Xung đột ngoại giao giữa hai nước đang cắt giảm hoạt động thương mại song phương, khiến nhiều tàu chở hàng không thể hoạt động và có nguy cơ gây ra khủng hoảng nhân đạo.
Theo các phân tích riêng về dữ liệu vận chuyển do hãng Bloomberg và công ty dữ liệu tình báo Kpler thu thập được, hơn 50 tàu chở than từ Úc đã chờ một tháng hoặc lâu hơn để được bốc dỡ hàng hóa.
Theo Kpler, khoảng 5,7 triệu tấn than và khoảng 1.000 thuyền viên đang trên các tàu neo đậu, chủ yếu là các tàu cỡ Capesize (tàu chở hàng khô lớn nhất) và Panamax (tàu có tải trọng lên đến 80.000 tấn).
Đây là hậu quả của việc Trung Quốc đưa vào danh sách đen hàng loạt hàng hóa và thực phẩm của Úc, làm gia tăng căng thẳng giữa hai đối tác thương mại vốn đã xấu đi kể từ khi Tập đoàn Huawei bị cấm thiết lập mạng 5G tại Úc vào năm 2018.
Bloomberg từng đưa tin vào tháng 10 rằng các nhà máy điện và nhà máy thép của Trung Quốc đã được yêu cầu ngừng sử dụng than của Úc và các cảng được chỉ thị không bốc dỡ hàng.
Hơn 50 tàu chở than phải chờ ngoài khơi các cảng Trung Quốc hơn 1 tháng. Ảnh: Reuters
Ông Wang Xiaolong, vụ trưởng vụ kinh tế quốc tế của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm 23-11 cho rằng các biện pháp thương mại gần đây mà Trung Quốc thực hiện nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phù hợp với các nghĩa vụ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Lệnh cấm đối với than của Úc được thực hiện song song với một nỗ lực lớn hơn nhằm hạn chế nhập khẩu nhiên liệu, một chiến thuật phổ biến mà Bắc Kinh sử dụng để nâng giá than trong nước và hỗ trợ các công ty khai thác địa phương. Theo Tập đoàn năng lượng Wood Mackenzie (Anh), kim ngạch nhập khẩu than hàng tháng của Trung Quốc gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần một thập kỷ.
Tuy nhiên, các nhà chức trách có thể tăng hạn ngạch nhập khẩu để ổn định giá khi nhu cầu tăng cao vào mùa đông sắp tới.
Dữ liệu hàng hải do Bloomberg phân tích cho thấy tổng cộng có 66 tàu chở than của Úc đang ở trong vùng biển Trung Quốc, phần lớn trong số đó ở ngoài khơi bờ biển phía Đông Bắc gần các cảng Jingtang và Caofeidian.
Hãng Kpler xác định có 53 tàu chở than của Úc đã chờ từ 4 tuần trở lên để được dỡ hàng tại các cảng của Trung Quốc. 39 tàu trong số này đang chở khoảng 4,1 triệu tấn than luyện kim (dùng để sản xuất than cốc chất lượng tốt). 9 tàu khác chở khoảng 1,1 triệu tấn than nhiệt và 5 tàu chở các loại than chưa được xác định.
Giá trị than trên các tàu được Kpler xác định vào khoảng 519 triệu USD. Theo Kpler, các tàu chở than của tất cả các nhà xuất khẩu thường chỉ đợi từ 3-5 ngày để được cập bến vào thời điểm trước khi Trung Quốc hạn chế các chuyến hàng từ Úc.
Nguồn: nld.com.vn