Cuộc tập trận RIMPAC được giới phân tích cho rằng nhằm răn đe và ngăn chặn tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc trên biển |
Tập trận quy mô lớn hải quân đa quốc gia
Cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn mang tên “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC) do Mỹ dẫn đầu đã khai diễn từ ngày 17-8 ở ngoài khơi đảo Hawaii của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Chỉ huy cuộc tập trận, cũng là chỉ huy Hạm đội 3 Hải quân Mỹ, cho biết cuộc tập trận năm nay có sự tham gia của 10 quốc gia, 22 tàu mặt nước, 1 tàu ngầm và khoảng 5.300 binh sĩ. Tất cả hoạt động đều diễn ra trên biển và thời gian cũng rút ngắn hơn.
Trước đó, cuộc tập trận RIMPAC năm nay được kỳ vọng sẽ là đợt diễn tập lớn nhất từ trước đến nay với 30 quốc gia, hơn 50 tàu chiến mặt nước và tàu ngầm, hơn 200 máy bay cùng 25.000 binh sĩ, trong đó 4.000 binh sĩ tham gia hoạt động hoặc hỗ trợ từ trên bờ. Tuy nhiên, cuộc tập trận RIMPAC 2020 bắt đầu ngày 17-8 tại ngoài khơi quần đảo Hawaii với quy mô bị thu hẹp đáng kể do đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) khi chỉ có 1/3 quốc gia và 1/5 lực lượng tham gia.
Thế nhưng, không phải thu hẹp quy mô mà cuộc tập trận RIMPAC 2020 thay đổi mục đích đề ra trước đó. Phó đô đốc Scott D. Conn, Tư lệnh Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ, chỉ huy cuộc tập trận RIMPAC 2020, cho biết cuộc tập trận năm nay tập trung vào chiến đấu trong phạm vi hàng hải, bao gồm chiến tranh chống tàu ngầm và chống hạm nổi, các hoạt động ngăn chặn hàng hải và các sự kiện bắn đạn thật. Chỉ huy Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc tập trận là đưa hải quân các nước lại gần nhau trong bối cảnh có nhiều thách thức hàng hải tại Thái Bình Dương, từ quản lý ngư nghiệp cho đến các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đang có nguy cơ bùng nổ thành xung đột lớn trong khu vực.
Một số nước tham gia RIMPAC đã chỉ trích các nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát các tuyến hàng hải và thương mại quan trọng. Trước đó, người phát ngôn Hạm đội 3 Hải quân Mỹ John Fage cũng khẳng định RIMPAC sẽ củng cố sự liên minh để “đảm bảo một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Mỹ và các đồng minh cùng đối tác từng đặt ra vấn đề có tiến hành cuộc tập trận RIMPAC hay không trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi trên thế giới. Ngay chính các lực lượng Mỹ, trong đó có lực lượng hải quân ở Thái Bình Dương từng bị đại dịch Covid-19 tấn công khiến nhiều sĩ quan và binh sĩ mắc bệnh, song với ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc tập trận RIMPAC, Mỹ và các đối tác vẫn quyết định tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn trên biển với sự tham gia của nhiều lực lượng này.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc tập trận RIMPAC 2020 được tiến hành bất chấp những thách thức từ đại dịch Covid-19, Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nhấn mạnh: “Trong những thời điểm thử thách hiện nay, điều quan trọng hơn bao giờ hết là các lực lượng hàng hải của chúng ta phối hợp với nhau để bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng và đảm bảo tự do hàng hải qua các vùng biển quốc tế. Chúng tôi sẽ diễn tập an toàn và thận trọng”. Đô đốc Aquilino nêu rõ thêm, Mỹ vẫn cam kết và có khả năng bảo vệ các đồng minh cũng như các đối tác ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và cách tiếp cận linh hoạt RIMPAC 2020 tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa việc đối phó các đối thủ trong tương lai và mối đe dọa Covid-19.
Hợp tác chặn tham vọng bá quyền trên biển
Bắt đầu từ gần nửa thế kỷ trước, vào năm 1971, cuộc tập trận RIPMAC do Mỹ dẫn đầu nhanh chóng trở thành cuộc tập trận trên biển quy mô lớn nhất thế giới với sự tham dự của không chỉ hải quân mà nhiều lực lượng khác thuộc hàng chục quốc gia là đồng minh hay đối tác của Mỹ. Cuộc tập trận được tổ chức 2 năm/lần này là cơ hội mang lại sự huấn luyện độc đáo nhằm thúc đẩy và duy trì mối quan hệ hợp tác mang tính sống còn để bảo đảm an toàn của các tuyến đường biển và an ninh tại các đại dương trên thế giới.
Mỹ lần đầu mời Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC vào năm 2014 và tiếp đó là năm 2016. Trung Quốc năm 2014 tham gia cuộc tập trận đa quốc gia này với 4 tàu, song bị từ chối sự tham gia của 1 tàu do thám; và tiếp đó tham gia 5 tàu chiến vào năm 2016. Sau đó 2 năm, Mỹ thoạt đầu cũng mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018 diễn ra từ tháng 7-2018 nhưng vào tháng 5-2018, Mỹ đã bất ngờ từ chối, không để Trung Quốc tham gia RIMPAC 2018.
Mỹ không chính thức nêu lý do mời Trung Quốc tham dự tập trận RIMPAC 2018 nhưng hủy vào phút chót, song giới quan sát cho rằng quyết định bất ngờ của Washington được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng tỏ ra hung hăng hơn trong các hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Trong khi, Hải quân Trung Quốc điều động tàu thu thập thông tin tình báo lớp Dongdiao quan sát quá trình tập trận RIMPAC 2018.
Đáng chú ý, ngay sau khi từ chối không cho Trung Quốc tham gia RIMPAC 2018, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ khi đó đã cáo buộc, những triển khai gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và việc tiếp tục quân sự hóa tại vùng biển này là vi phạm lời hứa của Chủ tịch Tập Cận Bình với Mỹ và thế giới về việc không quân sự hóa quần đảo Trường Sa. Người phát ngôn Lầu Năm góc nêu rõ, Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở Biển Đông chỉ làm gia tăng căng thẳng và làm mất ổn định khu vực.
Theo giới phân tích, với việc “cấm cửa” Trung Quốc tham gia RIMPAC tổ chức 2 năm/lần, trong khi mục đích chính của các cuộc tập trận này là nhằm “bảo đảm an toàn của các tuyến đường biển và an ninh tại các đại dương trên thế giới”, nên đối tượng mà cuộc tập trận muốn nhắm tới chính là Trung Quốc, quốc gia đang ngày càng tỏ ra hung hăng trong tham vọng trên biển, trước hết là các vùng biển sát gần với nước này. Và không chỉ có những cuộc tập trận RIMPAC phải 2 năm mới diễn ra một lần, Mỹ gần đây đã liên tục tổ chức các cuộc diễn tập, tập trận ở Biển Đông với sự tham gia của nhiều lực lượng, kể cả “Át chủ bài” là các biên đội tác chiến tàu sân bay cùng máy bay ném bom chiến lược.
Gần đây, giới quân sự đã đề cập tới khả năng cuộc tập trận RIMPAC được tổ chức ở Biển Đông khi mà vùng biển này đã trở thành một tâm điểm quan trọng trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ cũng như các quốc gia đồng minh, đối tác của họ. Tập trận RIMPAC một khi diễn ra ở Biển Đông sẽ khẳng định tính pháp lý phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines, đồng thời mang lại lợi ích với các nước tại khu vực như Philippines, Malaysia, Thái Lan… bởi họ có thể đón tiếp lực lượng quân sự nước ngoài tới tham gia tập trận để từ đó đặt nền tảng cho hợp tác quốc phòng nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trên biển trong tương lai.
Nguồn: anninhthudo.vn