu tăng từ nửa cuối năm 2020 và nay đã trở thành một cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng này được ví như một “quả cầu tuyết”, bắt đầu những vòng lăn chậm rãi đầu tiên từ trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhưng sau đó bất ngờ tăng tốc mạnh mẽ khi băng qua các “sườn dốc” của dịch bệnh, suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu…, với kích thước và tốc độ lớn dần lên mỗi ngày.
Cuối cùng, quả cầu này đã trở nên không thể kiểm soát được trước xung đột Nga -Ukraine. Việc Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine được ví như cú “knock-out” đối với thị trường lương thực và năng lượng thế giới, vốn đã gần như kiệt quệ trước những sức ép về kinh tế và dịch bệnh. Đến tháng 3-2022, giá lương thực đã đạt mức cao nhất mọi thời đại. So với cùng thời kỳ này năm ngoái, mức giá này đã tăng tới 37%, cao hơn so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đây là điều đáng lưu tâm do CPI là thước đo mức độ tác động tới người nghèo - đối tượng chủ yếu hàng ngày chi tiêu cho lương thực -thực phẩm.
Hệ quả là theo thống kê, đến đầu năm 2021, đã có gần 200 triệu người tại 53 nước đã lâm vào cảnh mất an ninh lương thực. Báo cáo về tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới năm 2021 của FAO ước tính rằng, thế giới có 768 triệu người bị thiếu dinh dưỡng trong năm 2020, trong đó có hơn 50% (tương đương 418 triệu người) sống ở châu Á và hơn 1/3 (282 triệu người) sống ở châu Phi. Mỹ Latinh và Caribe chiếm khoảng 8% (60 triệu người).
Còn theo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, từ đầu năm đến nay, khoảng 276 triệu người trên toàn thế giới đã phải đối mặt với nạn đói và con số này có thể tăng thêm 47 triệu người nếu xung đột ở Ukraine tiếp diễn. Đặc biệt là ở vùng Sừng châu Phi, nơi đang trải qua nạn hạn hán nghiêm trọng nhất trong 40 năm qua, ảnh hưởng tới hơn 18 triệu người trong khi xung đột và bất ổn tiếp diễn tại Ethiopia và Somalia khiến cuộc sống của người dân thêm khốn khó. Nhìn về tương lai, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cảnh báo, cuộc khủng hoảng an ninh lương thực sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí có thể sang tận năm 2023.
Nga nêu điều kiện mở lại cảng biển của Ukraine để xuất khẩu lương thực
Nạn đói tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đang có nguy cơ bùng phát do thiếu lương thực. Chính vì thế, đây là thời điểm mà thế giới cần phải hành động một cách quyết đoán và cùng nhau để đảm bảo cung cấp lương thực một cách nhanh chóng cho những người có nguy cơ nhất.
Đề cập đến vấn đề này, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đề xuất 4 bước mà các nước có thể thực hiện để ngăn chặn xung đột và đói kém, bắt đầu với việc đầu tư cho các giải pháp chính trị nhằm chấm dứt xung đột, ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột mới và xây dựng nền hòa bình bền vững. Theo đó, quan trọng nhất hiện nay là chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine, kêu gọi HĐBA nỗ lực hết sức trong quyền hạn để thúc đẩy đạt ngừng bắn cũng như hòa bình ở Ukraine nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Thứ hai, Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tiếp cận nhân đạo và hàng hóa thiết yếu cho người dân, theo đó phải chú trọng tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và truy cứu trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm luật. Thứ ba, cần có sự phối hợp để giảm thiểu những nguy cơ dẫn tới mất an ninh lương thực, năng lượng và tài chính. Cuối cùng, ông Guterres kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ đầy đủ cho các hoạt động nhân đạo với những cơ chế hỗ trợ phát triển chính thức.
Tuy nhiên, theo Tổng thư ký LHQ, mọi giải pháp có ý nghĩa nhằm giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực đều phải bao gồm kết nối sản xuất nông nghiệp và thực phẩm của Ukraine cùng sản xuất phân bón của Nga và Belarus với thị trường toàn cầu kể cả khi xung đột xảy ra, vì các nước này đều là những nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực nêu trên. Hiện nay, Nga và Ukraine là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mì và 17% sản lượng ngô, 32% lúa mạch và 75% dầu hướng dương. Ngoài ra, Nga và Belarus cũng nằm trong số 3 nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới.
Với Ukraine, đây là một trong những quốc gia sản xuất ngũ cốc lớn nhất thế giới, xuất khẩu phần lớn hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển. Tuy nhiên, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2 vừa qua, Kiev đã buộc phải xuất khẩu hàng hóa bằng tàu hỏa hoặc thông qua những cảng nhỏ ven sông Danube. Hiện hàng triệu tấn ngũ cốc đang phải lưu giữ trong kho tại các cảng trên Biển Đen và cảng ở Odessa. Nếu tình hình không được cải thiện, nông dân Ukraine sẽ không có chỗ dự trữ lương thực trong vụ thu hoạch vào mùa hè.
Có điều trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine còn đang căng thẳng, giải tỏa các cảng biển của Ukraine không dễ dàng. Hôm 19-5, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định lời kêu gọi của LHQ yêu cầu mở lại các cảng bên bờ Biển Đen của Ukraine cần phải gắn với quyết định dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Matxcơva. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko cho rằng, không thể chỉ kêu gọi Nga mà cần nhìn nhận thấu đáo toàn bộ nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay và rõ ràng những biện pháp trừng phạt do Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt nhằm vào Nga đã can thiệp vào thương mại tự do bình thường, bao gồm cả các sản phẩm thực phẩm, lúa mì và phân bón.
Việt Nam coi việc bảo đảm an ninh lương thực là nền tảng hòa bình, ổn định, phát triển
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại phiên thảo luận mở về chủ đề “xung đột và an ninh lương thực” của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc |
Phát biểu tại phiên thảo luận mở về chủ đề “xung đột và an ninh lương thực” của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 19-5, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh, Việt Nam coi việc bảo đảm an ninh lương thực chính là nền tảng của hòa bình, ổn định và phát triển.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho biết Việt Nam chia sẻ quan ngại chung của cộng đồng quốc tế về việc hệ thống lương thực thế giới đang ngày càng chịu nhiều thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai và xung đột, tác động nghiêm trọng tới an ninh lương thực của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển và các nước có xung đột. Trong bối cảnh đó, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng bên cạnh các nỗ lực nhân đạo, cần phải có những biện pháp bền vững nhằm tăng cường năng lực của các nước đang phát triển và các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột trong bảo đảm cung cấp lương thực và cải thiện mức sống của người dân, cũng như thúc đẩy giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột, xây dựng hòa bình và ngăn chặn xung đột.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang đánh giá cao những nỗ lực của Liên hợp quốc, FAO, WFP và các nhà tài trợ quốc tế trong ứng phó với nạn đói, mong muốn Liên hợp quốc và các đối tác kịp thời chia sẻ thông tin về tình trạng mất an ninh lương thực do xung đột gây ra hoặc làm trầm trọng thêm, qua đó có thể có phản ứng kịp thời. Đại sứ Việt Nam nhấn mạnh trách nhiệm của các bên xung đột trong việc bảo đảm tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, không sử dụng việc bỏ đói làm công cụ phục vụ mục đích quân sự, được nhấn mạnh tại các Nghị quyết 2417 và 2573 của Hội đồng Bảo an. Nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho biết Việt Nam mong muốn trở thành một “trung tâm sáng tạo về lương thực” của khu vực và sẽ tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực chung trong việc giải quyết các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu.
Nguồn: anninhthudo.vn