Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở Biển Đông |
Những hành động nguy hiểm làm phức tạp tình hình Biển Đông
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 32 các quốc gia thành viên UNCLOS năm 1982 diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc nhằm xem xét báo cáo của các cơ quan thành lập theo Công ước, như Tòa án quốc tế về Luật Biển, Ủy ban ranh giới thềm lục địa..., Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc cho rằng, hòa bình, phát triển của khu vực và cộng đồng quốc tế gắn liền với duy trì hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông do vị trí chiến lược của vùng biển này.
Đúng là tình hình Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp mà nổi lên là các hành động nguy hiểm của Trung Quốc. Sau khi quân sự hóa hoàn toàn 3 thực thể gồm: đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc đưa chiến đấu cơ tối tân đến Biển Đông, liên tục tổ chức tập trận trên vùng biển này.
Mới tháng 4 vừa rồi, Trung Quốc đã điều chiến đấu cơ J-20 từ các căn cứ ở miền Nam Trung Quốc tham gia huấn luyện và tuần tra trên Biển Đông. Đây là diễn biến quan trọng bởi J-20 là chiến đấu cơ thế hệ 5 có khả năng tàng hình, nên về nguyên tắc nó chiếm ưu thế hơn các dòng chiến đấu cơ thế hệ 4 mà các nước quanh Biển Đông đang sử dụng. Các phi công Trung Quốc được huấn luyện thực tế các mô hình đối tượng trên không và trên biển; vị trí, hình ảnh radar và dấu hiệu điện tử của các mục tiêu tiềm năng hiện diện trong khu vực mà Trung Quốc đang hoạt động.
Ngoài chiến đấu cơ J-20, Trung Quốc cũng đã điều các máy bay chiến đấu J-11B mới nhất tham gia các cuộc tập trận kéo dài mà nước này liên tục tổ chức ở Biển Đông. Theo các thông báo được đăng trên website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) và thông tin từ tờ South China Morning Post, tính từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã tiến hành hoặc lên kế hoạch ít nhất 34 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 8 cuộc tập trận ở Vịnh Bắc Bộ. Đây là hành động phô diễn sức mạnh với các nước trong khu vực.
Cùng với đó, Trung Quốc đẩy mạnh “chiến thuật vùng xám” nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền của họ ở những khu vực mà các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền. Theo chiến thuật này, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc giả dạng các tàu cá tham gia hoạt động đánh bắt cá thương mại nhưng thực chất là phục vụ các mục tiêu chính trị và quân sự của nước này.
Lực lượng dân quân biển bao gồm cả tàu dân quân chuyên nghiệp và tàu đánh cá thương mại được tuyển mộ cho hoạt động dân quân. Các tàu này cải trang thành tàu đánh cá và đi cùng nhau với số lượng lớn trong các vùng biển tranh chấp. Bằng cách đẩy mạnh hoạt động của đội tàu dân quân biển, Trung Quốc có thể phớt lờ các công ước quốc tế về vùng biển quốc tế, cũng như phán quyết mang tính bước ngoặt năm 2016 của Tòa Trọng tài ở La Haye, trong đó bác bỏ tuyên bố lịch sử của Bắc Kinh đối với cái gọi là “Đường 9 đoạn” ở Biển Đông.
Tôn trọng và tuân thủ UNCLOS để giải quyết các tranh chấp
Trong bối cảnh phức tạp ở Biển Đông, điều quan trọng là phải đề cao và thực thi đầy đủ UNCLOS. Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 32 các quốc gia thành viên UNCLOS năm 1982, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã tái khẳng định
UNCLOS với vai trò “Hiến pháp của đại dương”, là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và cơ sở pháp lý duy nhất để xác định phạm vi quyền được hưởng vùng biển của các quốc gia.
Đại sứ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thực thi đầy đủ và toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kêu gọi giải quyết mọi tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
UNCLOS năm 1982 đóng vai trò quan trọng bởi nó là một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong sử dụng biển, quản lý các nguồn tài nguyên biển và bảo tồn các nguồn tài nguyên này cho thế hệ mai sau.
Trước hết, UNCLOS giúp các quốc gia xác định rõ phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của mình, bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Thứ hai, UNCLOS quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong vùng biển của mình. Theo đó, quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Quyền này là đặc quyền và đương nhiên tồn tại, các nước khác không thể xâm phạm.
Là một thành viên có trách nhiệm của UNCLOS, Việt Nam đã tích cực ủng hộ việc vận dụng Công ước nhằm thiết lập một trật tự pháp lý công bằng, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia. Chủ trương của Việt Nam là tôn trọng và tuân thủ UNCLOS, vận dụng Công ước để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như tôn trọng lợi ích của các nước liên quan. Trong khi tìm kiếm một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần kiềm chế, không làm gì để tình hình phức tạp thêm, phù hợp với các quy định của Công ước.
Quan điểm nhất quán của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS năm 1982 đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Mới đây, trang báo mạng Data-Max của Nhật Bản có bài viết “Vai trò của Việt Nam trong việc biến Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình và hợp tác”, trong đó nhận định Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia tích cực nhất, vận động để duy trì hoà bình, ổn định tại Biển Đông.
Trong bài viết trên trang mạng Infox.ru (Nga) có nhan đề: “Việt Nam - ngọn cờ đầu của ASEAN”, tác giả Grigory Trofimchuk, chuyên gia về chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh, khẳng định lập trường nhất quán và mang tính xây dựng của Việt Nam trong việc thiết lập môi trường hòa bình và ổn định trong toàn bộ khu vực, bao gồm Biển Đông, là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thích nghi với tình hình địa chính trị hiện đại.
Còn Tiến sỹ Lịch sử Anton Viktorovich Bredikhin, thành viên Hội đồng khoa học Trung tâm khoa học xã hội “Các vấn đề chính trị - xã hội hình thành EAEU” thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, thì đánh giá cao chính sách nhất quán của Việt Nam trong nỗ lực tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm kinh tế biển, đặc biệt là ở Biển Đông, với phương châm “hòa bình - hữu nghị, hợp tác-phát triển”.
Nguồn: anninhthudo.vn