Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Tam giác chiến lược Washington - Bắc Kinh - Mátxcơva
Nếu Bắc Kinh có khả năng theo dõi cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva, Thụy Sỹ với một chút lo lắng, thì New Delhi có lẽ vô cùng hào hứng với cuộc gặp này. Bởi mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Mỹ và Nga chắc chắn sẽ giúp Ấn Độ dễ dàng hơn trong việc cân bằng với một Trung Quốc ngày càng cứng rắn.
Ấn Độ không phải quốc gia duy nhất ở châu Á mong muốn quan hệ Nga - Mỹ “hạ nhiệt”. Nhiều quốc gia khác trong khu vực tin rằng vai trò độc lập của Nga sẽ tạo ra nhiều chỗ trống cho họ trong cuộc đối đầu đang nổi lên giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, những người hoài nghi lại cho rằng nhiều vấn đề khó khăn sẽ tiếp tục cản trở mối quan hệ Mỹ - Nga. Nếu nỗi lo sợ của Trung Quốc về việc Mỹ lôi kéo Nga ra khỏi ảnh hưởng của họ là quá xa vời, thì việc phần còn lại của châu Á có thể hy vọng về một sự thiết lập lại động lực tam giác giữa Washington - Bắc Kinh - Mátxcơva là một điều phi thực tế. Đặc biệt, sự nới lỏng chỉ một chút trong tam giác chiến lược lớn này cũng có thể gây ra những tác động đáng kể tới cục diện địa chính trị tại châu Á. Tác động tức thì của quan hệ giữa Mỹ - Nga sẽ là ở châu Âu, do đó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến châu Á.
Trật tự an ninh châu Âu từ lâu đã là địa thế tranh chấp giữa Mỹ và Nga. Việc Liên Xô tan rã vào năm 1991 đã dẫn đến một thập kỷ tương đối hòa hợp giữa Nga và Mỹ. Nhưng vào đầu thiên niên kỷ này, mối quan hệ này trở nên xung đột hơn nhiều và càng thêm phần rạn nứt kể sau sự việc Crimea vào năm 2014.
Quyết định gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống của mình cho thấy ông Joe Biden đang có một cái nhìn mới mẻ về mối quan hệ vốn không suôn sẻ với Nga, trong bối cảnh ông Joe Biden đang muốn tập trung vào thách thức lớn hơn từ Trung Quốc và sự cần thiết phải huy động sự ủng hộ của châu Âu cho cuộc cạnh tranh địa chính trị mới với Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như sẵn sàng để đảo ngược xu hướng thường thấy ở Washington rằng Mỹ có thể và phải đồng thời đối đầu với cả Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Mỹ giảm căng thẳng với Nga sẽ giúp châu Âu dễ dàng chú ý hơn đến châu Á và hỗ trợ các nỗ lực của Mỹ tại khu vực này nhằm cân bằng với Trung Quốc. Ấn Độ, cùng với Nhật Bản đang đẩy mạnh nỗ lực thu hút các cường quốc châu Âu, bao gồm cả Anh, trở lại trật tự an ninh châu Á. Trong khi Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên chủ chốt đang bắt đầu phát triển các cách tiếp cận mới đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nhận ra những thách thức mang tính hệ thống do Trung Quốc gây ra, thì sự đóng góp tiềm năng của châu Âu đối với an ninh châu Á sẽ bị hạn chế bởi những mối đe dọa gần hơn từ Nga.
Thế cân bằng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Quan hệ tốt đẹp giữa Nga và Mỹ chắc chắn sẽ phục vụ lợi ích của cả hai, nhưng không ai dám chắc rằng điều này nằm trong tầm tay. Trong nội bộ nước Mỹ, có rất ít sự ủng hộ chính trị đối với mối quan hệ tích cực với Nga, cũng như ở châu Âu, không có sự nhất trí về cách đối phó với Nga. Tuy nhiên, hoàn cảnh thường có thể buộc các quốc gia phải làm những điều dường như không thể. Ngay cả việc tạm dừng xung đột giữa Nga và phương Tây có thể tạo tiền đề cho một cuộc tái cơ cấu địa chính trị Á - Âu tiềm năng. Một châu Âu bớt lo lắng về Nga có thể đóng một vai trò lớn hơn ở châu Á.
Không ít hoài nghi tại Washington cho rằng liệu Mátxcơva có thể đóng góp theo cách có lợi cho phương Tây ở châu Á hay không. Mối quan hệ của Nga với Trung Quốc ngày nay đang rất tích cực và Mátxcơva đang mong muốn tăng cường các mối quan hệ đó. Cơ cấu hợp tác hai bên được đánh giá đang rất sâu sắc và toàn diện. Ngay cả khi Mỹ và châu Âu đưa ra một thỏa thuận lớn có thể chấp nhận được với Nga, thì cũng không chắc là Mátxcơva sẽ muốn đổi lại mối quan hệ bền chặt của mình với Bắc Kinh.
Nhưng Nga chưa liên minh với Trung Quốc và cũng không nên cho rằng Mátxcơva sẽ trở thành đối tác của Bắc Kinh. Nếu Nga hòa hoãn với Mỹ và tìm được chỗ đứng chính trị mới với châu Âu, Mátxcơva có thể ít thôi thúc hơn trong việc nghiêng về phía Trung Quốc tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và có nhiều khả năng giành được vai trò độc lập trong vấn đề an ninh châu Á.
Sự trung lập, hay thậm chí là ủng hộ của Nga sẽ rất đáng giá đối với Ấn Độ và Nhật Bản trong lúc hai nước tìm cách khôi phục thế cân bằng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thế cân bằng này trước đó vốn bị phá vỡ bởi thái độ ngày càng cứng rắn của Trung Quốc. Phần còn lại của châu Á cũng cởi mở trước khả năng Nga đóng góp vai trò lớn hơn trong khu vực. Cục diện trên có thể thay đổi nếu quan hệ giữa Nga và Mỹ cùng châu Âu ít xung đột hơn, đồng thời Nga xa rời chính sách của Trung Quốc tại châu Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trên hết, nhu cầu an ninh ở châu Á lúc này đang rất lớn. Cả Mỹ, châu Âu, và phần lớn châu Á đều sẽ có lợi nếu Nga là người đóng góp vào an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vì thế, diễn biến cuộc gặp đang được châu Á theo dõi rất sát sao.
Nguồn: anninhthudo.vn