Bản chất của quan điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền quốc gia” là sự đề cao quyền con người ở vị trí tối thượng, cá nhân và quyền của họ là tuyệt đối, bất khả xâm phạm, còn quốc gia chỉ là thứ yếu. Quan điểm trên tuyệt đối hóa tính phổ biến mà bỏ qua tính đặc thù của quyền con người, đề cao mặt tự nhiên mà không chú ý đến mặt xã hội là con người không thể sống đơn độc, tách mình ra khỏi cộng đồng.
Tính phổ biến và tính đặc thù của quyền con người là không thể tách rời nhau. Tính đặc thù là biểu hiện cụ thể của tính phổ biến, hay là sự cụ thể hóa của tính phổ biến. Tính phổ biến tồn tại thông qua tính đặc thù nên chắc chắn không thể có việc chỉ có tính phổ biến tồn tại một cách độc lập, đơn nhất. Từ cơ sở của phương pháp luận triết học, có thể khẳng định quyền con người vừa có tính phổ biến, vừa có tính đặc thù; đó là hai mặt không thể tách rời của quyền con người. Quyền con người là những giá trị phổ biến toàn cầu nhưng cũng có tính đặc thù gắn liền với lịch sử, truyền thống, văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc.
Hơn nữa, khi xem xét tính phổ biến cần phải chú ý đến bản chất quyền con người là bình đẳng về tư cách chủ thể của quyền con người chứ không phải cào bằng về mức độ hưởng thụ các quyền. Tự do của mỗi người phải đặt trong mối tương quan với tự do của người khác trong cộng đồng. Việc tuyệt đối hóa quyền của cá nhân mà bỏ quên quyền của cộng đồng, tách rời cá nhân ra khỏi cộng đồng, đi ngược lại với các quy luật tự nhiên là mỗi con người không thể tồn tại một mình mà luôn tương tác với những người khác trong xã hội. Nếu quyền của cá nhân là tuyệt đối thì xã hội sẽ không tồn tại.
Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy, quyền con người được cộng đồng quốc tế, các quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế. Trong đó, trách nhiệm bảo đảm quyền con người trước hết và chủ yếu thuộc về quốc gia. Mỗi quốc gia có quyền quyết định thực hiện những biện pháp phù hợp với các điều kiện về kinh tế, xã hội, văn hóa như xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật. Do vậy, mối quan hệ giữa quyền con người với độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là không thể tách rời. Đồng thời, việc thực thi chủ quyền quốc gia cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc cho người dân. V thế, không có cái gọi là “nhân quyền cao hơn chủ quyền quốc gia”. Việc bóp méo nguyên tắc “bảo đảm quyền con người là nghĩa vụ chung của cộng đồng quốc tế” để thực hiện các hành vi hòng can thiệp vào chủ quyền, công việc nội bộ của Việt Nam và các quốc gia độc lập là vi phạm nguyên tắc “bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia”, “không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác”.
Điều 1 của Hiến chương Liên Hợp Quốc và hai Công ước quốc tế về quyền con người ICCPR, ICESCR (1966) đều khẳng định “mọi dân tộc đều có quyền tự quyết”; quyền này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi việc hiện thực hóa nó là điều kiện cần thiết để bảo đảm tính hiệu quả, thúc đẩy, củng cố việc hưởng thụ quyền con người của các cá nhân. Việc các quốc gia, dân tộc bị can thiệp, lệ thuộc hay bóc lột bởi nước ngoài là vi phạm các nguyên tắc, cũng là vi phạm các quyền cơ bản của con người và trái với Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Trên cơ sở chuẩn mực về quyền con người được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế thừa nhận, cùng với thực tiễn lịch sử đất nước, “quyền con người gắn với độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia” là một trong những tư tưởng nền tảng, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu “lấy con người làm trung tâm”; bảo đảm quyền con người và phát triển con người toàn diện, trên cơ sở “kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc”. Đây là định hướng chính trị quan trọng trong mọi hoạt động bảo đảm quyền con người của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quyền con người gắn liền với độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Quan điểm trên của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế được thực tiễn lịch sử chứng minh. Chỉ khi quốc gia được độc lập, có chủ quyền toàn vẹn và đầy đủ mới có điều kiện thực thi các chính sách, pháp luật phát triển đất nước thịnh vượng, đem lại cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc cho người dân. Và khi đó, quyền của mỗi cá nhân mới được bảo đảm./.
LVD