Phản ứng của Ấn Độ trước xung đột Nga - Ukraine
Ngày 22/2/2022 (theo giờ Việt Nam), Nga đã tuyên bố công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk thuộc vùng Donbass, miền đông Ukraine, đồng thời chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga triển khai quân tới đây để “gìn giữ hòa bình”. Ngay sau đó, ngày 24/2/2022, Nga đã tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine nhằm phi phát xít hóa và bảo vệ người dân khu vực Donbass. Điều này đã tạo ra tình thế khó cân bằng cho Ấn Độ.
Trước tình thế lưỡng nan, Ấn Độ đã tiến hành nhiều nỗ lực ngoại giao để giảm bớt căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Ở góc độ song phương, vài giờ sau khi Nga tiến quân vào Ukraine, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông kêu gọi tất cả bạo lực phải được chấm dứt ngay lập tức và nhắc lại rằng vấn đề Nga - NATO chỉ có thể giải quyết thông qua đối thoại trung thực và chân thành. Hai ngày sau, Thủ tướng Ấn Độ cũng cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong đó ông bày tỏ “nỗi đau đớn sâu sắc của mình về những thiệt hại về người và tài sản” mà Ukraine phải gánh chịu trong xung đột nhưng từ chối chỉ trích trực tiếp đối với Nga. Thủ tướng Modi chia sẻ rằng Ấn Độ sẵn sàng đóng góp bằng mọi cách để thúc đẩy các nỗ lực hòa bình nhằm giải quyết xung đột hiện tại giữa Nga và Ukraine. Ông quan ngại sâu sắc đối với sự an toàn của các công dân Ấn Độ đang có mặt tại Ukraine. Thủ tướng Modi mong muốn chính quyền Ukraine tạo điều kiện để sơ tán nhanh chóng và đảm bảo an toàn các công dân Ấn Độ[1].
Từ trái qua phải: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Internet.
Trên diễn đàn đa phương, ngày 26/2/2022, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức bỏ phiếu về nghị quyết yêu cầu Nga ngừng ngay các cuộc tấn công vào Ukraine và rút toàn bộ quân đội. Ấn Độ đã chọn bỏ phiếu trắng nhưng trong tuyên bố của mình, Ấn Độ nói về tầm quan trọng của “Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia” đồng thời nhấn mạnh rằng “tất cả các quốc gia thành viên cần tôn trọng những nguyên tắc này”. Đặc phái viên Liên hợp quốc của Ấn Độ bày tỏ “lấy làm tiếc vì con đường ngoại giao đã bị từ bỏ”. Ấn Độ cũng bỏ phiếu trắng về nghị quyết kêu gọi một phiên họp khẩn cấp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc.
Nguyên nhân dẫn đến phản ứng trung lập của Ấn Độ
Trong khi Mỹ và phương Tây kịch liệt lên án Nga, coi xung đột Nga-Ukraine là cuộc chiến giữa một chế độ chuyên quyền đế quốc và một nền dân chủ non trẻ, thì New Dehli lại bày tỏ thái độ trung lập và tập trung vào việc bảo đảm an toàn cho công dân Ấn Độ tại Ukraine. Điều này có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, Ấn Độ và Nga có quan hệ chính trị - đối ngoại đặc biệt với chiều dài lịch sử từ nhiều thập kỷ trước. Nga vẫn luôn là một đối tác chiến lược quan trọng của Ấn Độ, ngang hàng với Mỹ. Năm 2021, hai cường quốc đã chính thức nâng tầm quan hệ thành “đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền Nga - Ấn Độ” nhằm xác định tầm quan trọng của mối quan hệ và khẳng định sự hợp tác vì những mục tiêu chung. Tính đến nay, hai nước không có bất kỳ bất đồng lớn nào và cả hai đều có chung lợi ích cơ bản trong sự cân bằng quyền lực đa cực ở Âu-Á. Không những vậy, Nga đã từng phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề tranh chấp Kashmir trong quá khứ để giúp Ấn Độ giữ lại quyền kiểm soát vùng đất này. Do đó, thật khó để New Delhi bỏ qua lịch sử và quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền với Mátxcơva để lên tiếng chỉ trích trực tiếp đối với nước này trong vấn đề Ukraine.
Thứ hai, Nga là đối tác an ninh - quốc phòng quan trọng hàng đầu của Ấn Độ trên tất cả các phương diện thương mại quốc phòng, hợp tác sản xuất, chuyển giao công nghệ... Ấn Độ phụ thuộc vào Nga phần lớn nguồn nhập khẩu thiết bị quân sự, công nghệ tàu ngầm hạt nhân và một số thiết bị, công nghệ quân sự khác. Mặc dù tỷ trọng nhập khẩu vũ khí từ Nga đã giảm xuống 49% từ mức 70% trước đó do Ấn Độ quyết định đa dạng hóa danh mục đầu tư và tăng cường sản xuất vũ khí quốc phòng trong nước, nhưng Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ[2]. Quan trọng hơn là sự hỗ trợ công nghệ sản xuất vũ khí quân sự của Nga giúp tăng khả năng phòng thủ và khả năng răn đe chiến lược của Ấn Độ trước các mối đe dọa lớn từ bên ngoài đặc biệt là Trung Quốc và Pakistan.
Nga khiến Ấn Độ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan
Thứ ba, từ góc nhìn lịch sử, xung đột Nga - Ukraine có một số điểm tương đồng với những tổn thương mà Ấn Độ đã trải qua thời thuộc địa Anh. Sự chia cắt của Liên bang Xô Viết dẫn đến sự ra đời của nước Ukraine độc lập không khác với sự phân chia vùng Raj thuộc Anh đã tạo ra Ấn Độ và Pakistan, hai thực thể gần gũi về văn hóa nhưng vẫn đối kháng nhau. Đây có thể cũng là một yếu tố tế nhị đằng sau việc Ấn Độ miễn cưỡng chỉ trích các hành động của Nga đối với Ukraine.
Thứ tư, do nhu cầu an ninh quốc phòng và địa chính trị. Tuy không có quan hệ gắn bó như với Nga, nhưng Ấn Độ cũng có một số lợi ích an ninh, kinh tế nhất định tại châu Âu và Ukraine nên nước này đã áp dụng một cách tiếp cận cân bằng và có thể xem đây là một hình thức của chính sách Không liên kết nổi tiếng của Ấn Độ. Một mặt New Delhi chia sẻ những đau thương của người dân Ukraine, kêu gọi giải pháp hoà bình. Mặt khác, tuy không chỉ trích trực tiếp Nga nhưng Ấn Độ nhấn mạnh chủ quyền quốc gia trong tuyên bố tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng cho thấy họ không thoải mái với tình hình ở Ukraine nhưng không có khả năng thay đổi lập trường của mình trong vấn đề này.
Thứ năm, một lý do khác khiến Ấn Độ liên tục kêu gọi ngừng bạo lực, giảm leo thang và giải quyết tình hình thông qua ngoại giao là để tránh những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng này tới kinh tế - xã hội của Ấn Độ. Đáng nói nhất là vấn đề tăng giá năng lượng đang tác động tiêu cực tới quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 của đất nước đông dân thứ hai thế giới này. Thêm vào đó, Chính quyền Modi mong muốn bảo đảm an toàn cho lượng lớn công dân Ấn Độ, chủ yếu là sinh viên đang sinh sống tại Ukraine. Ấn Độ không thể đứng về phía nào trước nguy cơ gây nguy hiểm cho sự an toàn của công dân nước mình.
Thứ sáu, để bảo đảm lợi ích, Ấn Độ cần cân bằng quan hệ tam giác Nga - Ấn - Mỹ. Hiện tại, Nga không hài lòng với quan hệ ngày càng tốt đẹp của Ấn Độ - Mỹ gần đây. Cùng với việc Mỹ là quốc gia đối đầu với Nga trong cuộc xung đột này thì Ukraine đã trở thành lằn ranh đỏ mà Nga không muốn Ấn Độ vượt qua. Nga có thể gây áp lực đối với Ấn Độ bằng biện pháp tăng cường quan hệ với đối thủ không đội trời chung của Ấn Độ là Pakistan nếu nước này nhận thấy sự thay đổi trong chiến lược của New Delhi về vấn đề Ukraine.
Cuối cùng là, quan điểm của New Delhi đối với cuộc khủng hoảng Ukraine cũng cần được xem xét trong bối cảnh tam giác quan hệ Nga - Trung - Ấn. Trung Quốc bày tỏ “những quan ngại chính đáng của Nga về các vấn đề an ninh” trên diễn đàn đa phương cho thấy so với thái độ trung lập của Ấn Độ, Trung Quốc thẳng thắn ủng hộ Nga trong cuộc xung đột này. Cùng với việc Mỹ và phương Tây đang nỗ lực tẩy chay Nga, thì việc Trung Quốc ra mặt ủng hộ Nga khiến cho quan hệ hai nước sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. Nếu sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc ngày càng gia tăng thì “quan hệ đối tác đặc biệt và đặc quyền” giữa New Delhi và Mátxcơva có thể gặp rủi ro nghiêm trọng.
Có thể thấy, phản ứng trung lập của Ấn Độ trước xung đột Nga - Ukraine như giải pháp an toàn trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tuy nhiên, dù cuộc xung đột này tiếp tục hoặc kết thúc với kết quả như thế nào thì vì lợi ích quốc gia dân tộc, Ấn Độ vẫn cần phải cân bằng giữa các bên liên quan nên nước này khó có thể thay đổi quan điểm hiện tại. Nhưng Ấn Độ cần phải suy tính thêm đối pháp nếu Nga đẩy căng thẳng lên tới đỉnh điểm và Trung Quốc sẵn sàng làm đồng minh với Nga trong thế trận này.
An Trà