Hãng thông tấn chính thức IRNA dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Zarif bên lề một sự kiện ở thủ đô Tehran nêu rõ: “Ngày 15/2, chúng tôi đã chính thức tuyên bố với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) rằng, luật về vấn đề này sẽ được thực thi từ sáng 23/2 và vì vậy, công tác thực thi luật này đã bắt đầu”.
Trước đó, Quốc hội Iran hồi tháng 12/2020 đã thông qua luật “Kế hoạch hành động chiến lược chống trừng phạt” (SAPCS), cho phép nhánh hành pháp của nước này ngừng thực thi Nghị định thư bổ sung từ ngày 23/2/2021 nếu các lệnh trừng phạt đối với Tehran cần được dỡ bỏ theo quy định của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vẫn còn hiệu lực.
Trước động thái này, chính phủ Pháp, Anh và Đức đã kêu gọi Iran hợp tác đầy đủ với IAEA và đảo ngược những bước đi làm giảm tính minh bạch.
Tuyên bố chung của Ngoại trưởng Pháp, Anh và Đức nêu rõ: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc rằng Iran đã bắt đầu đình chỉ Nghị định thư Bổ sung và những biện pháp minh bạch trong khuôn khổ Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA). Chúng tôi hối thúc Iran chấm dứt và đảo ngược mọi biện pháp làm giảm tính minh bạch, đồng thời đảm bảo sự hợp tác đầy đủ và kịp thời với IAEA”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi Iran tiếp tục hợp tác với IAEA, đồng thời cho rằng, nước Cộng hòa Hồi giáo đang xa rời nghĩa vụ tuân thủ các cam kết hạt nhân.
Phát biểu tại một buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định, Washington sẽ tham vấn chặt chẽ với IAEA để thảo luận về hành động thích hợp nhằm hỗ trợ các thỏa thuận của cơ quan này với Iran.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, IAEA đã công bố báo cáo trong đó bày tỏ “quan ngại sâu sắc về vật liệu hạt nhân chưa được công bố có thể tồn tại ở địa điểm chưa được thông báo và Iran vẫn chưa báo cáo về loại vật liệu như vậy theo quy định của thỏa thuận”.
Theo IAEA, sau 18 tháng, Iran vẫn chưa đưa ra “lời giải thích cần thiết, đầy đủ và đáng tin cậy về mặt kỹ thuật về sự tồn tại của các hạt vật chất hạt nhân”.
Địa điểm bị tình nghi có cơ sở nêu trên thuộc quận Turquzabad ở Tehran, nơi trước đó, Israel xác định là cơ sở diễn ra hoạt động nguyên tử bí mật của Iran.
Các nguồn tin cho hay, không có dấu hiệu cho thấy địa điểm này được dùng để làm giàu uranium, song có thể được sử dụng để lưu trữ uranium, muộn nhất là vào cuối năm 2018.
Trong một báo cáo khác cũng được công bố ngày 23/2, IAEA cho biết, kho lưu trữ uranium được làm giàu của Iran hiện đã chứa gấp hơn 14 lần mức quy định theo Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA).
Cụ thể, tới ngày 16/2, tổng lượng uranium đã làm giàu của nước này đạt 2.967,8 kg, trong khi theo thỏa thuận, mức giới hạn uranium làm giàu của Tehan chỉ là 300 kg dưới dạng hỗn hợp (UF6).
Theo báo cáo mới nhất của IAEA, Iran cùng ngày đã bắt đầu hạn chế một số hoạt động thanh sát của cơ quan này để đáp trả việc Mỹ từ chối dỡ bỏ các lệnh trừng phạt./.
Theo Reuter