Trả lời Thanh Niên, các chuyên gia quốc tế phân tích những mưu đồ của Trung Quốc khi xem xét sửa luật để đặt lực lượng hải cảnh dưới quyền của quân đội.
Tàu hải cảnh của Trung Quốc thường xuyên có hành động quấy phá ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam
ẢNH: ĐỘC LẬP
Theo truyền thông quốc tế, Trung Quốc đang đưa ra dự thảo sửa đổi luật để đưa lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân nằm dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương (CMC). Hải cảnh (CCG) là một bộ phận của lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc, nên có thể cùng quân đội tham gia chiến đấu, tập luyện chung khi xảy ra chiến tranh. Thực tế, những năm qua, CCG là một lực lượng được trang bị khí tài quân sự mạnh mẽ, nhưng núp bóng “dân sự” tiến hành nhiều hoạt động quấy phá trên Biển Đông.
Trả lời Thanh Niên ngày 22.6, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định: Việc Trung Quốc quyết định đặt CCG dưới quyền quân đội khi xảy ra chiến tranh ẩn chứa 2 vấn đề.
Thứ nhất, quyết định này giúp cho lực lượng vũ trang của Trung Quốc trên biển trở nên lớn hơn. Nhìn từ lịch sử chiến tranh thì chưa hẳn lực lượng quân sự đông giúp đảm bảo giành chiến thắng. Thực tế, Trung Quốc nhiều lần có quân số áp đảo nhưng vẫn thua trận. Chính vì thế, khi đặt CCG dưới sự chỉ huy của quân đội còn giúp Bắc Kinh xây dựng một chuỗi chỉ huy liền mạch để tạo nên mối đe dọa quân sự lớn hơn nhằm vào các nước trong khu vực.
Trước đây, vào năm 2013, CCG được thống nhất dựa trên sự sáp nhập các lực lượng hải giám (CMS), hải cảnh (cảnh sát biển của Cục Quản lý biên phòng - BCD), ngư chính (Cơ quan Đảm bảo thực thi pháp luật ngư nghiệp - FLEC), Tổng cục Hải quan và Cơ quan Hải dương Trung Quốc (GAC).
“Như thế, trong một chương trình dài hơi, Trung Quốc đã từng bước hợp nhất một lực lượng lớn dưới sự chỉ huy của hải quân”, TS Nagao nhận định.
Thứ hai, theo TS Nagao, khi các hoạt động của CCG có thể là một phần của quân đội, thì nếu CCG xâm nhập khu vực chủ quyền của các nước lân cận thì tạo ra một sự nhập nhằng giữa hoạt động của lực lượng chấp pháp với lực lượng vũ trang.
Tương tự, trả lời Thanh Niên, TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ) phân tích: Thông thường, lực lượng cảnh sát chịu trách nhiệm giữ gìn trị an, thực thi pháp luật và quân đội mới đóng vai trò chủ chốt trong chiến tranh. Chỉ khi nào mọi thứ nằm ngoài khả năng kiểm soát của cảnh sát thì quân đội mới được điều động.
CCG thời gian qua được Bắc Kinh điều động thực hiện các nhiệm vụ ở những nơi mà Trung Quốc tự cho là “có chủ quyền” như Biển Đông. CCG thường xuyên ra sức hoạt động và được hậu thuẫn bởi các lực lượng quân sự hùng hậu của hải quân.
“Giờ đây, khi “nâng cấp” CCG để dễ dàng kết nối với quân đội, Trung Quốc muốn gia tăng quyền kiểm soát về mặt thực tế để từng bước đạt được tham vọng chủ quyền trên Biển Đông”, TS James Holmes lo ngại.
Xung quanh diễn biến trên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương hải quân Mỹ, đang giảng dạy ở Đại học Hawaii (Mỹ) về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận xét: Thời gian qua, Bắc Kinh sử dụng CCG là lực lượng thực thi các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, và CCG cũng đã tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào ngư dân một số nước, trong đó có Việt Nam. Giờ đây, khi CCG được tổ chức tập luyện chung với hải quân thì năng lực chiến đấu sẽ càng được nâng cao, tăng khả năng phản ứng cũng như có thể sẵn sàng tích hợp hỏa lực. Động thái này báo hiệu 2 điều.
“Một là Trung Quốc có kế hoạch triển khai các lực lượng quân sự lớn mạnh hơn và bài bản hơn đồn trú tại các khu vực mà nước này đang chiếm giữ ở Biển Đông. Quân đội và CCG sẽ phối hợp chặt chẽ hơn. Hai là, Bắc Kinh thể hiện rõ sự đe dọa với các nước trong khu vực bằng thông điệp đối đầu với CCG tức là đối đầu với quân đội Trung Quốc”, ông Schuster đánh giá.
Nguồn: Thanhnien.vn