SCMP đưa tin, Trung Quốc đã soán ngôi Mỹ trở thành nhà sản xuất công nghệ cao hàng đầu thế giới, được dự báo sẽ tiếp tục vượt Mỹ trong vòng một thập kỷ tới nhờ các công nghệ nền tảng của thế kỷ 21, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI), 5G , khoa học thông tin lượng tử (QIS), chất bán dẫn, công nghệ sinh học và năng lượng xanh.
Dự báo được đưa ra trong báo cáo có tên “Cuộc đối đầu vĩ đại: Trung Quốc và Mỹ trong thế kỷ 21”, được công bố hôm 7/12 bởi Trung tâm Khoa học và Các vấn đề quốc tế Belfer tại Trường Harvard Kennedy, tổ chức chính sách công của Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ.
Báo cáo cảnh báo Mỹ về nguy cơ bị thay thế bởi Trung Quốc với tư cách là cường quốc kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới. Theo báo cáo của Harvard, Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành nhà sản xuất công nghệ cao hàng đầu thế giới, sản xuất 250 triệu máy tính, 25 triệu ô tô và 1,5 tỷ điện thoại thông minh vào năm 2020.
Hồi tháng 10, các quan chức tình báo Mỹ cảnh báo các công ty công nghệ nước này không nên hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực AI, điện toán lượng tử, khoa học sinh học, chất bán dẫn.
Trong báo cáo của Harvard, Trung Quốc đã là một “đối thủ ngang hàng toàn diện” của Mỹ, cho rằng Bắc Kinh đang giành sự quan tâm để có được lợi thế trong nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI). Trong lĩnh vực học sâu - lĩnh vực nóng nhất của AI, Trung Quốc có số công bố bằng sáng chế nhiều hơn Mỹ gấp 6 lần.
Báo cáo của Harvard cho thấy, gần như tất cả các chỉ số chính đều hỗ trợ dự đoán rằng Trung Quốc sẽ thống trị lĩnh vực 5G. Đến cuối năm 2020, Trung Quốc có 150 triệu người dùng 5G so với 6 triệu của Mỹ. Theo báo cáo, Mỹ vẫn duy trì lợi thế cạnh tranh trong nghiên cứu và phát triển, tiêu chuẩn và ứng dụng 5G.
“Trung Quốc đang bắt kịp và trong một số trường hợp, đã vượt qua Mỹ. Không giống như các cuộc cách mạng công nghệ trước đây diễn ra khi Trung Quốc vẫn còn là một nước nghèo, sự trỗi dậy vượt bậc của Bắc Kinh đã cung cấp cho nước này kinh phí và nhân lực để có khả năng dẫn đầu lĩnh vực này”, báo cáo của Harvard nêu.
Về chất bán dẫn, báo cáo dự đoán Trung Quốc sẽ trở thành nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Với sự gia tăng gấp ba lần thị phần tiêu thụ chip toàn cầu - từ dưới 20% năm 2000 lên 60% vào năm 2019, nhu cầu nội địa ngày càng tăng của Trung Quốc đã cung cấp động lực cho việc mở rộng ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong lĩnh vực công nghệ sinh học và năng lượng xanh, Trung Quốc đã trở thành một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với Mỹ, được hỗ trợ bởi những nỗ lực gia tăng trong nghiên cứu và phát triển, năng lực sản xuất và các sáng kiến với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính phủ.
Nguồn: vtc.vn