“Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ký nghị định thư về việc Thụy Điển gia nhập NATO vào ngày 23/10 và gửi tới Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ", Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson hoan nghênh động thái này của Thổ Nhĩ Kỳ. “Bây giờ việc giải quyết vấn đề là việc của quốc hội”, ông Ulf Kristersson nói.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay, ông mong chờ một "cuộc bỏ phiếu nhanh chóng" tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và sớm chào đón Thụy Điển là thành viên NATO.
Tại Hội nghị thượng đỉnh của NATO diễn ra ở thủ đô Vilnius của Litva hồi tháng 7, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết ông sẽ trình hồ sơ xin gia nhập NATO của Thụy Điển lên quốc hội nước này để tiến hành biểu quyết thông qua.
Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là hai thành viên NATO còn lại chưa phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển. Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái, chấp nhận từ bỏ các chính sách không liên kết quân sự kéo dài suốt nhiều thập kỷ của Chiến tranh Lạnh nhằm phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Tuy nhiên, Phần Lan đã chính thức trở thành thành viên của NATO hồi tháng 4 năm nay. Trong khi đó, quan hệ giữa Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ đã ngày càng xấu đi sau các hành vi báng bổ kinh Koran xảy ra ở Thụy Điển. Trước đó, Ankara cũng cho rằng Thụy Điển chứa chấp các thành viên của đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Thổ Nhĩ Kỳ đặt ngoài vòng pháp luật.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã thực hiện quyền phủ quyết của mình trong nhiều tháng, cho rằng Thụy Điển chưa có đủ động thái trong việc dẫn độ những người có liên quan đến các nhóm người Kurd mà Ankara coi là tổ chức khủng bố.
Chưa hết, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ dùng F-16 "ra giá" để đồng ý Thụy Điển gia nhập NATO. Theo đó, ông Recep Tayyip Erdogan từng nói Ankara phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển phụ thuộc vào việc liệu chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thực hiện cam kết phê duyệt bán máy bay chiến đấu F-16 cho Ankara hay không.
Trước đó, một số thượng nghị sĩ Mỹ đe dọa sẽ chặn thương vụ Mỹ bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ trừ khi Ankara chấp thuận Thụy Điển.
Nguồn: vtc.vn