Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới song tham vọng của nước này không chỉ dừng lại ở đó, Bắc Kinh muốn vượt Washington để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Trung Quốc phải không ngừng gây ảnh hưởng, vươn “vòi bạch tuộc” để chi phối kinh tế trên toàn cầu.
Đông Nam Á có vị trí địa chính trị chiến lược hết sức quan trọng. Chi phối được kinh tế đối với khu vực này giúp Trung Quốc rộng đường thực hiện mục tiêu gây ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới. Và dường như Bắc Kinh tỏ ra vượt trội so với Washington khi mạnh tay “bơm tiền” vào các dự án, đẩy loạt nước trong khu vực rơi vào “bẫy nợ”, lệ thuộc vào Trung Quốc.
'Vòi bạch tuộc vươn dài'
Sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI) được xem là chìa khóa chính để Trung Quốc cụ thể hóa các mục tiêu tham vọng thống trị kinh tế thế giới. Đây được xem là "siêu dự án" cơ sở hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ USD được Trung Quốc khởi xướng vào năm 2013. Hơn 100 quốc gia đã ký thỏa thuận tham gia BRI và nhận được các khoản vay từ Bắc Kinh, trong đó có loạt nước Đông Nam Á.
BRI khi mới triển khai đã được chào đón nồng nhiệt ở các nước Đông Nam Á. Điều này không quá khó hiểu, bởi Trung Quốc là bên sẵn sàng “mở hầu bao”, chi mạnh tay để gây ảnh hưởng, trong khi nhiều nước Đông Nam Á “khát vốn”, “mở cửa” cho dòng vốn của Bắc Kinh chảy vào cơ sở hạ tầng và nền kinh tế của họ.
Theo ước tính, các nước Đông Nam Á sẽ cần 2.759 tỷ USD (tương đương 5% GDP), để đầu tư cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2016 - 2030. Rõ ràng, nhu cầu vốn là rất lớn đối với các nước trong khu vực. Trong bối cảnh nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân và các tổ chức tài chính quốc tế còn hạn chế thì nguồn vốn từ các dự án của Bắc Kinh sẽ được đánh giá cao.
Hơn nữa, cơ sở hạ tầng nghèo nàn và lỗi thời khiến các nước Đông Nam Á gặp khó trong phát triển kinh tế. Các dự án cơ sở hạ tầng mới do BRI cấp vốn được cho sẽ giúp các nước cải thiện kinh tế. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với một số nhà lãnh đạo Đông Nam Á, nhất là những vị muốn thông qua đó để ghi điểm, nâng cao vị thế chính trị.
Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak - người bị kết tội lạm quyền và lĩnh án 12 năm tù giam liên quan tới bê bối trị giá hàng tỷ USD, được xem là người ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến BRI. Ông đã ký các thỏa thuận BRI với Trung Quốc, đáng chú ý là dự án Đường sắt bờ Đông (ECRL) trị giá 20 tỷ USD. ECRL là dự án hạ tầng có kinh phí cao thứ hai trong khuôn khổ BRI, do Công ty Xây dựng Viễn thông Trung Quốc (CCCC) đảm nhận và được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (CEIB) hỗ trợ 85% vốn.
Chưa dừng lại ở đó, khoản đầu tư của Trung Quốc vào phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ rất lớn đối với kết nối hạ tầng trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Thương mại và du lịch nội khối ASEAN sẽ được thúc đẩy một khi hệ thống đường cao tốc, sân bay, cảng biển, và đường sắt được cải thiện. Vì thế, các khoản đầu tư từ Bắc Kinh luôn nhận được sự quan tâm, chào đón từ các quốc gia trong khu vực.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, Trung Quốc thừa đủ khôn ngoan để khu vực láng giềng Đông Nam Á không rơi vào tay kẻ khác, nhất là trên mặt trận kinh tế. Bắc Kinh luôn tìm mọi cách, thậm chí “đi đêm” với chính quyền các nước trong khu vực để giành giật các dự án đầu tư, hợp tác trong khu vực. Những lợi thế về địa lý, vốn và đặc biệt là tham vọng gây ảnh hưởng kinh tế trong khu vực đã giúp Trung Quốc vượt Mỹ trong đua tranh gây ảnh hưởng ở khu vực.
Điều này được minh chứng bằng việc, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 12 năm qua. Năm 2020, thương mại hai chiều giữa Mỹ và ASEAN đạt 307,69 tỷ USD, song con số này chưa bằng một nửa so với thương mại Trung Quốc và ASEAN (685,28 tỷ USD). Và chính ASEAN cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh vào năm ngoái.
Có thể nói, tại Đông Nam Á, Campuchia là quốc gia chứng kiến làn sóng ồ ạt, chưa từng có của các khoản đầu tư Trung Quốc cũng như du khách Trung Quốc. Nguồn vốn và du khách Trung Quốc đã tác động mạnh cả theo chiều thuận và nghịch đối với nền kinh tế Campuchia cũng như sự gắn kết trong xã hội tại đây. Các khoản đầu tư từ Bắc Kinh tác động mạnh vào chính trị nội bộ, chính sách đối ngoại của Campuchia, đồng thời tạo ra những thay đổi sâu rộng đối với môi trường và văn hóa - xã hội quốc gia Đông Nam Á này.
Nhân tố người Hoa
Khi nói đến ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở Đông Nam Á không thể không đề cập đến huaren (người gốc Hoa đang là công dân của nước khác). Dù chiếm chưa đến 10% dân số khoảng 650 triệu người của Đông Nam Á, nhiều gia tộc gốc Hoa đứng sau những công ty đang thống trị nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế quy mô 3.000 tỷ USD ở khu vực.
Tại Đông Nam Á, tỷ phú người gốc Hoa chiếm tỷ lệ rất cao. Singapore và Malaysia chiếm 50%, Philippines chiếm 46%, Indonesia chiếm 41% và Thái Lan chiếm 30%. Điều này có nghĩa là kinh tế Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines… chịu ảnh hưởng cũng như phát triển phụ thuộc lớn vào các doanh nhân gốc Hoa.
Những doanh nhân gốc Hoa đã giúp Đông Nam Á vượt Liên minh châu Âu (EU), trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc vào năm ngoái. Toàn cầu hóa chậm lại do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và thái độ e dè trước Trung Quốc của các nước phương Tây khiến các huaren và Trung Quốc thắt chặt quan hệ, tăng cường sự gắn kết.
Không phải đến bây giờ thì vai trò của huaren trong nỗ lực chi phối ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với Đông Nam Á mới được coi trọng mà điều này đã được thể hiện từ thời kỳ kinh tế châu Á bùng nổ trong những năm 1990. Trên khắp Đông Nam Á, mối liên kết giữa các công ty có gốc gác Trung Quốc với nhau đã không ngừng được củng cố.
Các tỷ phú xây dựng nền móng vững chãi của những tập đoàn đa ngành, tạo nên sự gắn kết được mô tả là "mạng lưới cây tre" gắn kết lợi ích với nhau dựa trên các giá trị truyền thống, điểm tương đồng và lợi ích chung. Mạng lưới các tập đoàn này thống trị nhiều ngành từ nông nghiệp đến tài chính.
Ở Malaysia, tỷ phú Quách Hạc Niên (Robert Kuok) "cai quản" đế chế bao trùm mọi thứ từ đường tinh luyện đến hệ thống khách sạn Shangri-La. Trong khi đó, tại Indonesia, tập đoàn Lippo Group của gia tộc Riady hoạt động sôi nổi trong các ngành ngân hàng, bất động sản và y tế.
Còn tại Myanmar, dù chưa có tỷ phú USD gốc Hoa, nhưng rất nhiều doanh nhân hàng đầu là người gốc Hoa như Serge Pun (ông chủ tập đoàn bất động sản và ngân hàng Yoma) hay Aik Htun (ông chủ tập đoàn Shwe Taung chuyên về cơ sở hạ tầng và bất động sản).
Trong khuôn khổ BRI, Trung Quốc cũng đang đầu tư tiền của vào cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á. Hầu hết các dự án BRI đều được thực hiện bởi các tập đoàn nhà nước Trung Quốc song vẫn dành cơ hội dành cho các công ty do các ông chủ gốc Hoa ở nước sở tại. Điển hình là ở Indonesia, nhà Riadys đang làm việc với các đối tác Trung Quốc để phát triển dự án township (khu trung chuyển) trị giá 18 tỷ USD bên ngoài Jakarta.
Hiểm họa khôn lường
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rộng lớn và quốc gia cung cấp nguồn vốn đầu tư dồi dào cho nền kinh tế ở Đông Nam Á trong thời gian qua. Thế nhưng, sự phụ thuộc ngày càng lớn vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã dấy lên nhiều mối lo đối với Đông Nam Á.
Các nước khu vực lo ngại rằng, sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm. Tăng trưởng kinh tế các nước bị suy giảm khi kinh tế Trung Quốc diễn biến xấu đi. Nếu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy yếu, điều này có thể gây ra các hiệu ứng dây chuyền nghiêm trọng ở các nước dựa vào xuất khẩu như Thái Lan và Malaysia.
Không dại gì Trung Quốc lại đem vốn đi đầu tư ‘bừa bãi”, ném vào những nơi vô nghĩa. Đi kèm với các khoản đầu tư từ BRI, Bắc Kinh cài các điều khoản khác để thu lợi. BRI ra đời nhằm thúc đẩy lợi ích kinh tế của Trung Quốc ở nước ngoài, điều kiện đi kèm đối với các nước được Bắc Kinh rót vốn là sẽ phải sử dụng công nghệ, thiết bị, và nhà thầu của Trung Quốc cho các dự án được cấp vốn từ sáng kiến này.
Với những điều kiện như vậy, loạt dự án được triển khai các nước Đông Nam Á đã phát sinh nhiều vấn đề như chậm tiến độ, đội chi phí, chất lượng xây dựng kém, thiết bị chất lượng thấp, chi phí bảo trì cao, và dòng chảy người lao động Trung Quốc mà các nhà thầu đưa vào. Điều này khiến các nước tham gia BRI đòi hủy, giảm bớt số vốn của dự án.
Trước nguy cơ rơi vào “bẫy nợ” từ các dự án của Trung Quốc, các quốc gia như Malaysia, Myanmar ngày càng lo ngại về tâm lý ngờ vực tại những nước nhận viện trợ theo sáng kiến BRI. Các nước này đàm phán quyết liệt để giảm quy mô dự án vốn đã ký kết với Bắc Kinh. Chính quyền Myanmar đã thành công trong việc đàm phán để giảm 80% quy mô dự án cảng nước sâu Kyaukpyu nhằm tránh nguy cơ bị mắc nợ không có khả năng chi trả.
Trong khi đó, giới chức Malaysia tỏ ra lo ngại sau khi cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak mang về các thỏa thuận hợp tác kinh tế trị giá 34 tỷ USD với Bắc Kinh. Họ cho rằng, các thỏa thuận này không chỉ chồng chất thêm gánh nợ hàng tỷ USD cho Malaysia mà còn mở cánh cửa để Trung Quốc tác động trực tiếp hơn đến các vấn đề nội bộ của Malaysia.
Các dự án của Trung Quốc tập trung vào xây dựng các cơ sở năng lượng, đường cao tốc và cảng biển nước sâu... Đây toàn là lĩnh vực, công trình trọng điểm và nhạy cảm. Tham gia BRI, một số quốc gia mất khả năng chi trả, chấp nhận cho Bắc Kinh thuê dài hạn các cảng biển chiến lược hoặc bán cổ phần trong các dự án này. Điều này rất nguy hiểm bởi Trung Quốc có thể vin vào đó để chi phối các vấn đề khác.
Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng chiêu bài gây sức ép về kinh tế để đạt các mục đích chính trị. Tính đoàn kết, thống nhất của ASEAN bị thách thức trước các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Khi cạnh tranh với nhau để giành các khoản vay BRI, các nước trong khu vực có thể phải ký các thỏa thuận song phương với Trung Quốc nằm bên ngoài các cơ chế ASEAN. Cách làm này có thể khiến vai trò của ASEAN đối với các nước thành viên, cũng như với các vấn đề khu vực suy giảm.
Trước tình trạng “khát vốn” của nhiều quốc gia trong khu vực, thật khó để đòi hỏi họ cư xử “đàng hoàng”. Bởi một khi đã nhận tiền, các nước sẽ không sẵn sàng chỉ trích Trung Quốc nếu này có các hành xử ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế ở khu vực. Thậm chí, tiếng nói của các nước có liên quan trực tiếp đến các vấn đề xung đột lợi ích với Trung Quốc cũng bị hạn chế bởi quan điểm “mang ơn” từ Bắc Kinh.
Trên thực tế, Bắc Kinh rất thích cơ chế đồng thuận hiện nay của ASEAN. Cơ chế này có nghĩa là khi một thành viên phản đối thì SEAN sẽ không thông qua được các chủ trương, quyết sách của khối. Nhiều tuyên bố của ASEAN đã không thể thông qua bởi có sự “giật dây” của Bắc Kinh.
Nguồn: vtc.vn