Các khách hàng đến giao dịch tại BIDV. |
Bài báo cho biết, mục tiêu này được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc công bố trong một hội nghị trực tuyến mới đây với sự tham gia của đại diện hàng nghìn doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mục tiêu đầy tham vọng trên cao hơn đáng kể so với dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong đó nhận định Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng 2,7%.
Tuy nhiên, ngay cả mức dự đoán của IMF cũng đặt Việt Nam lên trước các nước láng giềng và đảm bảo rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, dù giảm mạnh so với mức tăng trưởng 7% của năm 2019.
Theo bài báo, tính đến ngày 22/5, Việt Nam đã ghi nhận 324 trường hợp mắc Covid-19 và chưa có trường hợp tử vong. Trong vài tuần qua, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mới lây nhiễm trong cộng đồng. Tất cả các ca dương tính gần đây là những trường hợp về nước từ các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh.
Các chuyên gia tin rằng Việt Nam có thể kiềm chế dịch Covid-19 là do đã hành động nhanh chóng và dứt khoát. Đất nước Đông Nam Á đã quyết định đóng cửa trường học, biên giới và đình chỉ việc đi lại quốc tế sớm hơn nhiều so với các quốc gia khác. Việt Nam cũng thiết lập các điểm cách ly đối với hàng chục nghìn người nhập cảnh từ nước ngoài.
Những biện pháp quyết liệt trong việc ứng phó và phòng chống dịch mà Việt Nam triển khai đã nhận được khen ngợi từ khắp nơi trên thế giới và nâng cao uy tín của đất nước. Với việc khởi động lại nền kinh tế, Việt Nam hy vọng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài.
Nhà kinh tế trưởng Adam McCarty thuộc Công ty nghiên cứu và tư vấn Mekong Economics nhận định, Việt Nam đã cho thế giới thấy năng lực xử lý mối đe dọa phức tạp như cuộc khủng hoảng Covid-19 một cách hiệu quả hơn so với với hầu hết các nước châu Âu và Mỹ và "đó là tín hiệu tốt cho các nhà đầu tư và chính phủ nước ngoài".
Theo Thế giới và Việt Nam