Bồ Đào Nha là điểm đến đầu tiên ở châu Âu mà ông Lula da Silva thăm chính thức kể từ khi nhậm chức Tổng thống Brazil nhiệm kỳ thứ ba vào đầu tháng Giêng năm nay. Theo tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Brazil, “chuyến đi là một phần trong quá trình kích hoạt lại quan hệ ngoại giao của Brazil với các đối tác chính của mình, tương tự chuyến thăm Trung Quốc 10 ngày trước, sau Mỹ, Argentina và Uruguay vào thời kỳ đầu của chính phủ”.
Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa đón Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Đệ nhất phu nhân Rosangela da Silva ngày 22/4 tại thủ đô Lisbon. (Nguồn: AP) |
Hiển nhiên, chuyến thăm mang ý nghĩa quan trọng. Điểm nhấn chính là việc khởi động lại hội nghị thượng đỉnh Bồ Đào Nha-Brazil, được tổ chức lần gần nhất vào năm 2016 dưới thời Tổng thống Michel Temer. Hai bên dự kiến ký kết 13 thỏa thuận song phương, trong đó có thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan vũ trụ của hai nước.
Nhà lãnh đạo cánh tả dự kiến có kế hoạch phát biểu trước Quốc hội Bồ Đào Nha vào ngày 25/4, ngày kỷ niệm Cách mạng Hoa cẩm chướng năm 1974 đã chấm dứt gần nửa thế kỷ cai trị độc tài ở Bồ Đào Nha.
Thương mại cũng là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự. Tổng thống Lula da Silva đến Bồ Đào Nha còn với tham vọng thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận khung về Hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa EU và khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Thỏa thuận khung đã được ký kết vào năm 2019 sau hai thập kỷ đàm phán khó khăn, song vẫn chưa được phê chuẩn.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của người tiền nhiệm Jair Bolsonaro (2019-2023), Pháp và các thành viên EU khác lo ngại rằng thỏa thuận này có thể làm gia tăng sự phá hủy rừng nhiệt đới Amazon cũng như hoài nghi về chính sách đối phó với tình trạng biển đổi khí hậu của Brasilia.
Trong khi đó, ông Lula da Silva cố gắng chứng tỏ rằng, bảo vệ môi trường là ưu tiên hàng đầu của chính phủ và hứa sẽ chấm dứt nạn phá rừng bất hợp pháp vào năm 2030.
Theo Giáo sư Guilherme Casarões, nhà khoa học chính trị của tổ chức Getulio Vargas Foundation (Brazil), “thông qua chuyến đi Bồ Đào Nha, ông Lula đang tìm cách xích lại gần EU hơn”. Bồ Đào Nha là một đồng minh của Brazil trong EU và có thể “đóng vai trò nền tảng để Brazil bảo vệ lập trường của mình trong các cuộc đàm phán”.
Brasil vốn là thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha và hiện có khoảng 250.000 người Brazil đang sinh sống tại quốc gia châu Âu này. |
Tuy nhiên, trọng tâm như vậy của chuyến thăm chưa đủ để thu hút sự quan tâm của dư luận. Điều khiến sự hiện diện của Tổng thống Lula da Silva tại thủ đô Lisbon “dậy sóng” lại chính là những tuyên bố mới đây của ông, khi khẳng định Kiev và phương Tây chia sẻ một số trách nhiệm trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Cuối tuần trước, nhà lãnh đạo cánh tả phát biểu với báo giới rằng Ukraine và Nga đều đã chọn tham chiến và viện trợ quân sự của phương Tây đang thúc đẩy chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Kêu gọi các cường quốc phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev, ông nói rằng Mỹ nên "ngừng khuyến khích” xung đột và “bắt đầu thảo luận về hòa bình" ở Ukraine.
Tổng thống Lula nêu đề xuất thành lập một nhóm quốc gia không dính líu đến xung đột, bao gồm Brazil và Trung Quốc, làm trung gian cho một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.
Ngay lập tức, cả Mỹ và EU đều phản ứng trước các tuyên bố của Tổng thống Brazil. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nhấn mạnh các bình luận của ông Lula “là sai lầm” và cáo buộc ông Lula đang bắt chước cách tuyên truyền của Nga và Trung Quốc.
Phát ngôn viên về đối ngoại của EU Peter Stano cho biết tất cả các khoản viện trợ đều hướng đến "quyền tự vệ hợp pháp" của Ukraine. EU còn muốn nói chuyện trực tiếp với các quan chức chính phủ Brazil để làm rõ rằng chỉ Ukraine mới có thể quyết định thời điểm thích hợp cho một lệnh ngừng bắn với Nga.
Tuyên bố của Tổng thống Lula còn gây mếch lòng chính những người Ukraine tại Bồ Đào Nha. Ngày ông đến Lisbon, nhiều người tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Brazil ở Lisbon, vẫy cờ Ukraine và cầm những bức ảnh mô tả sự tàn bạo của cuộc xung đột.
Việc Brazil chào đón Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) tới Brasilia hôm 17/4 cũng khiến Mỹ không hài lòng. (Nguồn: AFP) |
Trong bối cảnh như vậy, giới quan sát cho rằng ông Lula “mượn” chuyến thăm 4 ngày tới Bồ Đào Nha để xoa dịu căng thẳng với Ukraine và phương Tây. Nhà lãnh đạo 77 tuổi được cho là kiểm soát những lời chỉ trích đối với phương Tây khi tìm cách duy trì tính trung lập của Brazil.
Theo Giáo sư Guilherme Casarões, chuyến công du là cơ hội để sửa chữa một số thiệt hại trong quan hệ Brazil-EU do những bình luận của ông gây ra.
“Đây có thể là một bước đi quan trọng để ông Lula thể hiện rằng mình thực sự sẵn sàng áp dụng quan điểm cân bằng hoặc bình đẳng giữa các bên liên quan đến cuộc xung đột, có khả năng cho phép Brazil đóng vai trò hòa giải trong trung hạn”, ông Casarões nói.
Trong chuyến thăm Brazil ngày 17/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ “biết ơn những người bạn Brazil vì họ đã hiểu rõ nguồn cơn sự tình” và “mong muốn đóng góp vào việc tìm cách giải quyết tình trạng này”. |
Trước sự chỉ trích từ phương Tây, ông Lula hôm 18/4 đã thay đổi giọng điệu, lên án "sự vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine" của Nga.
Mặc dù vậy, có vẻ như nhà lãnh đạo Brazil phớt lờ “cơn giận” của Mỹ và EU khi phát biểu với báo giới tại Lisbon sau cuộc gặp với Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa hôm 22/4 rằng, ông không muốn “làm hài lòng bất kỳ ai” với quan điểm của mình về cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Ông nói: "Mặc dù chính phủ của tôi lên án hành vi vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, nhưng chúng tôi ủng hộ một giải pháp chính trị thông qua đàm phán cho cuộc xung đột”.
Nhấn mạnh mục tiêu “xây dựng một cách để đưa cả hai bên (Nga và Ukraine) ngồi vào bàn đàm phán”, ông “muốn tìm một giải pháp thay thế thứ ba (để giải quyết xung đột), đó là xây dựng hòa bình”.
Liên quan đến chỉ trích của Kiev cho rằng nhà lãnh đạo Brazil xem Ukraine tương đồng với Nga, ông Lula chỉ ra, Brasilia đã lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Liên hợp quốc và khẳng định, ông không bao giờ "đánh đồng" Moscow và Kiev.
Tổng thống Brazil nhắc lại rằng đất nước của ông muốn đứng ngoài cuộc xung đột, đó là lý do ông từ chối bán tên lửa cho Ukraine, vì “Brazil muốn xây dựng hòa bình”.
Trong khi đó, Tổng thống nước chủ nhà cho biết lập trường của hai nước về cuộc xung đột là khác nhau. Bồ Đào Nha là thành viên sáng lập của NATO và đã gửi thiết bị quân sự tới Ukraine. Theo quan điểm của Lisbon, Kiev có quyền tự vệ và "thu hồi" lãnh thổ của mình.
Xung đột Nga-Ukraine trở thành tâm điểm trong nhiều cuộc gặp cấp cao trên thế giới thời gian qua, không loại trừ những cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo Brazil và Bồ Đào Nha ở Lisbon. Kịch tính của chuyến thăm tăng lên với những phát biểu chỉ trích Ukraine và phương Tây của vị khách đến từ Brazil, nhân vật được tạp chí Time đưa vào danh sách những người có ảnh hưởng nhất thế giới vào tuần trước.
Mặc dù chuyến thăm "phủ bóng" với những phát biểu làm phiền lòng Mỹ và EU khiến nhà lãnh đạo Lula buộc phải có sự điều chỉnh nhất định trong phát ngôn lần này, sự hiện diện của vị Tổng thống tại Lisbon và sắp tới là Madrid (Tây Ban Nha) vẫn phần nào thể hiện kết quả trong việc thúc đẩy quan hệ song phương và vị thế "Brazil trở lại" trên trường quốc tế. Có điều chắn chắn là, chính trị gia kỳ cựu này hẳn sẽ phải cẩn trọng hơn với những tuyên bố của mình.
Nguồn: baoquocte.vn