Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 7/2 đọc Thông điệp Liên bang thứ hai trong nhiệm kỳ trước quốc hội. Giới chuyên gia đánh giá đây là bài phát biểu rất quan trọng với ông chủ Nhà Trắng, được đưa ra khi lần đầu tiên sau hai năm nhiệm kỳ, ông phải đối mặt với một Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Sự khác biệt đó được thể hiện ngay trong những lời đầu tiên của bài phát biểu. Thay vì đi thẳng vào các nội dung trọng tâm, ông Biden chúc mừng nghị sĩ Cộng hòa Kevin McCarthy được bầu làm Chủ tịch Hạ viện và thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnel là nghị sĩ làm việc lâu nhất ở Thượng viện.
Ông dành nhiều thời gian để phản ánh bối cảnh chính trị mới ở Washington. Tổng thống Biden ca ngợi những thành tựu lưỡng đảng đạt được trong hai năm đầu ông tại vị, ghi nhận nỗ lực hợp tác giữa hai bên về đạo luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD, đầu tư công nghệ cao vào sản xuất vi mạch, viện trợ quân sự cho Ukraine, các biện pháp bảo vệ đối với hôn nhân đồng giới và cải cách bầu cử, cùng những chủ đề khác.
"Chúng tôi thường được bảo rằng đảng Dân chủ và Cộng hòa không thể làm việc cùng nhau. Nhưng hai năm qua, chúng tôi đã chứng minh rằng những người hoài nghi và phản đối đã sai", ông tuyên bố.
Dù vậy, Tổng thống Mỹ cũng thừa nhận có lúc các đảng viên Dân chủ vẫn phải "đi một mình", nhắc đến những tranh cãi đảng phái khốc liệt liên quan đến gói cứu trợ Covid-19 và đạo luật giảm lạm phát, vốn làm tăng chi tiêu cho khí hậu và chăm sóc sức khỏe lên hàng tỷ USD.
Nhưng thực tế mới là những thành tựu lập pháp sâu rộng mà Tổng thống Biden đạt được trong hai năm qua đã là quá khứ và các dự luật do ông đề xuất sẽ không còn dễ dàng được thông qua như vậy tại quốc hội, ít nhất là trong hai năm tới. Mọi chính sách lập pháp của ông giờ đây đều phải "qua ải" Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Dù ông Biden đã cố gắng đề cao nỗ lực đoàn kết lưỡng đảng trong Thông điệp Liên bang, theo giới quan sát, một trong những thách thức cấp bách nhất mà Nhà Trắng và quốc hội phải giải quyết sắp tới sẽ là nâng trần nợ công nhằm tránh tình trạng vỡ nợ quốc gia.
Ông Biden cùng các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đang đối đầu nhau gay gắt về vấn đề này. Và Tổng thống Mỹ, trong bài phát biểu của mình, không có dấu hiệu nhượng bộ.
Đề cập đến yêu cầu từ đảng Cộng hòa về việc việc tăng trần nợ công phải song hành với cắt giảm chi tiêu, ông Biden lưu ý rằng không có tổng thống nào làm tăng nợ quốc gia nhiều hơn người tiền nhiệm của ông, cựu tổng thống Donald Trump.
Các đảng viên Cộng hòa trong khán phòng đã đáp lại tuyên bố này bằng những lời la ó.
"Thay vì bắt những người giàu đóng góp công bằng, một số đảng viên Cộng hòa lại muốn chấm dứt chương trình an sinh xã hội và Medicare. Đương nhiên tôi không nói đa số họ đều như vậy", ông Biden nói. An sinh xã hội và Medicare là những chương trình bảo hiểm y tế và hưu trí phổ thông do chính phủ điều hành.
Hành động này tiếp tục khiến các đảng viên Cộng hòa giận dữ. Nghị sĩ Cộng hòa Marjorie Taylor Greene tỏ ra bất bình nhất khi hét lớn: "Kẻ dối trá" và giơ ngón cái xuống đất.
Sự việc khí cầu Trung Quốc xâm nhập không phận Mỹ là chủ đề đang được cả nước quan tâm, song nó hầu như không được Tổng thống Biden nhắc đến trong bài phát biểu của mình.
"Như chúng tôi đã nói rõ vào tuần trước, nếu Trung Quốc đe dọa chủ quyền của chúng ta, chúng tôi sẽ hành động để bảo vệ đất nước mình", ông tuyên bố. "Và chúng tôi đã làm điều đó".
Đây là bình luận duy nhất có liên quan đến cuộc khủng hoảng khí cầu trong Thông điệp Liên bang. Tổng thống Biden sau đó tiếp tục thảo luận về những thách thức do Trung Quốc đặt ra hay các hành động của chính quyền ông nhằm củng cố nền kinh tế Mỹ và hiện đại hóa quân đội.
Xung đột Nga - Ukraine, chủ đề chi phối Thông điệp Liên bang năm ngoái của ông, cũng hầu như không được nhắc đến. Tổng thống Biden chào đón Đại sứ Ukraine tại Mỹ hiện diện trong nghị trường, song ông không tận dụng cơ hội để kêu gọi thêm viện trợ quân sự cho Kiev.
Theo giới phân tích, dường như ông chủ Nhà Trắng hiểu rõ rằng đề xuất tăng viện trợ quân sự sẽ là một "đòn kích động" đối với những đảng viên Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện.
Giới phân tích cho rằng với hơn 200 từ đề cập đến Trung Quốc và hơn 200 từ nói về xung đột Ukraine trong bài phát biểu gần 7.300 từ, chính sách đối ngoại chắc chắn không phải trọng tâm trong Thông điệp Liên bang của Tổng thống Biden năm nay.
Những thông điệp ngắn ngủi ông đưa ra về chính sách đối ngoại cũng kết thúc bằng tuyên bố "đừng đặt cược vào hành động chống lại nước Mỹ" và những tiếng hô vang "USA" từ đám đông.
Tổng thống Biden khẳng định "linh hồn của đất nước này mạnh mẽ bởi xương sống của quốc gia vững chãi". Đây cũng chính là thông điệp xuyên suốt bài phát biểu. Nhấn mạnh thông điệp này, ông chủ Nhà Trắng dường như muốn đập tan những hoài nghi về năng lực lãnh đạo, khi ông chuẩn bị cho hành trình tái tranh cử vào năm 2024.
Các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Mỹ hầu như không biết về những thành công về chính sách lập pháp của ông và không tán thành hiệu suất công việc mà ông thể hiện. Ngay cả các đảng viên Dân chủ cũng đặt câu hỏi liệu ông có nên tái tranh cử hay không giữa những lo ngại về tuổi tác.
Bài phát biểu Thông điệp Liên bang được nhìn nhận như cơ hội cuối cùng và cũng là tốt nhất để Tổng thống Biden chứng minh ông xứng đáng có nhiệm kỳ thứ hai trước khi đưa ra thông báo tái tranh cử chính thức.
Theo Patrick Gaspard, chủ tịch Trung tâm Tự do vì Tiến bộ, cựu quan chức hàng đầu Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, Thông điệp Liên bang "thường được xem như lời giới thiệu cho một chiến dịch tái tranh cử và nó chắc chắn đúng trong tình huống này".
Các tổng thống Mỹ gần như không bao giờ bỏ qua cơ hội tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Người gần đây nhất từ chối tái tranh cử là tổng thống Lyndon Johnson vào năm 1968.
Nhưng Mỹ cũng chưa từng có tổng thống nào lớn tuổi như ông Biden. Ông đã 80 tuổi, và sẽ 86 tuổi khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai nếu tái đắc cử. Ông lần đầu tiên tranh cử vào Nhà Trắng từ năm 1988.
Lyndsay Chervinsky, nhà sử học tổng thống, cho biết tuổi của Tổng thống Biden là "nhân tố X" khiến ông khác biệt với những người tiền nhiệm. "Nếu ông ấy trẻ hơn 10 tuổi, sẽ không có cuộc thảo luận nào như thế này diễn ra", bà nói.
Theo nhà sử học tổng thống Michael Beschloss, hiếm có sự kiện chính trị nào ở Mỹ thu hút được nhiều quan tâm như Thông điệp Liên bang, vì thế Tổng thống Biden phải tận dụng cơ hội này để gây chú ý và thu hút ủng hộ về phía mình.
"Cử tri nhiều khả năng chỉ nhớ được hai hoặc ba dòng ấn tượng nhất trong diễn văn", Beschloss nói. "Tổng thống Biden phải quyết định những dòng đó phải hướng đến điều gì".
Theo giới quan sát, dựa trên toàn bộ bài phát biểu, ông chủ Nhà Trắng có lẽ muốn công chúng nhớ đến thông điệp "hoàn thành công việc", cụm từ được ông nhắc lại không dưới 10 lần. Dù là đề xuất tăng thuế đối với các tỷ phú hay biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực của cảnh sát, Tổng thống Biden đều nói ông muốn "hoàn thành công việc".
Ông cũng không che giấu rằng bản thân vẫn còn nhiều việc phải làm với tư cách người đứng đầu đất nước. Hướng tới các đảng viên Cộng hòa, Tổng thống Biden nhấn mạnh "người dân đã gửi cho chúng ta một thông điệp rõ ràng" về yêu cầu cấp bách phải tìm ra tiếng nói chung. "Chúng ta được cử đến đây để hoàn thành công việc", ông cho hay.
"Đây có thể không phải một thông báo về chiến dịch tái tranh cử, nhưng đó là lời kêu gọi ngầm rằng cử tri hãy gắn bó với ông", bình luận viên Chris Megerian từ AP nhận định.
Theo một cuộc thăm dò do hãng thông tấn Mỹ thực hiện cuối năm ngoái, 37% đảng viên Dân chủ muốn ông Biden tranh cử nhiệm kỳ hai, giảm so với tỷ lệ 52% trước cuộc bầu cử giữa kỳ hồi tháng 11.
Nhiều người Mỹ cũng không nhận thấy ông có tiến bộ sau hai năm dẫn dắt đất nước.
Một cuộc thăm dò mới đây do Washington Post và ABC News thực hiện cho thấy 36% người dân Mỹ tin Tổng thống Biden đã có "rất nhiều" thành tựu từ khi nhậm chức, trong khi 62% cho rằng ông "không làm gì nhiều" hoặc "không đạt được gì cả".
Cedric Richmond, cựu quan chức hàng đầu Nhà Trắng, hiện là cố vấn cấp cao cho Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, cho biết những con số này không khiến ông bận tâm.
"Khi bạn phát động một chiến dịch tranh cử và chi ra số tiền mà các chiến dịch đang chi, mọi người sẽ ngập chìm trong vô số lời nhắc nhở về những thay đổi mà Tổng thống Biden đã thực hiện trong thời gian lãnh đạo của mình", ông nói.
Hiện tại, theo Richmond, người dân Mỹ "đang tập trung vào cuộc sống của họ hơn là bình luận chính trị, những cuộc thăm dò hay bất cứ thứ gì liên quan".
Giờ đây, câu hỏi đặt ra là liệu Thông điệp Liên bang của Tổng thống Biden có thể thu hút sự chú ý của cử tri vào ông và khiến họ nhìn nhận đất nước như cách ông đang nhìn hay không, bình luận viên Megerian nhận định.
Nguồn: vnexpress.net