Chia sẻ vaccine Covid-19 công bằng trên toàn cầu
Trong Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa diễn ra tại Italia vừa qua, các Bộ trưởng Tài chính G20 lên tiếng báo động về nguy cơ phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ bị chậm lại. “Điều gây đe dọa tới phục hồi kinh tế toàn cầu chắc chắn và nhanh chóng là biến thể virus và một đợt dịch mới” - Bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire cho biết.
Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen trong buổi họp báo diễn ra ngày 12-7 bên lề Hội nghị G20 cũng tỏ ra lo lắng và khẳng định rằng: “Biến thể Delta và những biến thể khác có khả năng xuất hiện và đe dọa phục hồi kinh tế. Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế thế giới kết nối, chuyện xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều ảnh hưởng đến tất cả những nước khác”. Hiện biến thể Delta đang gây ra những đợt dịch mới tại châu Á, châu Phi và làm tăng số ca nhiễm hàng ngày tại châu Âu và Mỹ.
Theo các lãnh đạo kinh tế toàn cầu, giải pháp hữu hiệu là tiêm chủng để dần mở cửa trở lại kinh tế cũng như biên giới giữa các quốc gia. Mục tiêu được đề ra là 70% dân số thế giới được tiêm chủng Covid-19 vào năm 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng cho thấy rõ sự cách biệt giữa các nước giàu và nghèo. Theo Hãng tin AFP (Pháp), khoảng 70% dân số ở các nước phát triển đã được tiêm ngừa, nhưng tại các nước có thu nhập thấp, con số này chỉ đạt 1%. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng chỉ rõ sự khác biệt này đang làm suy yếu những nỗ lực lớn hơn để hạn chế sự lây lan của virus.
Tại hội nghị vừa qua, các Bộ trưởng Tài chính G20 cũng nhấn mạnh ủng hộ việc chia sẻ vaccine Covid-19 công bằng trên toàn cầu, ghi nhận khuyến nghị lập quỹ mới tài trợ cho vaccine trị giá 50 tỷ USD mà Quỹ Tiến tệ thế giới (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa ra. Còn các Bộ trưởng thương mại thuộc 21 nền kinh tế thành viên APEC nhất trí mục tiêu đạt được sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch Covid-19, bắt đầu bằng việc tăng tốc phân phối vaccine Covid-19.
4 lĩnh vực hành động đối phó với đại dịch
Đại dịch Covid-19 có thể chỉ là tiền đề cho những đại dịch ngày càng nguy hiểm trong tương lai và các chính phủ cần dành 75 tỷ USD trong 5 năm tới để chuẩn bị ứng phó với những cuộc khủng hoảng này. Đây là nhận định của nhóm các chuyên gia trong báo cáo trước Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Khoản chi 15 tỷ USD/năm được khuyến nghị cao hơn gấp đôi mức chi tiêu hiện tại, nhưng là không đáng kể so với các chi phí của một đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới khác. Để lấp đầy “những khoảng trống lớn” trong việc chuẩn bị đối phó với đại dịch, nhóm chuyên gia đã xác định 4 lĩnh vực hành động chính gồm giám sát bệnh truyền nhiễm, sức chống đỡ của các hệ thống y tế quốc gia, việc cung cấp và phân phối vaccine cùng các loại thuốc điều trị khác và quản trị toàn cầu.
Báo cáo kêu gọi thành lập Quỹ đối phó với những đe dọa y tế toàn cầu hàng năm trị giá 10 tỷ USD, cùng với 5 tỷ USD để tăng cường hoạt động trong khuôn khổ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tạo ra các nhóm chuyên trách về đại dịch trong Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển đa phương. Ngoài ra, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ cần bổ sung thêm khoảng 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chi cho y tế trong năm năm tới.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers, đồng chủ tịch nhóm chuyên gia gồm 23 thành viên cùng với Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala và cựu Bộ trưởng Tài chính Singapore, Tharman Shanmugaratnam khẳng định: “Việc chi hàng chục tỷ USD có thể tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ USD” và tỏ ra “lạc quan một cách thận trọng” rằng các khuyến nghị sẽ được thực hiện. Bà Okonjo-Iweala cũng cho biết, các Bộ trưởng Tài chính cùng có đánh giá tích cực, đồng thời tin tưởng báo cáo sẽ được thực hiện.
Với cương vị là Chủ tịch luân phiên G20, Italia sẽ xem xét các khuyến nghị trên trước khi tổ chức hội nghị chung các Bộ trưởng Y tế và Tài chính vào tháng 10-2021.
Cùng nhau vượt qua đại dịch và khủng hoảng kinh tế
Tại Hội nghị G20 vừa qua, các Bộ trưởng Tài chính nhất trí hướng tới mục tiêu trở thành cầu nối cho các nỗ lực duy trì sự phục hồi nhọc nhằn hiện nay, thông qua việc tìm ra các giải pháp chung nhằm đảm bảo sức khỏe là một lợi ích chung toàn cầu và tăng cường khả năng chuẩn bị đối phó với các đại dịch; thúc đẩy môi trường quốc tế thuận lợi cho đầu tư và tăng trưởng; duy trì sự ổn định tài chính toàn cầu; hỗ trợ các nền kinh tế dễ bị tổn thương và củng cố cấu trúc tài chính quốc tế; làm cho hệ thống thuế quốc tế trở nên công bằng và minh bạch hơn; bảo vệ hành tinh trong khi cải thiện điều kiện sống cho tất cả mọi người.
Các Bộ trưởng Tài chính G20 ủng hộ một sáng kiến của IMF để tăng cường viện trợ cho những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thông qua việc phân bổ 650 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt (SDR), tài sản dự trữ quốc tế do IMF tạo ra để cung cấp thêm thanh khoản cho các quốc gia.
Trong khi đó, tại một diễn biến khác, ngày 12-7, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã triệu tập một cuộc họp không chính thức giữa lãnh đạo ccác nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào ngày 16-7 tới để tìm giải pháp khẩn cấp cho cuộc khủng hoảng dịch Covid-19. Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết, cuộc họp sắp tới sẽ thảo luận các vấn đề như triển khai tiêm vaccine Covid-19, các biện pháp bảo vệ việc làm và nền kinh tế.
Trong tuyên bố, Thủ tướng Ardern nêu rõ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử APEC lãnh đạo các nền kinh tế thành viên có một cuộc họp bổ sung. Điều này phản ánh mong muốn của các nhà lãnh đạo APEC cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế. Tuyên bố nhấn mạnh trong năm qua, các nền kinh tế APEC đã ghi nhận sự suy giảm mạnh nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, với 81 triệu việc làm bị mất, do đó một phản ứng chung là rất quan trọng để thúc đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế cho khu vực.
“Mục tiêu được đề ra là 70% dân số thế giới được tiêm chủng Covid-19 vào năm 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng cho thấy rõ sự cách biệt giữa các nước giàu và nghèo. Khoảng 70% dân số ở các nước phát triển đã được tiêm ngừa, nhưng tại các nước có thu nhập thấp, con số này chỉ đạt 1%. Sự khác biệt này là một “sự phẫn nộ về mặt đạo đức”, làm suy yếu những nỗ lực lớn hơn để hạn chế sự lây lan của virus. Trong khi một số quốc gia giàu nhất hiện đã tiêm cho hơn 2/3 công dân của họ ít nhất một mũi vaccine, thì con số này giảm xuống dưới 5% ở nhiều quốc gia châu Phi”.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus
Nguồn: anninhthudo.vn