Thủy quân lục chiến Ukraine đã đạt được mục tiêu quan trọng của cuộc xung đột: Vượt sông Dnieper và thiết lập một số đầu cầu. Nhưng bây giờ tình huống thế nào? Các đầu cầu vững chắc đến mức nào?
Theo các báo cáo nguồn mở lạc quan nhất, lực lượng Kiev đã cài được hai mũi xung kích, mỗi nhóm có số lượng từ 100-300 người, vào 2 khu vực bên bờ trái (bờ phía đông) của sông Dnieper ở vùng Kherson. Các khu vực cách nhau khoảng 20km và không hỗ trợ được lẫn nhau.
Đã có nhiều báo cáo rải rác về việc một số xe bọc thép hạng nhẹ được vận chuyển qua đây, cũng như pháo hạng nhẹ hoặc súng cối, tuy nhiên, binh sĩ Kiev chủ yếu tự xây dựng công sự và tự vệ bằng vũ khí nhỏ, súng phóng lựu, súng máy hạng nặng, tên lửa chống tăng và bất cứ vũ khí gì mà họ mang được qua sông.
Ngoài ra, lực lượng của họ đang tự bảo vệ mình bằng máy bay không người lái (UAV), cả loại quan sát để phát hiện, chỉ thị mục tiêu đồng thời chỉnh bắn cho pháo binh ở hữu ngạn và bằng UAV cảm tử tự chế, mà người điều khiển hướng nó lao vào tấn công vị trí hoặc phương tiện của Nga.
Điểm yếu của Kiev
Địa hình ven sông Dnieper bên tả ngạn do Nga kiểm soát là sự kết hợp giữa vùng đất thấp đầm lầy và khu nghỉ cuối tuần hoặc làng chài, buộc binh sĩ Ukraine trong phần lớn thời gian phải bố trí tuyến phòng thủ xung quanh các tòa nhà hoặc trên các vùng đất khô, giúp Nga tìm kiếm và tấn công họ bằng UAV hoặc pháo binh dễ dàng hơn rất nhiều.
Có nhiều con đường đất trong khu vực, nhưng việc lái xe trên đó rất nguy hiểm: vào mùa hè, các đám mây bụi sẽ bộc lộ ngay và luôn vị trí của phương tiện, còn trong tất cả các mùa khác, UAV dễ dàng lần theo dấu vết tới bất cứ nơi nào có người đỗ xe.
Các đầu cầu tương đối gần các căn cứ sân bay của Nga ở Crimea, giúp Điện Kremlin dễ dàng tiến hành các cuộc không kích vào các vị trí của Ukraine. Gần đây, Nga bắt đầu sử dụng phổ biến bom lượn tấn công các đầu cầu mà không lọt vào tầm bắn của tên lửa phòng không đối phương ở bên kia sông.
Điều này cho phép máy bay Nga ném bom các đầu cầu tương đối thoải mái, kể cả đôi khi không chính xác thì cũng ít nguy cơ bị bắn hạ.
Mặc dù những con số cụ thể là bí mật quân sự của Ukraine, nhưng có vẻ như mỗi đầu cầu đều có diện tích vài km2. Điều đó có nghĩa là, nếu họ cố gắng xây dựng sức mạnh trong khu vực kiểm soát, binh sĩ và thiết bị sẽ phải tập trung gần nhau, dễ bị phát hiện và trở thành mục tiêu "ngon ăn" của các loại hỏa lực Nga.
Mặc dù rõ ràng phía Kiev có đủ thuyền và phà nhỏ để hỗ trợ hàng trăm lính bộ binh ở tả ngạn sông Dnieper và sơ tán thương vong nhưng một vấn đề lớn phát sinh, họ vẫn không thể triển khai xe tăng và pháo binh ở đó. Một cây cầu phao hạng nặng sẽ giúp giải quyết điều đó, nhưng nó dễ bị phát hiện và không khó để phá hủy.
Trong việc bắc cầu, người Ukraine phải đối mặt với một vấn đề phức tạp nữa, tất cả xe tăng tốt nhất của họ - Challenger 2 của Anh, Leopard 2 của Đức và M1A2 Abrams của Mỹ - đều quá nặng để sử dụng cầu kiểu Liên Xô.
Theo các nguồn tin mở, Kiev đã nhận được cầu phao tiêu chuẩn NATO từ Cộng hòa Séc, Đức và Pháp, đủ để xây dựng một cây cầu có khả năng giúp phương tiện cơ giới hạng nặng tiêu chuẩn NATO của họ qua sông Dnieper. Tuy nhiên, nếu bị phá hủy, có lẽ phải mất nhiều tháng họ mới thay thế được.
Điểm yếu của Nga
Lính thủy đánh bộ theo tiêu chuẩn của Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) gồm các đơn vị giỏi hơn mức trung bình, được lựa chọn và huấn luyện cho các hoạt động tấn công và đổ bộ. Những người lính trấn giữ các khu vực hiện nay phần lớn là những chiến binh dày dạn kinh nghiệm với những người chỉ huy đã trải qua chiến đấu.
Thủy quân lục chiến Ukraine tự coi mình lành nghề hơn đối thủ Nga và tin rằng thành tích chiến đấu của họ đã chứng minh điều đó. Bất kể người Nga vây ép họ thế nào, khả năng tinh thần của lính thủy đánh bộ Kiev sẽ nhanh chóng suy giảm là khá thấp.
Pháo binh Ukraine có lợi thế lớn nhờ tầm bắn xa hơn pháo binh Nga 5-8km nhờ phương Tây cung cấp pháo và đạn 155mm. Để bắn trúng đối phương trấn giữ ở các đầu cầu, Nga phải đưa pháo vào cự ly đủ gần, nhưng như thế họ sẽ lọt vào tầm bắn của hỏa lực đối phương ở bên kia sông. Do vậy, nếu có đủ đạn, pháo binh Kiev sẽ thống trị địa hình xung quanh đầu cầu.
Có một số báo cáo cho thấy UAV dân sự, do tình nguyện viên Ukraine điều khiển, xuất hiện ở Kherson dày đặc. Trong hầu hết mọi trận giao tranh, bất cứ nơi nào Kiev có khả năng điều động một số lượng lớn UAV quan sát và cảm tử, thì thương vong của Nga đều nặng nề và đôi khi rất nghiêm trọng.
Theo kênh Rybar, ngày 24/11, Nga bất ngờ tổ chức cuộc phản công táo bạo ở Krynki, một trong những đầu cầu của Kiev ở Kherson.
Trong đêm, các binh sĩ Nga thuộc Lữ đoàn hải quân đánh bộ 810 và Lữ đoàn súng trường cơ giới 144 đã tiến hành phản công bất ngờ nhằm vào đối phương đang ẩn náu tại một bãi đổ bộ sát Krynki.
Sau một cuộc tấn công chớp nhoáng, lực lượng Kiev đã bị đánh bật ra khỏi vành đai rừng và các phân đội xung kích bắt đầu bỏ chạy khỏi vị trí của họ trong hỗn loạn và mất trật tự để rút về Krynki.
Hiện nay, Krynki đã bị biến thành đống đổ nát giống như Pyatikhaty, Rabotino, Kleschiivka, Marinka, nơi binh sĩ Ukraine bị nghiền nát trong gạch vụn và bùn.
Tuy nhiên, bất chấp tổn thất, lực lượng Kiev vẫn bám trụ ở đầu cầu. Nga chưa nhổ sạch được những cái "gai nhức nhối" này, họ vẫn giữ khoảng cách và cố gắng tấn công đối phương bằng các cuộc không kích. Quân Kiev đã vượt sông hơn một tháng và phần lớn lực lượng trên bộ của Nga thậm chí còn không cố gắng đánh bật quân Ukraine.
Tại sao vậy? Tại sao người Nga không tập hợp một lực lượng tấn công lớn với xe tăng, pháo binh và bộ binh rồi san phẳng những đầu cầu nhỏ này?
Phải chăng các cuộc không kích và ném bom của Nga quá chính xác và hiệu quả, nên Thủy quân lục chiến Ukraine đang phải chịu thương vong liên tục mà họ không chịu đựng được theo thời gian, nên chẳng bao lâu nữa các đầu cầu của Kiev sẽ tự động sụp đổ?
Phải chăng các chiến lược gia quân sự của Điện Kremlin đã đặt cược rằng, khu vực hạ lưu sông Dnieper là nơi họ không cần hệ thống phòng thủ quá dày đặc?
Vì vậy, khi quân đối phương đi qua với số lượng nhỏ vào tháng 10, phản ứng đầu tiên của Nga là tin rằng đó chỉ là những nhóm đột kích, và sau đó che giấu Moscow rằng quân Kiev đã vượt sông với sức mạnh vừa phải và Nga không có đủ hỏa lực trong khu vực để buộc họ phải nhanh chóng rút lui.
Giờ đây, bức tranh toàn cảnh ở khu vực dường như cho thấy quân đội Nga không có đủ binh lính và trang thiết bị để lấp khoảng trống mới trong các tuyến phòng thủ của đối phương đã thiết lập ở các đầu cầu, mà không phải điều chuyển lực lượng ở những nơi khác tới tiếp viện.
Một vấn đề khác khá khó khăn với Nga: Trong khu vực chỉ có một số con đường có khả năng điều động một lực lượng thiết giáp lớn về phía các đầu cầu của đối phương.
Lực lượng Kiev biết điều này và theo các nguồn tin mở, những nhóm tuần tra của Thủy quân lục chiến Ukrine có phạm vi hoạt động lên tới 8km tính từ đầu cầu, nghĩa là bất kỳ lực lượng nào cơ động trên đường để tấn công đầu cầu đều có nguy cơ bị phục kích.
Các nguồn tin mở cũng đồng ý rộng rãi rằng các đơn vị Nga khó di chuyển, dù chỉ 10-20km từ đầu cầu, mà không bị UAV của đối phương phát hiện. , Sau đó, việc này giống như một cuộc chơi xổ số may rủi xem liệu người lính hoặc phương tiện đối phương có ẩn náu được hay không, trước khi một cuộc tấn công bằng UAV hoặc pháo binh của Ukraine diễn ra.
Theo hầu hết các nhà quan sát, tương lai của các đầu cầu Ukraine bắc qua Dnieper sẽ phụ thuộc vào ba thứ: Máy bay không người lái, pháo binh và lực lượng phòng không.
Bên nào xây dựng được ưu thế trong một phần của bộ ba đó sẽ giành được lợi thế mạnh mẽ và nếu bên nào thiết lập được ưu thế ở cả ba thì đầu cầu sẽ bị phá hủy (Nga thắng) hoặc đầu cầu sẽ mở rộng thành bàn đạp cho một cuộc tấn công lớn, sẽ đưa các căn cứ của Nga ở Crimea vào tầm bắn của đạn dẫn đường chính xác (Ukraine thắng).
Nếu không quân Nga cố gắng tăng tần suất xuất kích đủ để ném bom rải thảm các đầu cầu trong nhiều tuần, Thủy quân lục chiến Ukraine có thể bị xóa sổ hoặc phải rút lui.
Nếu Kiev xây dựng hệ thống phòng không xung quanh các đầu cầu - tất nhiên có thể phải trả giá bằng giảm bớt lưới lửa bảo vệ một hoặc nhiều thành phố khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa của Nga - thì những cây cầu họ đã bắc qua sông và một đầu cầu mở rộng nhanh chóng sẽ trở nên khả thi hơn rất nhiều.
Hầu như không có ngoại lệ, tất cả các nhà quan sát đều cho rằng, trong số ba yếu tố đó, với một tỷ lệ đáng kể, yếu tố quan trọng nhất là số lượng đạn pháo. Vậy tương quan về đạn pháo sẽ như thế nào trong thời gian tới?
Cả Moscow, Kiev và các đồng minh của họ đều cho rằng năm 2024 sẽ chứng kiến bước nhảy vọt trong sản xuất đạn pháo. Đầu năm 2023, cả hai bên đều đưa ra những tuyên bố giống nhau, nhưng 10 tháng sau, binh lính của cả hai bên vẫn phàn nàn về tình trạng thiếu đạn pháo.
Một số "chuyên gia" trong giới truyền thông do nhà nước Nga kiểm soát cho biết cách giải quyết vấn đề là tấn công hạt nhân. Về phía đồng minh, một số người ủng hộ Kiev cho rằng nếu Mỹ và các đồng minh NATO chuyển giao vài trăm tên lửa dẫn đường chính xác tầm xa, thay vì dưới 50 tên lửa như dự kiến vào năm 2023, thì thế bế tắc trên mặt trận có thể bị phá vỡ.
Tuy nhiên, cả hai giải pháp trên đều không khả thi!
Giả sử không có thay đổi lớn nào về hỏa lực của quân đội Nga và Ukraine, nhiều khả năng giao tranh ở các vị trí xung quanh đầu cầu sẽ còn tiếp diễn thêm ít nhất vài tháng nữa. Có thể đến tháng 2, xu hướng của những thứ như đạn pháo hoặc phòng không sẽ rõ ràng.
Nguồn: dantri.com.vn