Theo Sputnik, trong một cuộc họp nội các vào giữa tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin lần nữa nhắc lại tầm quan trọng của tuyến đường biển phương Bắc (NSR), đồng thời khẳng định biến đổi khí hậu dù mang đến tác động tiêu cực nhưng đang giúp kế hoạch phát triển NSR được hiện thực hóa. Ông Putin cũng cho rằng chính phủ Nga không nên tập trung mọi nguồn lực cần thiết cho dự án NSR.
"Luôn có một số vấn đề nhất định cần được giải quyết khi liên quan đến tài chính, nhưng tôi muốn nhắc với các bộ trưởng rằng tuyến đường biển phương Bắc là một trong những chiến lược phải được ưu tiên của Nga. Ở đây chúng ta không nên nghĩ về việc tiết kiệm hay cắt giảm ngân sách cho NSR dù với tình hình hiện tại”, ông Putin nói với nội các.
"Tuyến đường biển phương Bắc chạy qua Bắc Cực đang mở ra, điều này là hiển nhiên. Các đối tác của chúng ta thường nói về biến đổi khí hậu dù muốn hay không thì nó cũng đang xảy ra”, Tổng thống Nga nói thêm.
Tuyến đường biển phương Bắc là gì?
Tuyến đường biển phương Bắc (còn được gọi là Tuyến đường biển cầu Bắc Cực) là một huyết mạch vận tải hàng hải Bắc Cực đầy tham vọng của Nga chạy qua vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nga ở cực Bắc, trải dài từ biển Okhotsk và biển Bering ở phương Bắc. phía đông đến biển Barents và biển Trắng ở phía tây.
Hải trình này dài khoảng 5.600 km là tuyến hàng hải ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á, trong khi tuyến đường biển cũ từ biển Hoa Đông đến biển Bắc khoảng 9.000 km và phải đi qua kênh đào Suez.
Sau khi đi vào hoạt động đầy đủ NSR dự kiến cho phép vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu chỉ trong vòng 19 ngày, nhanh hơn 40% - 60% so với các chuyến hàng qua Kênh đào Suez hoặc Mũi Hảo Vọng mất ít nhất 30 ngày.
Tại sao NSR quan trọng đối với Nga
Tuyến đường biển phương Bắc sẽ cho phép Nga trở thành một bên tham gia chính trong quá trình vận chuyển hàng nghìn tỷ USD thương mại hàng năm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và khai thác các lãnh thổ của Nga ở Viễn Bắc - bao gồm cả trữ lượng dầu và khí đốt khổng lồ chưa được khai thác.
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2021, Bắc Cực có thể chứa gần một phần ba trữ lượng khí đốt tự nhiên chưa được thăm dò của thế giới, cũng như hơn một nghìn tỷ USD sản lượng đất hiếm.
Rõ ràng, Mỹ khó có thể ngồi yên để Nga giành quyền kiểm soát một khu vực đặc biệt về địa chính trị lẫn tài nguyên lớn như ở vùng vòm Bắc Cực. Điều này thể hiện qua sự phản đối của Washington khi Moskva công bố dự án NSR.
Lầu Năm Góc cũng nhiều lần mô tả vùng biển xung quanh Bắc Cực là tuyến đường biển huyết mạch và hải quân Mỹ có vai trò đặc biệt ở khu vực này nhằm duy trì tự do an ninh hàng hải.
Trong một tuyên bố vào năm 2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken còn lên tiếng cáo buộc Nga lợi dụng biến đổi khí hậu để cố gắng kiểm soát các không gian mới ở Bắc Cực, bao gồm cả việc hiện đại hóa các căn cứ quân sự.
Chiến lược kiểm soát Bắc Cực của Nga thông NSR
Việc Nga phát triển dự án NSR không phải mới diễn ra mà là cả quá trình kéo dài hơn 10 năm qua và các khoảng đầu tư của Moskva đang phát huy hiệu quả. Hạm đội phương Bắc và hạm đội tàu phá băng nguyên tử của Nga ở vùng vòm Bắc Cực hoàn toàn có thể giúp nước này phát triển và đảm bảo an ninh cho NSR.
Ở một chiều hướng khác, kể cả khi vùng vòm Bắc Cực tan băng thì việc tàu chiến Mỹ cũng như đồng minh có thể liên tục duy trì hiện diện trong khu vực là điều không thể khi thiếu tàu phá băng. Các lớp tàu phá băng đang được Lực lượng tuần duyên Mỹ đóng mới sớm nhất đến năm 2027 mới đi vào hoạt động.
Hiện tại Nga gần như hoàn tất việc xây dựng hoặc sửa chữa 16 cảng nước sâu và 14 sân bay xung quanh vùng vòm Bắc Cực. Không những thế Moskva còn thành lập một bộ chỉ huy tác chiến ở Bắc Cực, đồng thời thiết lập cơ sở hạ tầng phòng không và tìm kiếm cứu nạn khu vực để tạo điều kiện thuận lợi cho an ninh và an toàn.
Vào tháng 3, Nga đã thông qua “Khái niệm chính sách đối ngoại mới”, trong đó NSR chiếm một vị trí nổi bật. Theo tài liệu này, các ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Nga bao gồm thúc đẩy tuyến giao thông huyết mạch Bắc Cực “như một hành lang giao thông quốc gia có tính cạnh tranh, tạo khả năng sử dụng quốc tế cho giao thông vận tải giữa châu Âu và châu Á”.
Tháng 7/2022, Nga cũng thông qua một học thuyết hải quân cập nhật, trong đó đưa NSR là một trong 6 hướng ưu tiên chiến lược để cải thiện vị thế của Nga “như một cường quốc hải quân và củng cố vị thế của nước này trong số các cường quốc hải quân hàng đầu thế giới”.
Học thuyết liệt kê những nỗ lực của một số chính phủ không thân thiện nhằm làm suy yếu sự kiểm soát của Nga đối với tuyến đường huyết mạch, bao gồm cả việc thông qua sự hiện diện ngày càng tăng của cơ sở hạ tầng quân sự nước ngoài, là một trong mười mối đe dọa hàng đầu đối với Nga trong không gian hàng hải.
Năm ngoái, Phó Thủ tướng Nga Yuri Trutnev tuyên bố hoạt động qua tuyến đường biển phương Bắc dự kiến khả thi ngay sau năm 2024, với việc Moskva đặt ra mục tiêu tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển qua tuyến đường lên 80 triệu tấn và sẽ tăng lên 193 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030 và hơn 270 triệu tấn mỗi năm vào năm 2035
Nga có kế hoạch đóng thêm hàng chục tàu có khả năng hoạt động ở vùng biển Bắc Cực, với 41 chiếc đang trong quá trình triển khai và cần thêm 88 chiếc mới, nâng tổng số tàu có khả năng hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt lên tới 158 chiếc vào năm 2030.
Nguồn: vtc.vn