Trong chuyến thăm Saudi Arabia từ ngày 7-9/12, bên cạnh gặp gỡ Quốc vương Salman và Thái tử Mohammed Bin Salman, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc với các nước Arab và Hội nghị thượng đỉnh với khối GCC. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 7/12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Riyadh, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước Saudi Arabia trong hai ngày tới. Bên cạnh hội đàm với Quốc vương Salman và Thái tử Mohammad Bin Salman, ông sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc và các nước Arab lần đầu tiên, với sự tham dự của lãnh đạo 14 quốc gia. Đồng thời, Chủ tịch Trung Quốc cũng sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh giữa nước này và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Ông Tập Cận Bình cũng sẽ gặp gỡ hơn 30 lãnh đạo các nước và doanh nghiệp trong ba ngày tại Riyadh. Đặc biệt, phái đoàn Trung Quốc dự kiến ký hàng chục thỏa thuận với các nước Arab, bao trùm các lĩnh vực năng lượng, an ninh và đầu tư.
Không khó để thấy chuyến thăm của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm đặc biệt.
Trong thời gian qua, quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia nói riêng, khu vực Trung Đông nói chung đang có nhiều chuyển biến phức tạp. Vụ nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018, quan điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden về nhân quyền và mới đây nhất, việc Riyadh và Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ mở rộng (OPEC+) từ chối yêu cầu tăng sản lượng dầu của Washington cho thấy những rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ và đồng minh “trụ cột” ở Trung Đông, bên cạnh Israel.
Ở tầm khu vực, các tài liệu chiến lược gần đây của Mỹ như Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) và Chiến lược quốc phòng quốc gia (NDS) tiếp tục giảm tần suất đề cập Trung Đông, dành nhiều đất để nói về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đồng thời, quá trình “thu hẹp chiến lược” của Mỹ như rút quân tại Afghanistan, Syria để giảm tiêu hao, dành nguồn lực cho cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc đã tác động tiêu cực tới an ninh của các quốc gia trong khu vực, qua đó tác động đáng kể tới uy tín, sự hiện diện của xứ cờ hoa tại Trung Đông.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang tận dụng cơ hội để lấp đầy khoảng trống của Mỹ tại khu vực này nói chung và Saudi Arabia nói riêng.
Về chính trị, trong thời gian gần đây, Trung Quốc coi trọng cục diện chiến lược tổng thể đối với các nước Arab vùng Vịnh. Hàng năm, Bắc Kinh đều tổ chức các hội đàm trên các lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả họp cấp bộ trưởng thường kỳ.
“Báo cáo hợp tác Trung Quốc-Các nước Arab trong kỷ nguyên mới”, dài 18.000 từ công bố hôm 3/12 đã nêu rõ nước này muốn cùng khối Arab vùng Vịnh triển khai hợp tác toàn phương vị, đa tầng nấc, trải rộng nhiều lĩnh vực, hợp tác xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc-Các nước Arab” hướng tới kỷ nguyên mới. Ngoài ra, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) cũng đã mở rộng từ Trung Á đến các nước Trung Đông, bổ sung Saudi Arabia, Ai Cập và Qatar làm “đối tác đối thoại”, Iran cũng chuẩn bị gia nhập.
Về kinh tế, trong hai thập kỷ qua, quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Saudi Arabia đã tăng trưởng mạnh mẽ. Đầu tư của Trung Quốc vào Saudi Arabia đã lên tới 106,5 tỷ USD. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đã đạt 87,3 tỷ USD, so với 418 triệu USD (1990), 200 lần trong hơn 30 năm.
Giao dịch thương mại lớn nhất giữa hai nước là xăng dầu và sản phẩm hóa chất, 27% lượng dầu mỏ xuất khẩu của Saudi Arabia được bán cho Trung Quốc, trong khi hóa chất chiếm 25%. Saudi Arabia và 19 quốc gia Arab cũng ký kết trở thành một phần trong đại chiến lược “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc.
Đặc biệt, xuất phát từ việc coi trọng vấn đề nóng lên toàn cầu, nền kinh tế Saudi Arabia cần phải thay đổi sự phụ thuộc hoàn toàn vào dầu mỏ, năm 2016, Thái tử Mohammad bin Salman đã xây dựng “Tầm nhìn 2030”, chuẩn bị đầu tư 500 tỷ USD để phát triển ngành công nghiệp ô tô, lưu thông thị trường dịch vụ và hướng tới tăng trưởng bền vững. Đồng thời, Saudi Arabia sẽ xây dựng siêu thành phố Neom ở phía Tây Bắc nước này với những công nghệ tối tân nhất, cũng như hợp tác với Huawei xây dựng mạng 5G... Đây đều là những thế mạnh của Trung Quốc và các doanh nghiệp của đất nước tỷ dân này chắc chắn sẽ không bỏ qua.
Đáng chú ý, Trung Quốc cũng đang dần thuyết phục được khách hàng khó tính tại Saudi Arabia trong lĩnh vực quốc phòng, vốn trước đây chỉ dành cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ. Giá trị vũ khí Trung Quốc xuất khẩu sang Saudi Arabia giai đoạn 2016-2020 tăng 386% so với thời kỳ 2011-2015. Tháng 3/2022, hai bên vừa ký thỏa thuận về sản xuất thêm máy bay không người lái (UAV) Dực Long II.
Trong bối cảnh đó, chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Saudi Arabia ngày 7-9/12 cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tận dụng tầm ảnh hưởng suy yếu của Washington ở Trung Đông, mở rộng hợp tác với các nước Arab vùng Vịnh.
Nguồn: baoquocte.vn