Kể từ khi COVID-19 lần đầu xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc đã nhanh chóng có những chính sách khắc phục đại dịch hiệu quả. Kết quả là nước này gần như kiềm chế được đại dịch với mức tổn thương ít hơn hẳn so với những nền kinh tế lớn khác. Mức tăng trưởng GDP trong quý III của Trung Quốc đạt tới 4,9%. Nhưng đại dịch không chỉ gây tổn hại đến kinh tế, y tế, mà còn đến hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới.
Ứng xử sai lầm trước đại dịch
Các nhà phân tích cho rằng việc chính phủ Trung Quốc xử lý đại dịch thiếu minh bạch đã thúc đẩy sự cảnh giác từ các nước. Theo khảo sát của trung tâm Nghiên cứu Pew, những nước có ác cảm nhiều nhất với Trung Quốc là Tây Ban Nha, Đức, Canada, Hà Lan, Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Thụy Điển và Australia.
Dù COVID-19 xuất hiện tại Vũ Hán từ tháng 12/2019, nhưng đến 20/1/2020, Trung Quốc mới xác nhận virus lây từ người sang người. Trong thời gian đó, cập nhật hàng ngày của cơ quan y tế địa phương về "bệnh viêm phổi do virus không rõ nguyên nhân" đã bị dừng trong hơn 10 ngày do Hồ Bắc và Vũ Hán tổ chức các cuộc họp chính trị thường niên.
Thậm chí, bác sĩ Lý Văn Lượng của bệnh viện Trung ương Vũ Hán còn bị cảnh sát địa phương khiển trách vì chia sẻ thông tin về mức độ nghiêm trọng của căn bệnh với bạn bè trên mạng. Bác sĩ Lý qua đời hồi tháng 2 ở tuổi 34 vì nhiễm nCoV. Cái chết của anh làm dấy lên làn sóng đau buồn và tức giận trong những người dân theo dõi vụ việc.
"Sự thiếu minh bạch làm hoen ố hình ảnh của Trung Quốc", ông Huang Yanzhong, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, tổ chức tư vấn tại New York, nói. "Tuy nhiên, toàn thế giới ban đầu nhìn chung thông cảm, hoặc ít nhất là trung lập, đối với Trung Quốc. Hầu hết quốc gia sẵn sàng giúp đỡ, cho đến khi các thuyết âm mưu xuất hiện sau tháng 2 và Bắc Kinh phản ứng kịch liệt trước những lời chỉ trích từ Washington, dẫn đến chính trị hóa COVID-19".
Việc Bắc Kinh tự ca ngợi thành quả của mình trong cuộc chiến chống COVID-19 là đã “mua được thời gian quý báu cho thế giới” càng góp thêm lửa cho những phản ứng dữ dội trên toàn cầu.
“Việc này đã gây phản tác dụng đối với Trung Quốc..., trong cuộc chạy đua phát triển vaccine, bạn có thể thấy Trung Quốc đang cố gắng cạnh tranh với các quốc gia khác và không tuân theo quy trình phù hợp khi thử nghiệm vaccine”, Jacques deLisle, chuyên gia về luật pháp và chính trị Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania, nói.
Tự dồn mình vào chân tường
Theo các nhà phân tích quan hệ chính trị và đối ngoại, những bước đi sai lầm ban đầu của Trung Quốc trong việc xử lý đại dịch COVID-19 cũng như việc chậm trễ công bố thông tin đều góp phần dẫn đến cái nhìn thiếu thiện cảm từ thế giới. Tuy nhiên, những phản ứng quyết liệt của nước này trong xung đột với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mới là yếu tố gây mất thiện cảm lớn nhất.
Tổng thống Trump cho rằng virus gây ra COVID-19 rò rỉ từ viện Virus học Vũ Hán, một cơ sở an toàn sinh học cấp 4 được phép xử lý các loại virus nguy hiểm nhất thế giới. Đáp lại, truyền thông nhà nước Trung Quốc sử dụng chiến thuật "ăn miếng trả miếng". Nước này cáo buộc Ngoại trưởng Mike Pompeo, người đã công khai ủng hộ và thúc đẩy các tuyên bố của Trump, là "phát tán virus chính trị".
"Có thể chính quân đội Mỹ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán. Mỹ nợ chúng ta một lời giải thích", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên viết trên Twitter hồi tháng 3.
Các cuộc đấu khẩu qua lại về vấn đề này làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước và làm dấy lên làn sóng bài ngoại ở Mỹ và các nơi khác.
Kể từ đó, truyền thông Trung Quốc ngày càng tích cực ca ngợi những thành tựu kinh tế của họ sau suy thoái và quảng bá về sự hào phóng của Trung Quốc trên toàn cầu khi hỗ trợ các nước thiết bị y tế.
Chen Daoyin, nhà khoa học chính trị độc lập là cựu giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, nhận xét: "Không ai nghĩ xấu cho một quốc gia chỉ vì loại virus chết người mới bùng phát từ đó. Nhưng tính toán đằng sau các chiêu trò truyền thông đã gây ra ác cảm".
"Sự tự kiêu khi đóng vai cứu tinh và là nền kinh tế lớn duy nhất không bị tổn hại bởi đại dịch, cùng các chiến thuật đẩy trách nhiệm cho bên khác không phải là những điều một quốc gia có trách nhiệm nên làm", ông Chen nói.
Thực tế, Trung Quốc đã điều các nhóm chuyên gia y tế đến 34 quốc gia, cung cấp vật tư y tế cho 150 quốc gia và 9 tổ chức quốc tế đồng thời có những động thái hỗ trợ những nước gặp khó khăn vì COVID-19. Tuy nhiên, các khoản hỗ trợ và hàng hóa từ Trung Quốc không được hoan nghênh rộng rãi. Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Tây Ban Nha, Brazil và Philippines phản ánh về "sản phẩm kém chất lượng" của Trung Quốc. Biến những nỗ lực tuyên truyền của Bắc Kinh bị cho là nhằm vào mục đích địa chính trị.
Mặc dù thất bại trước Tổng thống đắc cử Joe Biden, ông Trump vẫn là nhân vật có tầm ảnh hướng lớn không chỉ ở Mỹ mà còn trên thế giới. Ông nhiều lần công khai chỉ trích Trung Quốc và gọi virus SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”. Tuy nhiên, Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc SOAS ở London cho biết công chúng thường không hoàn toàn tin tưởng những phát biểu của ông Trump nói.
Truyền thông phương Tây mới chính là bên có khả năng lớn trong việc định hình dư luận toàn cầu.
Trong cuộc chiến truyền thông Mỹ - Trung, tờ Wall Street Journal hồi tháng 2 gọi Trung Quốc là "Gã ốm yếu của châu Á", khiến Bắc Kinh trục xuất ba phóng viên của báo này khỏi Trung Quốc. Sự việc leo thang thành khủng hoảng ngoại giao, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh cáo rằng tờ báo "phải chịu trách nhiệm về những gì mình đã nói và làm". Động thái đáp trả gay gắt này bị các nước phương Tây cho là xâm phạm quyền tự do ngôn luận.
"...Việc gọi chiến lược ngoại giao của Trung Quốc là 'ngoại giao chiến lang' đã tóm gọn toàn bộ chiều hướng ứng xử của Bộ Ngoại giao Trung Quốc một cách tương đối công bằng, trung lập và chính xác", ông Sourabh Gupta, chuyên gia tại viện Nghiên cứu Mỹ - Trung ở Washington, Mỹ, cho biết. "Vì vậy, cái tên đó để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí và định hình quan điểm của mọi người”.
Đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng bảo vệ "ngoại giao chiến lang".
“Việc gắn nhãn ‘ngoại giao chiến lang’ tạo ra một ‘cái bẫy ngôn luận’ ", Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành nói. "Mục đích nhằm khiến chúng tôi từ bỏ việc phản bác. Chúng tôi không thể làm vậy".
Theo Yun Sun, chuyên gia tại trung tâm Stimson ở Washington, Mỹ, những hành động của Trung Quốc là "tự dồn mình vào chân tường".
"Tôi hiểu họ cảm thấy làm vậy là cần thiết, nhưng một cường quốc cần có khả năng giữ bình tĩnh, phản ứng tương xứng, chọn lựa kỹ khi nào mới cần đối đầu", ông Sun nói.
Jacques deLisle, chuyên gia về luật pháp và chính trị Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania, cho rằng mối lo ngại về xung đột Trung - Mỹ và rộng hơn là Trung - Tây đang đang ngày càng lớn và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. “Chúng ta vẫn chưa ở trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nhưng nó không còn là một khả năng xa vời như cách đây không lâu”, ông deLisle nói.
Các nhà phân tích đều cho rằng để cải thiện hình ảnh quốc tế, Trung Quốc nên đóng vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và thể hiện được tính minh bạch. Theo giám đốc Steve Tsang, Trung Quốc nên hỗ trợ cuộc điều tra tìm nguồn gốc đại dịch. Trong khi đó, ông Gupta cho rằng Trung Quốc cần tiết chế tuyên truyền đất nước với quốc tế.
Đối với các quốc gia khác, xung đột ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là bối cảnh cho thái độ bấp bênh giữa lợi ích kinh tế và lo ngại về an ninh của họ với Bắc Kinh.
Nguồn: vtc.vn