Nếu suy xét kỹ về mặt thời điểm, hành động của Tổng thống Putin không gây bất ngờ. (Nguồn: AP) |
Phần lớn mọi người cho rằng việc Tổng thống Putin phát động một “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine là hành động bất ngờ nhưng nếu đánh giá kỹ càng, có nhiều lý do khiến ông Putin cảm thấy “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để hành động.
Trước ngày 24/2, mọi nỗ lực ngoại giao từ phía Mỹ, EU được tích cực triển khai với nhiều chuyến thăm của lãnh đạo EU tới Ukraine và Nga, như chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz… Đổi lại, Nga cũng đã phát đi tín hiệu rút bớt quân khỏi biên giới với Ukraine.
Những tưởng các nỗ lực ngoại giao đó đã giúp hạ nhiệt cho cuộc khủng hoảng và các cố gắng từ nhiều phía sẽ được đền đáp. Nhưng không, quyết định từ Điện Kremlin như "gáo nước lạnh" làm cho các nỗ lực ngoại giao trước đó "đổ ra sông ra bể", chẳng khác gì “dã tràng xe cát Biển Đông".
Động lực nào để Tổng thống Putin hành động nhanh, bất ngờ, gây ngỡ ngàng như vậy? Cần phải suy xét về thời điểm mà có lẽ ông Putin cho rằng là cần thiết để tạo ra một bước ngoặt, một câu trả lời với thế giới về những suy tính của Moscow.
Thứ nhất, đó là nhân tố Mỹ. Đối với Mỹ, hiện tại và những năm sắp tới, Bắc Kinh mới là đối thủ cạnh tranh chiến lược mang tầm thế kỷ của Mỹ. Khi rút khỏi cuộc chiến ở Afghanistan, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã tuyên bố về sự dịch chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngày 11/2 vừa qua, trong bối cảnh cả thế giới đổ dồn mắt về Ukraine, Nhà Trắng đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới với mục tiêu chính là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ngoài ra, Ông Putin cũng nắm được “điểm yếu” của Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi vừa mới nắm quyền được hơn một năm với trọng tâm chính sách đối ngoại là hàn gắn quan hệ với các đồng mình, đối tác, tránh căng thẳng xung đột.
Thứ hai, về phía liên minh châu Âu (EU), hai “thuyền trưởng” là Pháp và Đức cũng không muốn cuộc khủng hoảng leo thang đến mức chiến tranh và đối đầu trực diện bằng vũ lực với Nga.
Lý do đơn giản là vì năm nay nước Pháp đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống. Do đó, ông Emmanuel Macron cũng muốn nhân cơ hội này “ghi điểm” với cử tri bằng cách thực hiện ngoại giao hòa giải, tránh xung đột với Nga.
Về phần mình, chính phủ của Đức dưới sự lãnh đạo của ông Olaf Scholz, sau kỷ nguyên của bà Angela Merkel, cũng đang cần củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong một chính phủ đa đảng gồm đại diện của SPD, FDP và Đảng Xanh mới thành lập.
Ngoài ra, chưa kể đến Đức và Nga còn “làm ăn” trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2, nên chiến tranh không phải là lựa chọn của hai đối tác này. Chiến tranh chắc chắn cũng là điều không một nhà lãnh đạo EU nào, đặc biệt là “bộ đôi song mã” Pháp và Đức mong muốn vào thời điểm này.
Thứ ba, ông Putin cũng “nằm lòng” rất rõ tình hình nội bộ bên trong Ukraine. Vùng Donbass, nơi hai nhà nước cộng hòa nhân dân Donetsk và Luhansk tự xưng có đường biên giới chung với Nga dài khoảng 400km và có 3,6 triệu dân, phần lớn là người Nga.
Moscow xưa nay đều coi khu vực này là vùng lãnh thổ “của mình” ngoài Nga. Từ năm 2014, lực lượng ly khai ở đây đã được Nga hỗ trợ mạnh mẽ cả về vật chất và tinh thần. 72.000 hộ chiếu Nga đã được cấp cho các công dân ở vùng Donbass.
Mấy tháng qua, tình hình ở đây nóng không khác gì “thùng thuốc súng” chỉ chờ một tia lửa nhỏ là có thể bùng phát thành chiến tranh.
Vì vậy không có gì ngạc nhiên, khi nhận được lời mời từ phía hai nhà nước tự xưng Donetsk và Luhansk, ông chủ Điện Krelmin ngay lập tức đã ra quyết định thực hiện một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm lập lại “hòa bình” và “bảo vệ các công dân Nga”.
Thứ tư, sâu xa hơn cả là ông Putin đã mất lòng tin vào Mỹ và phương Tây, khi nước Nga không vẫn không nhận được bất kỳ sự cam kết nào đối với yêu cầu không kết nạp Ukraine vào NATO và không được triển khai lực lượng quân sự ở các nước thành viên Đông Âu khác.
Như vậy, chắc chắn Tổng thống Putin sẽ không chùn bước, mặc cho nước Nga phải hứng chịu “búa rìu” dư luận từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Lịch sử đã cho thấy, trong vòng 8 năm qua, các sự kiện ở Gruzia năm 2008 và ở Crimea năm 2014 đã chứng minh ông Putin là người quyết đoán, thực hiện các quyết định một cách nhanh chóng, bất ngờ, không cho đối thủ kịp phản ứng.
Lần này, quyết định của ông Putin trong quan hệ với Ukraine đặt thế giới trước một tình huống có thể ảnh hưởng tới lòng tin của nhiều quốc gia về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, về những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc.
Dù thế nào đi chăng nữa, cộng đồng quốc tế vẫn phải kiên trì con đường giải quyết hòa bình các xung đột, các nỗ lực ngoại giao vẫn cần phải được thúc đẩy. Luật pháp quốc tế vẫn phải được tôn trọng, các bên không nên từ bỏ “chìa khóa” ngoại giao, công cụ quan trọng để giải quyết hòa bình xung đột.
Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế vẫn phải tiếp tục lên tiếng phản đối bạo lực, xung đột vũ trang và nhất là bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân vô tội. Chỉ có như thế, hòa bình mới được lập lại, luật pháp mới được tôn trọng.
Nguồn: baoquocte.vn