Kiểm soát và khống chế lòng Biiển Đông
Theo hãng tin Mỹ BenarNews ngày 8-6, những hình ảnh và dữ liệu vệ tinh của hãng Planet Labs (Mỹ) cho thấy một chiếc tàu của Trung Quốc tiến hành đặt cáp ngầm tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Giới chuyên gia cho rằng, cáp ngầm mà Trung Quốc lắp đặt có thể được dùng vào mục đích quân sự, giúp Bắc Kinh kiểm soát đáy biển, tăng cường khả năng phát hiện tàu ngầm.
Từ dữ liệu theo dõi tàu thuyền, giới chuyên gia xác định chiếc tàu hạ đặt cáp ngầm mang tên Tian Yi Hai Gong treo cờ Trung Quốc rời cảng Thượng Hải vào ngày 18-5 và xuất hiện tại quần đảo Hoàng Sa từ 28-5 tới nay. Con tàu đã tiến hành hoạt động tại khu vực biển quanh đảo Cây (Tree Island), đảo Bắc (North Island), đảo Duy Mộng, đảo Ba Ba (Yagong), bãi Xà Cừ (Observation Bank) và đảo Phú Lâm.
Các chuyên gia cho rằng, dù hình ảnh vệ tinh thương mại không thể xác định rõ hoạt động của tàu Tian Yi Hai Gong là đặt cáp mới, sửa chữa, hoặc nâng cấp hệ thống cáp hiện có, song chắc chắn con tàu này làm công việc có liên quan đến cáp ngầm dưới biển. Bởi tất cả các địa điểm mà tàu Tian Yi Hai Gong hoạt động đều là các căn cứ quân sự của Trung Quốc. Trước đó, năm 2016 Trung Quốc đã bị phát hiện tiến hành hạ đặt cáp ngầm dưới đáy biển thuộc vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hãng tin Reuters dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng, đó là tuyến cáp ngầm nối căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm với đảo Hải Nam.
Giới chuyên gia quân sự cũng nhận định, động thái mới nhất của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa nhằm phục vụ mục đích quân sự vì cáp ngầm có thể giúp Trung Quốc tăng cường khả năng phát hiện tàu ngầm đối thủ, kiểm soát lòng biển. Giáo sư James Kraska thuộc Đại học Hải chiến Mỹ nhận định, Trung Quốc có thể đang thiết lập mạng lưới cáp ngầm nhằm phục vụ cho việc liên lạc quân sự được mã hóa giữa các căn cứ quân sự của nước này ở Biển Đông.
Nguồn: anninhthudo.vn